Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: Năm học 2017-2018, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 của Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương “ba tăng, ba giảm” (tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp và giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá đông). Đảm bảo 5 rõ: rõ tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt. Bên cạnh hình thức tuyển sinh trực tiếp, Hà Nội tiếp tục tuyên truyền một cách sâu rộng tới cha mẹ học sinh và học sinh trên toàn Thành phố về hình thức tuyển sinh trực tuyến. Đặc biệt Sở đã biên soạn tờ rơi tuyên truyền về ý nghĩa, quy trình của phương thức tuyển sinh trực tuyến để gửi tới cha mẹ học sinh trong buổi họp cuối năm học vừa qua. Thời gian tuyển sinh trực tuyến của cấp học mầm non, lớp 1, lớp 6 từ ngày 15/6 đến ngày 26/6/2017. Kết quả: Tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non đạt 12.077 trẻ (chiếm 74,5%); Tuyển sinh vào lớp 1 đạt 91.038 học sinh (chiếm 72,3%); Tuyển sinh vào lớp 6 đạt 68.312 học sinh (chiếm 68,1%).
Toàn cảnh hội nghị
Các đơn vị có tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1 cao như Mỹ Đức, Thanh Oai đạt 100%; Cầu Giấy 85%; Hà Đông, Bắc Từ Liêm gần 84%. Tuyển sinh vào lớp 6: Mỹ Đức đạt 100%, Ba Vì 91%...
Về công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 vẫn được giữ ổn định như những năm học trước là kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Kỳ thi tuyển sinh năm nay có 76.031 thí sinh đăng ký dự thi (tăng khoảng 1000 học sinh so với năm học trước) được tổ chức thành 153 điểm thi với 3.028 phòng thi. Sở GD&ĐT đã điều động gần 9.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi và hơn 1000 giáo viên tham gia chấm thi. Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành triển khai tốt kế hoạch công tác của kỳ thi đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của các điểm thi, hội đồng ra đề thi; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông; đảm bảo an toàn vận chuyển đề thi, bài thi; cung cấp điện, xử lý các sự cố về điện… để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được tổ chức với hai mục đích lấy kết quả của kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì với sự phối hợp của một số trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 72.939 (trong đó có 5.485 thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông dự thi để lấy kết quả xét vào đại học). Toàn Thành phố có 112 điểm thi với hơn 3 nghìn phòng thi được tổ chức ở tất cả các quận, huyện, thị xã trong toàn Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Các điểm thi được chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất trường thi như phòng thi, bàn ghế, quạt, tường rào, điện nước, y tế…
Ban chỉ đạo thi các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các điểm thi tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy nên trong các ngày thi không xảy ra ách tắc giao thông, không có hiện tượng mất trật tự an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm; không có hiện tượng ép giá tiền ăn, tiền trọ; công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi đảm bảo tuyệt đối an toàn, ngăn chặn kịp thời các vi phạm trường thi nên số lượng vi phạm quy chế thi bị kỷ luật giảm so với năm 2016. Trong 5 buổi thi có 287.315 lượt thí sinh dự thi; có 1.413 lượt thí sinh vắng thi, 18 thí sinh vi phạm kỷ luật trường thi (bị đình chỉ thi).
Sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao giữa cán bộ, giảng viên các trường đại học với cán bộ, giáo viên các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã giúp cho công tác tổ chức, triển khai kỳ thi được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thị Liên phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị, báo chí quan tâm trao đổi các nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; quá tải trường học ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố; việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập; chủ trương cộng điểm thưởng trong tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh vào lớp 10; công tác chấm thi kỳ thi THPT quốc gia; chương trình tuyển sinh lớp 10 song bằng học chương trình THPT của Việt Nam và A-level của CIE, Anh Quốc…
Giải đáp những vấn đề này, đại diện Ban Giám đốc và các phòng ban liên quan của Sở GD&ĐT Hà Nội đã làm rõ những qui định của UBND Thành phố về việc tổ chức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp; tuyển sinh trực tuyến; triển khai các kỳ thi cũng như công tác xây dựng điểm chuẩn vào lớp 10 THPT và tổ chức chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017… Về việc quá tải trường lớp ở một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố, Phó Giám đốc Lê Ngọc Quang cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do tăng dân số cơ học quá nhanh trong khi chưa có đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống trường lớp đi theo, kéo theo áp lực chỗ học... Hiện nay, Thành phố đã triển khai rà soát Quy hoạch mạng lưới trường học ở tất cả 30 quận, huyện để từ đó có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn…
Về công tác chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Phó Giám đốc Phạm Văn Đại cho biết: Hà Nội điều động 697 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi đảm bảo theo các qui định của kỳ thi. Công tác thanh kiểm tra sẽ được triển khai nghiêm túc. Tổ chấm thi trắc nghiệm có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thanh tra. Việc chấm thi bắt đầu từ ngày 25/6 và dự kiến kết thúc vào ngày 4/7/2017.
Cũng theo Phó Giám đốc Phạm Văn Đại: Hà Nội đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Công tác tuyển sinh trực tuyến nhằm hỗ trợ cha mẹ học sinh giảm việc đi lại, xếp hàng mà vẫn đăng ký được chỗ học theo phân tuyến cho con em mình. Cùng với chủ trương “ba tăng, ba giảm” thì tuyển sinh trực tuyến cũng góp phần giảm số học sinh trái tuyến, tăng sự tiện lợi cho cha mẹ học sinh trong tuyển sinh vào mầm non, lớp 1, lớp 6...
Phát biểu chỉ đạo buổi giao ban, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Liên ghi nhận những kết quả đạt được từ việc tổ chức công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp và tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi THPT quốc gia năm 2017 của ngành GD&ĐT Hà Nội. Phó Trưởng ban nhấn mạnh: Hà Nội là thành phố có tốc độ phát triển nhanh với dân số lớn trong khi nhiều quận, huyện vẫn còn thiếu trường, lớp học. Điều này gây áp lực lên công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nhất là đối với các quận nội thành và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Cũng chính vì vậy, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, thi vào lớp 10 THPT luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội… Báo chí cần đồng hành cùng Thành phố Hà Nội, cùng ngành Giáo dục thông tin về các chủ trương, chính sách, qui định liên quan đến giáo dục, đào tạo; tuyên truyền các kết quả đạt được trong việc tổ chức các kỳ thi, tuyển sinh mà toàn ngành đã nỗ lực triển khai khoa học, nghiêm túc và đạt hiệu quả cao trong thời gian qua để dư luận xã hội nắm bắt được một cách đầy đủ nhất. Bên cạnh đó, báo chí cũng quan tâm tuyên truyền chủ trương tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng thêm trường lớp học đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; đồng thời phát hiện nhiều gương giáo viên, học sinh điển hình để lan tỏa nét đẹp phong trào thi đua dạy tốt- học tốt, chủ động đổi mới theo tinh thần Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” và Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của ngành GD&ĐT Thủ đô…