Tuyển dụng được 34.380 giáo viên
Sau 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 111 của UBND Thành phố, ngành GD&ĐT Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 6 nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu đề ra. Do vậy, đến nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Hà Nội đã được tăng cường, có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các nhà giáo Thủ đô đều tận tụy với nghề, gắn bó với trường và hết lòng vì học sinh. Nhiều cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tốt, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lối sống và đạo đức.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị
Cụ thể, trong 5 năm, Hà Nội đã tuyển dụng được 34.380 giáo viên cho các ngành học, cấp học. Đã điều động, luân chuyển hàng trăm cán bộ quản lý, giáo viên. Công tác đào tạo bồi dưỡng của ngành ngày càng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả với phương châm “Chất lượng – Thiết thực – Hiệu quả”. 100% cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp ở các ngành học, cấp học đạt chuẩn về đào tạo. Trong đó tỷ lệ trên chuẩn của một số ngành học, cấp học tương đối cao so với tỷ lệ chung của cả nước (Mầm non 63,5%, Tiểu học 92,6%, THCS 79,4%, THPT 28,6%, TCCN 58,1%).
Hàng năm, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và các cơ sở giáo dục được đánh giá, xếp loại về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức. Căn cứ vào đó, Sở GD&ĐT, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ. Tập trung vào những nội dung bồi dưỡng thiết thực mà các trường đang cần và quan tâm như bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ quản lý, công tác quản lý tài chính cho CBQL; bồi dưỡng kiến thức cho tổ trưởng chuyên môn… Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy được đẩy mạnh; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học với 17 đề tài nghiên cứu cấp ngành và Thành phố trong 5 năm qua.
Giám đốc Nguyễn Hữu Độ trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các đơn vị
Cũng trong 5 năm qua, ngành đã rất chú trọng phối hợp mở rộng hợp tác quốc tế như cử hàng chục đoàn với hàng trăm lượt cán bộ quản lý, giáo viên đi nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế; tham gia các dự án và mời giảng viên của các dự án tham gia giảng dạy và bồi dưỡng giáo viên về giáo dục phát triển bền vững. Thông qua hợp tác quốc tế, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Thủ đô có cơ hội mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để từng bước tiếp cận trình độ giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại trao Giấy khen của Sở GD&ĐT Hà Nội cho các đơn vị
Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch 111, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 20 đơn vị có thành tích Xuất sắc; 42 đơn vị được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đổi mới công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ
Giai đoạn 2017 – 2022, ngành tiếp tục đề ra mục tiêu và giải pháp xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong đó, quan tâm đến công tác bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, lối sống; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy; tham mưu Thành phố hoàn thiện quy chế tuyển dụng và nghiên cứu luân chuyển giáo viên đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng đội ngũ giữa các nhà trường…
Văn nghệ mừng kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch 111
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Trong giai đoạn 2017 – 2022, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo cần phải được quan tâm nhiều hơn bởi vì chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và cả hệ thống chính trị về vai trò và trách nhiệm của giáo viên trong phát triển giáo dục Thủ đô. Bản thân giáo viên cũng phải tự thấy vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển của giáo dục Thủ đô".
Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Độ, công tác bồi dưỡng cần chú trọng đến quy trình: Xác định mục tiêu, yêu cầu bồi dưỡng; Từ đó xây dựng chương trình bồi dưỡng, rồi tổ chức bồi dưỡng; Sau khi bồi dưỡng cần phải kiểm tra, đánh giá kết quả. Giám đốc Sở cũng đề nghị các nhà trường xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách cho đội ngũ này. Tạo điều kiện cho họ được đi học, tiếp cận kiến thức mới. Đội ngũ này sau khi khi học về có trách nhiệm bồi dưỡng, lan tỏa trong tổ nhóm chuyên môn.