Đến dự hội nghị có có Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Phạm Văn Thanh; Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Hoàng Đức Minh; Trưởng ban Văn hóa -Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thùy; Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ thành phố Lê Thanh Đà; Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cùng các đồng chí trong BGĐ. Đặc biệt, hội nghị còn có đại diện 129 tập thể và 281 cá nhân là cán bộ, nhà giáo, học sinh có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong 10 năm thực hiện cuộc vận động.
Diện mạo mới, chất lượng cao
Cách đây 10 năm, ngày 12/1/2005, ngành GD&ĐT Hà Nội đã phát động cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”. Xác định đây là nhân tố quan trọng trong phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng giáo dục nên ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.
Cô và trò hát múa mừng thành tích 10 năm thực hiện cuộc vận động
Trong 10 năm qua, nhiều nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị và đồ dùng dạy học đảm bảo, khung cảnh nhà trường mô phạm xanh, sạch, đẹp và an toàn... đáp ứng tiêu chí “Nhà trường văn hoá”. Tính đến tháng 12/2015, toàn Thành phố có 1.103 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 117 trường so với năm 2005, chiếm tỷ lệ 52,7%. Năm học 2014 - 2015, đã có tổng số 1.117 thư viện đạt danh hiệu cao, trong đó có 60 thư viện xuất sắc, 278 thư viện tiên tiến và 839 thư viện đạt chuẩn, tăng 30% so với năm học 2007 - 2008. Để chuẩn bị cho năm học mới 2015 - 2016, TP Hà Nội đã xây mới 64 trường học các cấp với kinh phí khoảng hơn 2.200 tỷ đồng. Cải tạo, sửa chữa và xây mới 2.057 phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chào đón năm mới đạt hơn 570 tỷ đồng…
Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết: Những năm qua, mỗi nhà giáo đã tự hoàn thiện mình, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, yêu nghề, mến trẻ, có tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết, tận tuỵ với nghề. Các nhà giáo đã đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Phẩm chất tốt - Chuyên môn giỏi - Phong cách đẹp, luôn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, đã có 238 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; 132 giáo viên dạy giỏi quốc gia, 3.260 giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố. Nhiều tấm gương nhà giáo đã được tôn vinh, đó là 81 gương mặt nhà giáo tiêu biểu, 90 nhà giáo điển hình trong hàng nghìn nhà giáo tích cực trong cuộc vận động "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt" và 18 nhà giáo tiêu biểu dạy các lớp tình thương, dạy trẻ khuyết tật. Cũng trong 10 năm qua, đã có trên 40.000 lượt giáo viên nhận đỡ đầu, giúp đỡ trên 87.000 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền lên tới 20 tỷ đồng.
Tọa đàm về thực hiện cuộc vận động
Cùng với cuộc vận động "Xây dựng nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch", ngành GD&ĐT còn triển khai thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" bằng nhiều chương trình, giải pháp, sự tham gia của nhiều tổ chức, lực lượng xã hội và nhân dân Thủ đô cùng toàn thể giáo viên, học sinh ở các nhà trường. Hàng năm, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt đạt 90%, chất lượng học tập văn hoá được nâng cao. Với giáo dục mũi nhọn, Hà Nội liên tục là đơn vị dẫn đầu về thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thành tích từng năm được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Trong 10 năm, đã có 107 em đạt học sinh giỏi Quốc tế; 937 em đạt học sinh giỏi quốc gia...
NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Thực hiện cuộc vận động, diện mạo các nhà trường có sự thay đổi tích cực. Khung cảnh sư phạm, điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục từ lớp học, phòng thí nghiệm, sân trường, cổng trường… đều được quan tâm nâng cấp. Các trường được xây dựng theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã có sự thay đổi tích cực về nhận thức, mỗi thầy cô đều thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quyết định sự nghiệp giáo dục. Nhiều nhà giáo đã nỗ lực, cố gắng trở thành tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo và không ngừng nâng cao trình độ, vì vậy chất lượng giáo dục đã có nhiều bước phát triển. Học sinh Thủ đô cũng có sự chuyển biến tích cực, điều này được thể hiện qua chất lượng giáo dục đại trà giữ vững, chất lượng mũi nhọn phát triển. Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh của học sinh Hà Nội” được các trường triển khai giảng dạy đã giúp học sinh có đạo đức tốt, lối sống đẹp.
Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Hoàng Đức Minh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động
Đưa cuộc vận động trở thành hoạt động thường xuyên
Phát biểu tại hội nghị, TS Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đánh giá cao kết quả mà thầy và trò ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong 10 năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của cuộc vận động trong cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên. Đưa cuộc vận động trở thành hoạt động thường xuyên trong ngành giáo dục Hà Nội và lan tỏa tới cả nước. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Thủ đô cũng cần tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, quan tâm đến đội ngũ nhà giáo ở xa trung tâm còn nhiều khó khăn, đồng thời động viên các thầy cô giáo Thủ đô chia sẻ khó khăn với các nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đặc biệt, trên tinh thần tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đại hội đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, Ban chấp hành công đoàn các cấp cần cụ thể hóa, lượng hóa các tiêu chí, nội dung của cuộc vận động và xây dựng chương trình công tác phù hợp với mỗi đơn vị, trường học ở mỗi địa bàn của Thủ đô.
Để thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch” với sức sống và diện mạo mới, Ngành GD&ĐT Hà Nội đã đề ra 7 nội dung trọng tâm trong thời gian tới, trong đó chú trọng việc nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, nếp sống văn hóa cho học sinh, sử dụng hiệu quả bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh Hà Nội.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ và Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà trao giấy khen cho các học sinh
Giám đốc Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các nhà trường, trong thời gian tới thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch” một cách khoa học, đặc biệt là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Các trường cũng cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất các nhà trường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại, đồng thời quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 22 tập thể và 23 cá nhân, ngành GD&ĐT Hà Nội cũng đã tặng Giấy khen cho 107 tập thể và 258 cá nhân đã có thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng nhà trường văn hoá - nhà giáo mẫu mực - học sinh thanh lịch".