Cấp Tiểu học
Hội nghị sơ kết học kỳ 1 cấp Tiểu học được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội kết nối với điểm cầu tại 30 quận, huyện. Tham dự hội nghị có TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT; Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến.
Năm học 2018 – 2019, Hà Nội có 764 trường tiểu học (tăng 19 trường, 59 nghìn học sinh so với năm học trước). Các cơ sở giáo dục và nhà trường đã tổ chức triển khai và thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ và các phong trào theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, UBND TP và Sở GD&ĐT. Kết quả hoạt động giáo dục đều đạt và vượt so với các chỉ tiêu được giao. Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học tiếp tục nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập và đạt các tiêu chí về năng lực phẩm chất đều ở mức cao. Số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày tại Hà Nội trong học kỳ 1 tiếp tục tăng.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao. Quá trình chỉ đạo, điều tra, tổng hợp dữ liệu, cập nhật phần mềm, lập hồ sơ phổ cập giáo dục có nhiều cải tiến, đổi mới và khoa học hơn.
100% trường tiểu học công lập trên địa bàn thành phố và hầu hết các trường ngoài công lập tham gia Đề án "Sữa học đường". Tỷ lệ học sinh tiểu học đăng ký tham gia là 72%. Các trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng sữa và phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức cho trẻ uống sữa.
Chia sẻ tại hội nghị, TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng của Hà Nội trong việc thực hiện Đề án "Sữa học đường". Đây là đề án mang tính nhân văn cao". TS Thái Văn Tài cũng cho rằng, giáo dục Tiểu học của Hà Nội có những bước tiến vượt bậc so với mặt bằng chung toàn quốc. Đây là điều kiện tốt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian sắp tới. Để chương trình giáo dục phổ thông mới không gây bỡ ngỡ cho giáo viên, các trường cần chủ động tìm hiểu qua mạng internet và các văn bản của Bộ GD&ĐT.
Nói về nhiệm vụ của cấp tiểu học trong học kỳ 2 năm học 2018 – 2019, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đề nghị các trường làm tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học, cụ thể là điều tra, rà soát để có con số chính xác về số lượng học sinh cho năm học mới. Từ đó, tham mưu với UBND quận phân tuyến tuyển sinh. Bên cạnh đó, phải tham mưu với chính quyền dành quỹ đất để xây thêm trường, xây thêm phòng học. Không để xảy ra tình trạng thiếu phòng học, đảm bảo cho học sinh tiểu học được học tối thiểu 5 ngày/tuần, và học 2 buổi/ngày.
PGĐ Phạm Xuân Tiến cũng đề nghị cán bộ quản lý các trường tiểu học phân công lao động, giờ dạy giữa các giáo viên một cách hợp lý, khoa học. Thêm vào đó, quan tâm đến công tác tâm lý học đường. Giáo viên làm công tác tâm lý phải có các bài nói chuyện với học sinh, tạo sự gần gũi với các em; giúp các em hiểu giá trị vai trò của phòng tư vấn tâm lý, để các em không rụt rè đến đó.
Cấp THPT
Hội nghị sơ kết học kỳ 1 cấp THPT được tổ chức tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam với sự tham dự của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang và cán bộ quản lý các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong học kỳ 1 năm học 2018 - 2019, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đã chủ động, sáng tạo và tích cực đổi mới các hoạt động giáo dục, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng. Để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Sở tổ chức 12 chuyên đề chuyên sâu về dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở tất cả các môn học với hơn 2,6 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT tham gia. Sở cũng đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho giáo viên 5 môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và GDCD) và 2 chuyên đề bồi dưỡng giáo viên môn Tiếng Anh.
Điểm nhấn của học kỳ này là ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc – chứng chỉ A level của Cambridge tại trường THPT Chu Văn An, mở rộng ra 7 trường THCS và 1 trường THPT.
PGĐ Lê Ngọc Quang phát biểu tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 cấp THPT
Học sinh THPT của Hà Nội trong học kỳ 1 năm học 2018 – 2019 đã đạt thành tích ấn tượng tại các cuộc thi quốc tế. Cụ thể, 4/5 em tham gia cuộc thi Olympic quốc tế về thiên văn học và vật lý thiên văn (IOAA) đã đạt huy chương, trong đó có 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ; tham gia cuộc thi khoa học trẻ quốc tế (IJSO), học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam đã đạt thành tích cao nhất sau 9 năm tham gia, cả 6 học sinh đều đoạt giải trong đó có 4 HCV và 2 HCB.
Cũng trong học kỳ 1, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT thành phố lần thứ IV năm 2018 với tổng quân số tham gia là 862 học sinh, trong đó có 400 học sinh dự thi các nội dung như: nhận thức chung về quốc phòng, an ninh; băng bó cứu thương; ném lựu đạn; bắn súng tiểu liên AK…
Học kỳ 2 năm học 2018 – 2019, nhiệm vụ trọng tâm của các trường THPT là đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, tăng cường vận dụng, thực hành và hoạt động trải nghiệm. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với các nội dung theo phương án thi của Bộ GD&ĐT. Trước mắt, trong thời gian tới, quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, chống đốt pháo trong dịp tết Kỷ Hợi 2019.
Phát biểu tại hội nghị, NGƯT. TS Lê Ngọc Quang – PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà các trường hết sức chú ý là chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường, lưu ý đến công tác tư vấn học đường, cần có các biện pháp thu hút học sinh đến tư vấn. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục với việc triển khai hiệu quả việc dạy song bằng và tổ chức thành công 2 cuộc thi quan trọng sẽ được Hà Nội tổ chức và đăng cai là kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng HOMC (dự kiến có khoảng 30 nước tham gia), Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi IMS0 (khoảng 40 nước tham gia). Hà Nội cũng sẽ đăng cai tổ chức thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
PGĐ Lê Ngọc Quang cũng đề nghị giáo viên các nhà trường sử dụng đồ dùng dạy học một cách hiệu quả, tránh lãng phí. Hiệu trưởng các trường làm tốt công tác quản trị trường học.