Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Năm học 2015 - 2016, toàn TP có hơn 2.500 đơn vị trường học và cơ sở giáo dục, với hơn 1,7 triệu học sinh (tăng 77.000 học sinh so với năm học trước). Để chuẩn bị khai giảng năm học mới, Thành phố đã xây mới 64 trường học các cấp học với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Xây mới và cải tạo trên 2.000 phòng học… Ngoài ra, trong năm học mới tới đây, tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cấp học là 574,831 tỷ đồng.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức bồi dưỡng cho 14.900 lượt cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các trường trực thuộc Sở và giáo viên cốt cán của các trường thuộc quận, huyện, thị xã. Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên của ngành GD&ĐT Thủ đô đã đảm bảo về số lượng, cơ cấu, được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới 2015-2016.
Sở đã có văn bản số 5929/SGD&ĐT-KHTC gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc về thực hiện thu chi học phí và các khoản thu khác. Theo đó, năm học 2015 - 2016 Hà Nội giữ nguyên mức học phí. Cụ thể là 40.000 đồng/tháng/HS đối với các trường ở thành thị, 20.000 đồng/tháng/HS đối với các trường khu vực nông thôn. Đối với các khoản thu khác, tiếp tục thực hiện theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND TP Hà Nội. Sở GD&ĐT sẽ tiến hành thống nhất các khoản thu khác của các trường trực thuộc, thời gian từ ngày 19 - 25/9. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thỏa thuận thống nhất bằng văn bản về mức thu khác của các cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý và tổng hợp báo cáo về Sở trước ngày 15/10.
Tại buổi giao ban, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại văn bản số 4192/BGDĐT-VVP ngày 18/8/2015 về việc tổ chức khai giảng năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và có văn bản gửi phòng giáo dục quận, huyện, các trường quy định rõ các nội dung và hình thức tổ chức lễ khai giảng với tinh thần gọn nhẹ, giảm về thời gian, lễ nghi không cần thiết. Thời gian tổ chức lễ khai giảng ở tất cả các trường của Hà Nội từ 7 giờ 30 - 8 giờ 30, ngày 5/9. Cụ thể, đúng 7h30 chào cờ Tổ quốc, hát quốc ca (tổ chức theo nghi thức quy định, tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh dự lễ chào cờ đều hát quốc ca). Sau đó là nghi thức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới; Đánh trống khai trường; Tổ chức các hoạt động tập thể như văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian…
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí xoay quanh các vấn đề về tuyển sinh đầu cấp; xây mới trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học; hoạt động ngoại khóa của nhà trường; thu chi đầu năm học mới…, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và một số phòng GD&ĐT quận, huyện đã làm rõ các nội dung, trong đó nhấn mạnh đến tính chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai đúng qui định các lĩnh vực hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao công tác chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới 2015-2016 của ngành GD&ĐT Hà Nội và nhấn mạnh: Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo. Nhờ vậy, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, năm học mới 2015-2016, bên cạnh sự quan tâm của Thành phố, toàn ngành cần tập trung hướng vào chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; thực hiện nghiêm túc công tác xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức nhiều biện pháp chuyên môn nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục, đào tạo giữa các khu vực trên địa bàn thành phố. Với đặc thù qui mô giáo dục lớn, đa dạng, ngành GD&ĐT cần mở kênh thông tin tiếp nhận các thông tin phản ánh từ dư luận xã hội để kịp thời nắm bắt, điều chỉnh các chương trình, hoạt động…