Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2018 - lần thứ 15 (The 15th Hanoi Open Mathematics Competition 2018) được Thành ủy nhất trí, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội là đơn vị thường trực, phối hợp với Hội Toán học Hà Nội và các Sở, ngành, địa phương tổ chức từ ngày 26/3 đến hết ngày 30/3/2018. Đây là lần đầu tiên kỳ thi có sự tham gia của thí sinh quốc tế. Và đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một thành phố đăng cai tổ chức kỳ thi quốc tế về các môn văn hóa.
Ban tổ chức thông tin về kỳ thi đến các cơ quan báo chí
Kỳ thi HOMC 2018 được tổ chức nhằm mục đích thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới; khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học Toán nói riêng; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của đất nước; tăng cường mối quan hệ hữu nghị, giao lưu giữa thế hệ trẻ, các thầy cô giáo dạy môn Toán trong các trường phổ thông của các nước. Kỳ thi góp phần tăng cường sự hiểu biết và hợp tác quốc tế; quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Việt Nam; giới thiệu về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình.
Thí sinh dự thi HOMC 2018 được chia thành 2 bảng: bảng A (khối quốc tế) và bảng B (khối trong nước).
Tính đến thời điểm hiện tại, bảng A có 121 thành viên (trong đó có 87 thí sinh) đến từ 10 quốc gia: Ba Lan, Ghana, Indonesia, Malaysia, Myanma, Philipin, Thái Lan, Trung Quốc, Hungari và Việt Nam. Thí sinh dự thi theo 2 lứa tuổi Juinor và Senior (44 thí sinh lứa tuổi Junior; 43 thí sinh lứa tuổi Senior), mỗi thí sinh sẽ tham gia dự thi cá nhân và thi đồng đội. Bài thi đồng đội các thí sinh vừa làm việc cá nhân vừa phải phối hợp tập thể. Việc chấm thi và phản biện được thực hiện công khai theo các kỳ thi quốc tế. Khối học sinh quốc tế sẽ dự thi tại trường Phổ thông liên cấp Olympia. Bên cạnh sự tranh tài Toán học, các thí sinh bảng A sẽ tham gia giao lưu văn hóa, trình diễn các tiết mục đặc sắc mang phong cách, bản sắc riêng của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Thí sinh và cán bộ, giáo viên các đoàn sẽ tham gia các chương trình tham quan thành phố, trao đổi, giao lưu, học tập tham quan Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long.
Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo
Bảng B có 511 thành viên (trong đó có 411 thí sinh) đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước (Bắc Cạn, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái và Hà Nội). Các thí sinh sẽ chia theo theo lứa Junior và Senior (196 thí sinh lứa tuổi Junior; 215 thí sinh lứa tuổi Senior) dự thi tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Thời gian làm bài thi là 120 phút.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, NGƯT.TS Lê Ngọc Quang – PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hội đồng đề và Ban Giám khảo gồm có các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về Toán học trong và ngoài nước. Để đảm bảo sự minh bạch cho cuộc thi, bài thi chấm xong sẽ được photo rồi gửi cho đại diện các đoàn dự thi để các đoàn phản biện. Điểm khác biệt giữa phần thi của bảng A và bảng B là bảng B (khối trong nước) chỉ có phần thi cá nhân trong khi bảng A (khối quốc tế) gồm cả thi cá nhân và thi đồng đội. Đề thi của phần thi cá nhân của cả 2 bảng giống nhau để giúp học sinh Việt Nam có cơ hội thử sức với các đề thi trình độ cấp quốc tế.