Học phí giáo dục mầm non và phổ thông công lập tăng khoảng 25-33%
Nội dung của Tờ trình nêu rõ: Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (trừ các cơ sở giáo dục chất lượng cao) từ tháng 9 đến tháng 12/2015 thực hiện thu học phí theo quy định tại Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 28/8/2012 của UBND thành phố Hà Nội (mức thu thấp nhất trong khung quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP); từ tháng 1/2016 thực hiện thu học phí theo quy định tại Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND thành phố Hà Nội (mức thu thấp nhất trong khung quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP) .
HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí
Mức thu học phí hiện nay của Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong khung học phí quy định của Chính phủ. Các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập, điều này sẽ hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, mức thu học phí thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến có đơn vị tự ý đưa ra các khoản thu khác để huy động phụ huynh học sinh dưới nhiều hình thức, điều này đã gây ra tâm lý không tốt trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư các năm do Tổng cục Thống kê công bố, Tp. Hà Nội là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao so với thu nhập bình quân của cả nước và là Thành phố có mức thu nhập đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 của cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Do đó, Tp. Hà Nội sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc huy động sự đóng góp của người dân để đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay mức thu học phí của Hà Nội ở mức thấp so với mức thu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nên chưa huy động được nguồn lực từ đóng góp của người dân cho giáo dục.
Theo quy định của Trung ương, từ năm học 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng bình quân 0,63%, theo đó khung thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2016-2017 cụ thể là: Vùng thành thị (từ 60.400 đến 302.000 đồng/tháng/HS), vùng nông thôn (từ 30.200 đến 120.800 đồng/tháng/HS), vùng miền núi (từ 8.050 đến 60.400 đồng/tháng/HS). Căn cứ vào khung học phí quy định, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn.
Căn cứ vào các văn bản hiện có, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất mức học phí năm học 2016 – 2017 đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập như sau: Vùng thành thị (80.000 đồng/tháng/HS), vùng nông thôn (40.000 đồng/tháng/HS), vùng miền núi (10.000 đồng/ tháng/HS).
Như vậy năm học 2016 – 2017, mức thu học phí tăng khoảng 25-33% so với năm học 2015-2016 và nằm trong khung quy định của Chính phủ, định hướng các năm sau tăng từ 20 - 41% so năm trước theo từng vùng khác nhau để đến năm học 2020 - 2021 mức thu đạt mức cao trong khung học phí theo quy định của Chính phủ, góp phần huy động bổ sung từ nguồn đóng góp của nhân dân và giảm phần chi từ ngân sách. Điều này phù hợp với định hướng, lộ trình tính giá dịch vụ công trong giai đoạn tới theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy tăng nhưng mức học phí năm học 2016-2017 của Thành phố Hà Nội vẫn thấp hơn so với mức bình quân các Thành phố trực thuộc Trung ương; thấp hơn mức thu bình quân của các Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng; thấp hơn so với bình quân 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Nguồn học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục
Với mức tăng này, tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất dự kiến là 450,404 tỷ đồng; tăng 112,538 tỷ đồng so với mức thu đang thực hiện, trong đó: Khu vực thành thị tăng: 65,108 tỷ đồng, khu vực nông thôn tăng: 47,183 tỷ đồng, khu vực miền núi tăng: 0,247 tỷ đồng. Nguồn học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập có thêm điều kiện về nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, và người được hưởng lợi chính là học sinh.
Học phí giáo dục đại học, nghề nghiệp công lập tăng dần theo lộ trình
Hiện nay, TP Hà Nội có 26 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, bao gồm: 1 trường Đại học, 12 trường cao đẳng (trực thuộc UBND Thành phố), 7 trường trung cấp chuyên nghiệp (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo), 6 trường trung cấp nghề (trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội); trong đó có 2 cơ sở giáo dục gồm trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây và trường Trung cấp sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội với chuyên ngành đào tạo sư phạm nên không thực hiện thu học phí.
Đối với 22 cơ sở giáo dục (là đơn vị đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên), UBND Thành phố đề xuất mức thu học phí tăng dần theo lộ trình, chậm nhất đến năm học 2020-2021, mức thu bằng mức trần đối với các đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, mỗi đơn vị sẽ có lộ trình tăng mức thu học phí khác nhau; trong đó, từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020, một số trường có cùng chuyên ngành, cùng loại hình đào tạo nhưng sẽ có mức thu học phí khác nhau; đến năm học 2020 - 2021, tất cả các trường có cùng chuyên ngành, cùng loại hình đào tạo sẽ có mức thu học phí bằng nhau (bằng mức trần theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Đối với trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội (là đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên), Bộ GD&ĐT đã có văn bản cho phép thực hiện mức thu năm học 2016-2017 đảm bảo không vượt quá mức trần đối với đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, UBND Thành phố đề xuất mức thu năm học 2016-2017 đối với 2 trường nêu trên theo nguyên tắc: Tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp nhưng không vượt mức trần đối với đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Khi có quyết định phân loại đơn vị theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, UBND Thành phố sẽ trình HĐND Thành phố phê duyệt mức thu học phí 2 đơn vị này đảm bảo đúng các quy định của Trung ương.
Việc điều chỉnh tăng học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định của Trung ương.