Khó khăn do dân số liên tục biến động
Báo cáo về công tác phổ
cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi của Hà Nội, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm
Xuân Tiến – Phó Trưởng ban chỉ đạo phổ cập, xóa mù chữ của thành phố Hà Nội cho
biết: Hà Nội có thuận lợi là công tác PCGD TH đúng độ tuổi được Bộ GD&ĐT chỉ
đạo sát sao, được Thành ủy, UBND Thành phố đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát
triển kinh tế, xã hội và đã trở thành hoạt động của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực
tế triển khai vẫn gặp không ít khó khăn. Do Hà Nội mới được mở rộng
địa giới hành chính nên việc thực hiện công tác phổ cập của các địa phương chưa
đồng bộ. Thêm vào đó, dân số khu vực nội thành rất đông do đối tượng di dân cơ
học tăng nhanh, nhiều gia đình không ổn định chỗ ở nên trẻ em học không theo hộ
khẩu thường trú chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến việc tổ chức điều tra và tập hợp số liệu
về công tác phổ cập không dễ dàng. Do khó khăn về quỹ đất nên một số trường sĩ
số học sinh trên lớp đông. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các phòng học,
phòng chức năng của một số nơi còn thiếu, chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu phát
triển.
Vụ
trưởng Vụ GDTH, Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Định và PCT UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn
ký kết Biên bản kiểm tra công nhận Hà Nội đạt Chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục
tiểu học mức độ 2.
Thực hiện công tác phổ
cập, ngành giáo dục đã chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp duy trì sĩ số
học sinh, tạo mọi điều kiện, miễn giảm các khoản đóng góp đối với học sinh có
hoàn cảnh khó khăn, vận động học sinh khuyết tật ra lớp chuyên biệt hoặc hòa nhập.
Ngoài ra, công tác này cũng được các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đầu
tư nhiều nguồn kinh phí. Riêng năm 2014, Thành phố đã cấp ngân sách 2.1 tỷ đồng
cho công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ từ giáo dục mầm non đến giáo dục
trung học. Các đơn vị quận, huyện, thị xã đã chi trên 15 tỷ đồng.
NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ -
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phổ cập
giáo dục, xóa mù chữ thành phố nhấn mạnh: Phổ cập giáo dục chính là một trong
những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Làm tốt công tác
này thì học sinh Thủ đô sẽ được hưởng lợi và từ nền tảng của giáo dục phổ cập sẽ
tiến tới xây dựng nền giáo dục chất lượng cao. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT Hà
Nội đã rất quan tâm đến việc huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ
giáo viên và cán bộ quản lý, đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ,
hiện đại. Đặc biệt, Hà Nội quyết tâm xây dựng mặt bằng đánh giá bắt đầu từ học
sinh lớp 1 bằng việc dành mọi điều kiện tốt nhất cho các cháu.
Với nhiều giải pháp được
thực hiện, năm học 2014-2015, Hà Nội có 417 trong tổng số 710 trường tiểu học đạt
Chuẩn quốc gia, trong đó 6 trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2. Tỷ lệ huy động
trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tổng số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu
học đạt 98,3%. Giáo viên trên lớp đạt tỷ lệ 1,56 thầy cô/lớp. Trong tổng số
22,594 cán bộ giáo viên cấp tiểu học, Hà Nội có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong
đó có 93% giáo viên trên chuẩn. Tất cả các trường tiểu học đều đã bố trí giáo
viên dạy các môn chuyên biệt.
Dấu mốc quan trọng
Đánh giá công tác phổ cập
giáo dục tiểu học đúng độ tuổi của Hà Nội sau khi kiểm tra tại 30 quận, huyện,
thị xã của thành phố Hà Nội, Vụ trưởng Vụ GDTH, Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Định –
Trưởng đoàn kiểm tra khẳng định: Tất cả 30 quận, huyện đều đạt Chuẩn quốc gia về
phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Vụ trưởng đã đánh giá cao Hà Nội
trong công tác huy động học sinh ra lớp và học sinh học 2 buổi/ngày; công tác
xây dựng và quy hoạch mạng lưới trường học để tạo điều kiện cho học sinh được học
tập; công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục về đổi mới đánh
giá học sinh, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, nâng cao năng lực, trình
độ chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn nghề nghiệp giáo viên…
Vụ
trưởng Vụ GDTH, Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Định phát biểu tại buổi làm việc
Vụ trưởng Phạm Ngọc Định
đề nghị Hà Nội trong thời gian tới tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để
các nhà trường và nhân dân hiểu rõ vai trò quan trọng của công tác phổ cập giáo
dục tiểu học đúng độ tuổi; kiện toàn ban chỉ đạo công tác phổ cập qua việc phân
công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ban. Đặc biệt, ngành GD&ĐT Hà Nội cần
tích cực triển khai hiệu quả Nghị quyết số 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản toàn
diện nền giáo dục đào tạo, trong đó chú trọng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản
lý giáo dục tiểu học.
Toàn
cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm
việc, PCT UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định: Việc đạt Chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
mức độ 2 là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của
Hà Nội. Để có kết quả này phải kể đến sự vào cuộc tích cực và làm việc nghiêm
túc của toàn bộ hệ thống chính trị. PCT UBND Thành phố cũng đề nghị ngành
GD&ĐT Hà Nội thời gian tới phải duy trì kết quả của công tác phổ cập, đồng
thời phấn đấu đến cuối năm 2015, 15 xã còn lại của Hà Nội đang đạt Chuẩn quốc
gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 sẽ đạt Chuẩn quốc gia về phổ cập giáo
dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.