PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga phát biểu tại hội nghị trực tuyến
Cụ thể, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, Hà Nội đã công nhận mới được 557 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 44,8%, trong đó tỷ lệ trường công lập đạt Chuẩn là 52,7%, vượt chỉ tiêu của Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố. Năm 2011 công nhận được 70 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt kế hoạch đề ra). Năm 2012, ngành GD&ĐT Hà Nội công nhận mới được 114 trường đạt chuẩn (vượt 14% kế hoạch). Năm 2013 có 137 trường đạt chuẩn (vượt 12,3% kế hoạch). Năm 2014 có 119 trường đạt chuẩn quốc gia (vượt 19% kế hoạch).
Riêng trong năm 2015, chỉ tiêu Thành phố giao là 100 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Thành phố từ 50-55%. Ngành GD&ĐT Hà Nội đã phấn đấu và có thêm 117 trường đạt chuẩn, trong đó có 40 trường mầm non, 25 trường TH, 41 trường THCS và 11 trường THPT.
Trong 5 năm qua, Hà Đông có thêm nhiều trường đạt chuẩn nhất (31 trường), sau đó là Long Biên (29 trường), tiếp đến là Hoài Đức, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thanh Trì… Xét tỷ lệ trường đạt chuẩn, đến nay, đứng đầu là Long Biên (88,1%), tiếp đến là Bắc Từ Liêm (82,1%), Tây Hồ (79,2%), Nam Từ Liêm (78,6%)…
Mục tiêu đặt ra cho ngành GD&ĐT trong giai đoạn 2016 – 2020 là có thêm 350 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 65-70%. Như vậy, trung bình mỗi năm phải có được 70 trường học đạt chuẩn. Đặc biệt, cấp THPT phấn đấu đến năm 2020 có từ 85-90% trường đạt chuẩn quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, NGƯT Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: 5 năm qua nhờ sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các địa phương nên công tác xây dựng trường chuẩn đã đạt được bước đột phá lớn. Mặc dù nhiều khó khăn lớn nhưng công tác này vẫn đạt được những kết quả đáng tự hào. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề nghị UBND TP tặng Bằng khen cho 6 đơn vị có thành tích cao trong công tác này.
Theo NGƯT Phạm Thị Hồng Nga, trong thời gian tới, công tác xây dựng trường chuẩn sẽ gặp nhiều khó khăn. Dân số cơ học tiếp tục tăng nhanh. Thêm vào đó, những trường còn lại đều là những trường khó, một số trường thiếu diện tích, trong khi nơi khác lại thiếu kinh phí. Vì vậy, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm và có nhiều biện pháp khắc phục thì khó đạt đạt mục tiêu đề ra. Công tác xây dựng trường chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu về phát triển kinh tế xã hội. Ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ lấy kết quả công tác này là thước đo thành tích công tác của hiệu trưởng các nhà trường.
PGĐ Sở yêu cầu các địa phương thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học để tất cả các khu chung cư xây dựng xong đều phải có trường học, đặc biệt là cấp học mầm non. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục, dành quỹ đất xây dựng trường học. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải quan tâm đầu tư để những trường quá thời hạn đạt chuẩn (5 năm) tiếp tục được công nhận lại trong năm tới.