Bộ GD-ĐT đã có Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nên tất cả trẻ em ở độ tuổi này tại các địa phương đều được đến trường. Ở các khu công nghiệp đều phải xây dựng trường lớp và đảm bảo cho trẻ 5 tuổi được đi học mầm non.
Ở một số quận, huyện, số lượng khu chung cư mới được xây dựng rất nhiều và trẻ em rất đông. Để đảm bảo cho trẻ em được đến trường mầm non thì Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề xuất với Thành phố Hà Nội là khi xây dựng các khu chung cư đều bố trí xây dựng thêm trường mầm non. Các phòng giáo dục cũng đã đề xuất, tham mưu với các quận, huyện xây dựng trường mầm non phù hợp với dân số ở địa bàn.
Một tiết học ở trường mầm non
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ở Hà Nội có quận Từ Liêm và một số quận, huyện khác là có lượng người dân di cư từ các nơi khác đến rất đông nên đã xây dựng thêm nhiều trường lớp mới để đảm bảo con em người dân được đến trường.
Để phục vụ năm học mới 2016-2017, năm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GD-ĐT có kế hoạch xây dựng thêm 26 trường mầm non. Đây là những trường học được xây dựng tại các khu đô thị, chung cư ở các quận, huyện có đông dân cư từ các nơi khác đến. Điều này sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải trẻ em đến trường nhưng không có đủ cơ sở vật chất, phòng học.
Theo ông Phạm Văn Đại, hiện nay, tỷ lệ xã hội hóa các trường mầm non ở Hà Nội vẫn còn thấp. Nhiều trường mầm non dân lập ở các huyện Mê Linh, Sóc Sơn đa phần đều đã trở thành trường công lập. Còn lại một số lượng nhỏ là trường tư thục.
Để thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi thì tỷ lệ xã hội hóa các trường mầm non cũng là một nhiệm vụ đặt ra. Vì vậy, Hà Nội cũng đang khuyến khích việc xã hội hóa, huy động nguồn lực đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng trường mầm non nhằm phục vụ gia đình có điều kiện kinh tế đưa con tới học./.
Theo GD&TĐ