Đổi mới là một quá trình
*Xin GS cho biết suy nghĩ của mình về cuộc đổi mới GD&ĐT đang diễn ra hiện nay?
-Kể từ cuộc cải cách giáo dục thay SGK từ năm 2000, tôi cho rằng, cuộc đổi mới về GD&ĐT mà chúng ta đang tiến hành là một chu kỳ bình thường, mang tính tất yếu. Tất yếu ở chỗ điều kiện kinh tế, xã hội nước ta phát triển, có nhiều thay đổi đòi hỏi giáo dục cũng phải thay đổi. Về chủ quan, chương trình giáo dục của ta qua nhiều năm đã thể hiện một số bất cập, chưa hợp lý vì vậy bây giờ là thời điểm chúng ta phải thay đổi. Còn về khách quan, chúng ta đang thực sự bước vào hội nhập quốc tế. Hơn nữa, mục tiêu thiên niên kỉ đã kết thúc và chúng ta đã cam kết phấn đấu cho các mục tiêu phát triển bền vững đầy tham vọng và thách thức, trong đó mục tiêu số 4 là “Đảm bảo giáo dục có chất lượng một cách công bằng và hiệu quả, đồng thời nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng hướng tới một nền giáo dục công bằng, hiệu quả, có chất lượng. Những mục tiêu này không phải lúc nào cũng bổ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đôi khi mâu thuẫn, ví dụ để đảm bảo công bằng giáo dục trong điều kiện nguồn lực hạn chế, chúng ta phải “giảm bớt” mục tiêu chất lượng. Trong rất nhiều những bề bộn cần phải thay đổi trong giáo dục, chúng ta đã chọn bước đột phá về thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Đây là bậc học cơ bản để trang bị những tri thức văn hóa nền tảng để vừa trở thành công dân toàn cầu (global citizen), vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Điều này vừa hấp dẫn, vừa thách thức, do đó đã thu hút sự quan tâm thường xuyên và sâu sắc của mọi người, mọi nhà!.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thu hút sự quan tâm của toàn xã hội
*Có ý kiến cho rằng giáo dục là một lĩnh vực khó làm, vừa phức tạp về mặt học thuật vừa nhạy cảm về mặt xã hội, GS có nghĩ như vậy?
- Đúng là giáo dục là một lĩnh vực khó, nhạy cảm và phức tạp. Khó, nhạy cảm và phức tạp là bởi giáo dục là chuyện của từng người từng nhà. Giáo dục và Giáo dục học là hai khái niệm gần nhau nhưng không đồng nhất. Khi nói đến giáo dục dường như ai cũng có thể nói được, góp ý được. Nghĩ đến giáo dục là mọi người nghĩ đến trường lớp, sách vở, thi cử, thầy cô… nhưng giáo dục học thì đó là về mặt học thuật. Đây là “lãnh địa” của các nhà chuyên môn, chuyên gia giáo dục. Vì vậy, tôi không đồng tình lắm với việc chúng ta đưa ra xin ý kiến và trưng cầu ý kiến của toàn dân nhiều vấn đề chưa phù hợp! Ví dụ vấn đề chương trình khung của các bậc học phổ thông; hay vấn đề đánh giá kết quả học tập của học sinh. Những vấn đề này nên xin ý kiến chuyên gia hơn là trưng cầu ý kiến rộng rãi trong xã hội. Làm như vậy vô hình chung đã đại chúng hóa những vấn đề học thuật của khoa học giáo dục mà các chuyên gia giáo dục phải học và nghiên cứu trong rất nhiều năm mới làm ra được. Theo tôi, chúng ta cần xác định rõ ràng những vấn đề nào sẽ lấy ý kiến của toàn dân, những vấn đề nào sẽ tham vấn ý kiến của chuyên gia. Hoặc cũng có thể, cùng một vấn đề xin ý kiến, chúng ta cần có cách khác nhau để lấy ý kiến của các đối tượng khác nhau. Như vậy, chúng ta sẽ vừa có sự đồng tình, ủng hộ của nhiều đối tượng, vừa có được những ý kiến đóng góp tập trung, hiệu quả, hạn chế được hiểu lầm và “gây nhiễu” làm phức tạp hóa vấn đề không đáng có, đôi khi làm chúng ta lúng túng, lệch hướng vấn đề cần xử lý, giảm thiểu tối đa các áp lực của xã hội lên những thay đổi, đổi mới...
* Vậy theo GS đâu là điều kiện tiên quyết để chúng ta đổi mới thành công?
- Trước tiên, theo tôi hiểu đúng tinh thần của Nghị quyết số 29 của TW Đảng đã coi cuộc đổi mới hay cải cách giáo dục lần này là sự “lột xác” một cách căn bản và toàn diện để phát triển và tiến lên… Và như đã đề cập ở trên, một cuộc đổi mới như vậy chí ít cần phải có 2 vấn đề có thể gọi là điều kiện tiên quyết cho sự thành công. Thứ nhất, đó là sự chuẩn bị kỹ càng về các điều kiện vật lực và nhân lực và thứ hai là công tác tuyên truyền, truyền thông. Vấn đề chuẩn bị bao gồm: đánh giá lại những cái được và chưa được của giáo dục hiện hành; Xác định nguồn lực cần cho đổi mới; Lựa chọn ưu tiên để đột phá; Ví dụ: giáo dục của chúng ta hiện nay có rất nhiều vấn đề cần được đổi mới nhưng một trong những vấn đề mà chúng ta lựa chọn là đổi mới giáo dục phổ thông mà đặc biệt là về mục tiêu, phương pháp, nội dung chương trình, hình thức tổ chức, kiểm tra, đánh giá, quản lý. Vì vậy, chúng ta cần có sự đánh giá cụ thể, tỉ mỉ, tường tận chương trình hiện hành và sự vận hành của nó, cái gì được, cái gì chưa được, để giữ lại những cái gì, cái gì có thể điều chỉnh, cái gì phải thay đổi một cách hoàn toàn….. Trên cơ sở đánh giá cái hiện hành, mới có một cái nhìn tổng quan để định ra những giai đoạn, những bước đi cần thiết, dự kiến được các nguồn lực cần thiết, huy động các nguồn lực từ nhà nước, từ các tổ chức quốc tế, từ các địa phương và nguồn xã hội hóa.
Yếu tố thứ hai là công tác truyền thông. Một công cuộc đổi mới giáo dục lớn như vậy mà chưa có một chiến lược truyền thông đi cùng hoặc có nhưng yếu ớt thì quả là thiếu sót. Trong thực tế, ngành giáo dục có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện công tác truyền thông nếu chúng ta biết tận dụng và phát huy đội ngũ tuyên truyền viên hùng hậu trong chính ngành của mình. Ví dụ như học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, các phụ huynh….. Những lực lượng này vừa là đối tượng được truyền thông, vừa là người đi tuyên truyền cho những thông điệp của ngành. Nói như vậy để thấy được rằng, nếu chúng ta làm công tác truyền thông tốt trong nội bộ ngành giáo dục thì chúng ta đã có một lực lượng ủng hộ và truyên truyền viên hùng hậu làm hậu thuẫn cho bất kỳ một cuộc cải cách, thay đổi nào.
Truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng giúp quá trình đổi mới thực hiện thành công mà hiện nay khâu này chúng ta làm chưa đủ mạnh. Truyền thông về giáo dục phải đi trước một bước. Cần phải lồng ghép những thông điệp về đổi mới giáo dục vào các chương trình truyền thanh, truyền hình nhiều hơn nữa, hay và hấp dẫn hơn nữa. Để truyền thông đạt hiệu quả cao phải có chiến lược cụ thể, lựa chọn những con người có hiểu biết về giáo dục, những người làm truyền thông chuyên nghiệp để có được những chương trình hay và có tác dụng lan tỏa rộng lớn. Vấn đề dành đầu tư kinh phí thỏa đáng cho truyền thông cũng phải được tính đến. Từ đó tuyên truyền cho mọi người dân, toàn xã hội hiểu cùng đồng thuận trong quá trình đổi mới.
*Bên cạnh 2 vấn đề tiên quyết cho sự thành công của đổi mới giáo dục, theo GS, gia đình có vai trò thế nào trong công cuộc này?
-Khi nhắc đến sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục thì có một nguyên tắc cơ bản đó là: gia đình – nhà trường – xã hội. Nhưng trong thực tế hiện nay, giáo dục vẫn chưa quan tâm đúng mức đến một lực lượng đó là cha mẹ học sinh. Chúng ta vẫn nói là kết hợp nhưng thực ra đó là sự kết hợp mang tính hình thức, không chặt chẽ như bản chất cần có của sự kết hợp. Các bậc phụ huynh cần và phải được tham gia nhiều hơn vào quá trình giáo dục, rất cần có chương trình giáo dục dành cho các bậc cha mẹ, đó cũng là một việc rất cần làm. Hiện nay, theo tôi được biết thì chưa có chương trình nào dạy làm cha mẹ. Tôi đã từng tham gia nhiều chương trình nói chuyện với các bậc phụ huynh, qua trao đổi với họ, tôi thấy rằng các bậc phụ huynh hiện nay có nhu cầu rất lớn được cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp họ làm người cha người mẹ đủ tốt cho các con của mình. Do đó, nếu các bậc phụ huynh được đào tạo cách làm cha mẹ, khi họ hiểu được vai trò của mình trong việc giáo dục con cái để tham gia cùng nhà trường, xã hội thì đó là điều hết sức tuyệt vời. Vì có bao nhiêu học sinh thì có bấy nhiêu phụ huynh, đó là một lực lượng vô cùng mạnh mẽ sẽ trực tiếp đóng góp cùng chung tay vào hỗ trợ giáo dục.
Phải có một tư tưởng chủ đạo chạy xuyên suốt chương trình
* Là người đã từng chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu từ cấp nhà nước đến cấp Bộ và cấp cơ sở và cũng là tác giả, chủ biên của nhiều cuốn sách: chuyên khảo, giáo trình, tham khảo, hướng dẫn… theo GS khó khăn khi xây dựng chương trình, SGK mới là gì?
- Như tôi đã nói ở trên, trước khi bắt tay vào thay đổi chương trình thì chúng ta cần phải đánh giá lại chương trình hiện hành. Nói là không đánh giá thì không đúng nhưng rõ ràng việc đánh giá của chúng ta chưa cụ thể, chưa chi tiết và thỏa đáng. VD nói chương trình trước đây của chúng ta nặng, quá tải thì phải đánh giá được quá tải ở điểm nào, ở khu vực nào, ở môn nào thì mới giảm tải… Chính vì việc đánh giá không kĩ nên khi đưa vào thực hiện gây lúng túng, hoang mang. Chúng ta vẫn nói học sinh của ta thiếu kỹ năng sống, kỹ năng mềm còn yếu vì vậy khi vào đời thì ngơ ngác, khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc thì chúng ta phải chỉ ra được đó là kỹ năng nào, nguyên nhân là do chương trình đào tạo hay do trình độ năng lực của giáo viên? do cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn hay do phương pháp dạy học? do quản lý yếu kém?… Vậy một chương trình mới thế nào để có thể khắc phục được những điểm yếu của chương trình hiện hành? Chương trình mới tập trung vào phát triển năng lực hành dụng? hay tập trung vào giá trị văn hóa phổ thông cơ bản? Hay tập trung vào những tri thức và kỹ năng cơ bản chuẩn bị cho các em đi học nghề hoặc bước vào cuộc sống xã hội. Dường như tư tưởng chính của chương trình GD mới chưa được làm rõ! Hay nói một cách khác, thông điệp chính, tuyên bố về tư tưởng chủ đạo xuyên suốt chương trình GD phổ thông đổi mới lần này là gì chưa được tường minh. Tư tưởng chủ đạo của chương trình chưa rõ kéo theo vấn đề chuẩn bị đào tạo hay đào tạo lại đội ngũ giáo viên cũng chưa được xác định rõ.
*Từng tham gia nhiều chương trình trao đổi học giả với các quốc gia trên thế giới, GS có thể cho biết đánh giá của bạn bè quốc tế về giáo dục của Việt Nam?
-Tôi có may mắn được tham gia nhiều chương trình trao đổi học giả lớn và có uy tín trên thế giới như: DAAD của CHLB Đức (1997), Fulbright của Mỹ (2006-2007), Eramus Mundus của EU tại 3 nước Châu Âu (Anh, Hà Lan và Tiệp Khắc), chương trình của Bộ Ngoại giao Israel…, đây là những cơ hội hiếm có để tôi có điều kiện được tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và được gặp gỡ và tiếp xúc trực tiếp với nhiều chuyên gia học giả nổi tiếng trong giáo dục.
Các bạn bè quốc tế đánh giá GD Việt Nam qua 2 kênh: Một là các ấn phẩm công bố trên các sách báo, tạp chí về khoa học và giáo dục. Hai là họ đánh giá qua những người Việt Nam mà họ gặp và làm việc. Đó có thể là các HS, SV, lưu học sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục của nước ngoài. Đó có thể là những học giả, chuyên gia giáo dục Việt Nam đi tham gia các chương trình trao đổi học giả, hay các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học hay giáo dục của Việt Nam đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Rất tiếc, ở kênh thứ nhất, chúng ta còn có quá ít các ấn phẩm học thuật được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, đặc biệt trong khoa học xã hội và giáo dục. Ở những hội nghị quốc tế lớn về giáo dục, tôi ít thấy sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam trình bày về những công trình nghiên cứu hay những thành tựu mà Việt Nam đã làm được. Các bạn bè quốc tế cũng rất quan tâm và muốn tìm hiểu về những kinh nghiệm và thành tựu mà Việt Nam đạt được nhưng rất khó tìm kiếm thông tin chính thức bằng tiếng Anh. Thực tế, họ rất ca ngợi và muốn được học hỏi nhiều điều từ kinh nghiệm thành công của Việt Nam về: Xóa mù chữ, phổ cập GD cho trẻ mầm non 5 tuổi hay phổ cập giáo dục cho bậc THCS; Kinh nghiệm tổ chức dạy học lớp ghép cho trẻ em miền núi, kinh nghiệm dạy học song ngữ cho một số học sinh dân tộc thiểu số, kết quả PISA, học sinh giỏi qua các kì thi quốc tế….. Hoặc là chúng ta có một sự cam kết rất lớn của Đảng và Chính phủ đối với phát triển giáo dục điều đó được thể hiện ở chỗ chúng ta đã dành 20% GDP cho giáo dục, bên cạnh đó dân tộc ta là dân tộc hiếu học có rất nhiều dòng họ hiếu học, đó là những kinh nghiệm hay mà rất hiếm nước nào trên thế giới có được.
Thực tế, chúng ta ít có những tuyên truyền trên quốc tế và tổ chức các sự kiện giới thiệu rộng rãi các kinh nghiệm và thành tựu của mình. Một trong những nguyên nhân là rào cản về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hiện nay kinh phí đi lại giao lưu quốc tế cho các nhà khoa học cũng là một vấn đề. Chúng ta không có chính sách đầu tư cho các nhà khoa học đi tham gia các hội thảo quốc tế. Chính vì thiếu giao lưu, thiếu thông tin, thiếu sự hợp tác nên nhiều thành tựu và kết quả nghiên cứu của chúng ta không được thế giới biết đến. Ở kênh thứ hai, bạn bè quốc tế rất khen ngợi HS, SV và lưu học sinh Việt Nam đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài là những người học hành chăm chỉ, miệt mài và nghiêm túc. Họ luôn tích cực tối đa để chiếm lĩnh kiến thức và đạt kết quả rất tốt. Họ đã gây được những ấn tượng tốt cho các giáo sư nước ngoài nơi họ đến học tập và nghiên cứu.
Cần chuẩn bị tốt môi trường tâm lý trước khi cho trẻ khuyết tật
hòa nhập
* Từng là Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các chương trình đánh giá để phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, xin GS cho biết tình hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật hiện nay?
- Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật là một chủ trương mang tính nhân văn rất lớn, theo xu hướng quốc tế. Nước ta chưa phải là nước phát triển, kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc xây nhiều trường cũng như có đầy đủ giáo viên để tiếp cận từng đối tượng trẻ có nhu cầu đặc biệt là điều không dễ dàng, nhưng tôi thấy cách thức và chất lượng mà chúng ta làm giáo dục hòa nhập còn có nhiều hạn chế, chưa chuẩn bị tốt trước khi triển khai. Thực ra, chúng ta mới đảm bảo về số lượng có nghĩa là cố gắng làm sao huy động được nhiều trẻ khuyết tật ra trường ra lớp còn chất lượng như thế nào thì chưa đánh giá được. Hiện nay những trẻ này chưa được đưa vào danh sách chính thức của lớp, không tham gia toàn bộ các hoạt động giáo dục của lớp, không thi cử kiểm tra thì làm sao gọi là hòa nhập được. Trong chuyên môn, chúng tôi có rất nhiều mức độ về hòa nhập, VD hòa nhập về xã hội, hòa nhập về chức năng hoặc hòa nhập cơ học (có nghĩa là chỉ đơn thuần đặt trẻ ngồi trong lớp… ).
Để việc hòa nhập thực sự cho trẻ khuyết tật thì trong điều kiện trường lớp như hiện nay, chỉ nên đánh giá chọn ra những trẻ nào thì có thể học hòa nhập, những trẻ còn lại cần phải giải quyết hướng khác. Bởi nếu đưa toàn bộ trẻ khuyết tật ra lớp hòa nhập như hiện nay thì cả giáo viên và phụ huynh đều lo lắng, lúng túng. Đã gọi là hòa nhập thì cả hai bên phải cùng hòa vào nhau, do đó không chỉ chuẩn bị tâm lý cho trẻ khuyết tật mà phải chuẩn bị cả môi trường tâm lý cho học sinh bình thường trong lớp để các em hiểu hỗ trợ bạn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải có sự chuẩn bị, bởi bình thường các thầy cô giáo đã phải quản lý một lớp mấy chục học sinh, khi đưa vài trẻ khuyết tật vào lớp, mỗi em một dạng khuyết tật cũng là cả vấn đề. Trong chương trình GD mới tôi chưa thấy tính đến việc học hòa nhập của trẻ khuyết tật. Một chương trình trước khi thực hiện phải tính đến tất cả các đối tượng. Nếu không nhìn một cách tổng thể trước mà làm xong rồi phải điều chỉnh và sửa sang sẽ rất khó.
* Thế còn vấn đề kỳ thị đối với trẻ khuyết tật thì như thế nào, thưa GS?
- Trường nào tư tưởng về thành tích còn nặng nề thì càng khó khăn cho việc đưa trẻ khuyết tật được giáo dục hòa nhập và vấn đề kỳ thị lại càng nặng nề hơn, đây là một hệ quả tất yếu. Chúng ta đảm bảo bình đẳng cơ hội giáo dục tức là làm sao đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho các em nhưng nếu không làm công tác tư tưởng cho phụ huynh của các trẻ bình thường thì đây sẽ là rào cản rất lớn tạo nên một nền giáo dục thiếu công bằng và không nhân văn. Thực tế, nhiều phụ huynh tỏ ra phản đối việc cho con em họ học chung với trẻ khuyết tật; nhiều học sinh vô tư trêu chọc hoặc xa lánh bạn bị khuyết tật… Điều này càng đẩy trẻ khuyết tật rơi vào sự lo sợ, mặc cảm, tự ti, sẽ rất khó khăn để hòa nhập và tiếp thu các kỹ năng sống mẫu mực, cần thiết, các kiến thức học cơ bản.
Còn về mặt xã hội, hiện nay chúng ta đã làm tốt việc tuyên truyền về các tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên nhưng các thông điệp này vẫn mang quá nhiều tư tưởng từ thiện mà cần phải chuyển thành quyền, bởi vì đã có luật cho người/trẻ khuyết tật. Trẻ khuyết tật có quyền được sống, được học hành, được tham gia các hoạt động xã hội, tham gia ý kiến của mình vào tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên tất cả những điều này vẫn còn hạn chế. Tôi lấy một ví dụ: Chúng ta đã phấn đấu đưa tiêu chí vào trong luật xây dựng khi thực hiện các công trình công cộng như bảo tàng, nhà hát, thư viện…. đảm bảo cho sự tiếp cận của người khuyết tật đi xe lăn, nhưng thực tế vẫn chưa làm được. Và còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề như tham gia giao thông, học nghề, cơ hội việc làm… vẫn chưa được giải quyết. Và như vậy trẻ em và người khuyết tật sẽ bị hạn chế các cơ hội được thụ hưởng. Chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề như đã nói ở trên thì còn có nhiều rào cản trong giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật.
*GS nhìn nhận thế nào về việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập?
- Việc bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho giáo viên dạy hòa nhập là cả vấn đề. Khi còn làm Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khó khăn lắm chúng tôi mới đề nghị đưa được 30 tiết học, 2 đơn vị học trình giáo dục hòa nhập vào giảng dạy tại các khoa khác như Khoa GD Tiểu học, Khoa GDMN của trường ĐH Sư phạm để khi sinh viên ra trường làm việc dạy học có những hiểu biết sơ khai ban đầu, sự hình dung sơ bộ về trẻ khuyết tật. Thực tế dạy hòa nhập cho thấy cần có giáo viên hỗ trợ cho giáo viên chính còn nếu chỉ có một giáo viên thôi thì không thể làm được. Trong khi chúng ta lại chưa có vị trí công việc cho giáo viên hỗ trợ trong nhà trường phổ thông. Luật Người khuyết tật của chúng ta đã có chủ trương thành lập trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập nhưng cho đến thời điểm này quy chế thực hiện như thế nào, trung tâm sẽ hoạt động ra sao, nhân lực của trung tâm thế nào… vẫn chưa sẵn sàng nên chưa thể hỗ trợ cho các nhà trường và kể cả khi đã có trung tâm hỗ trợ thì cơ chế đi hỗ trợ như thế nào cũng cần được nghiên cứu kĩ. Hàng năm, chúng tôi cũng có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên nhưng thời lượng quá ít, chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” trong khi giáo dục cho trẻ khuyết tật đòi hỏi phải có một số kỹ năng chuyên biệt nên hiện nay việc đưa trẻ khuyết tật vào giáo dục hòa nhập vẫn còn là một bài toán khó đối với các nhà làm giáo dục.
*Xin cảm ơn GS!