Trở thành nhà giáo từ sự ngẫu nhiên may mắn và tuyệt vời
*Mới đây, GS đã cho ra mắt cuốn sách với tên gọi khiến nhiều bạn đọc cảm thấy rất thú vị “Sộp thành Nhà giáo”, vì sao GS lại đặt tên cho cuốn sách của mình như vậy?
- Tôi được sinh ra ở tỉnh Ninh Bình. Ở vùng quê tôi, người ta gọi con cá quả là cá chuối, gồm hai loại: cá chuối sộp và cá chuối hoa. Sộp là loại dài, đầu to đuôi nhỏ. Hoa là loại ngắn hơn, đẹp và thịt ngon hơn, có hoa trên mình. Lúc mới sinh ra, tôi là đứa trẻ suy dinh dưỡng, đầu to mình gầy, chân tay nhỏ nhưng được cái mắt sáng và miệng ít bọt dãi, vì thế tôi được bố mẹ đặt cho tên tục để gọi ở nhà là “Sộp”. Và tôi đã dùng chữ Sộp làm chữ đầu tiên trong tên cuốn sách của mình. “Sộp thành Nhà giáo” là tập hợp những kỷ niệm, những giai đoạn phát triển của cuộc đời tôi, từ một đứa bé ham học nhưng khá hư để trở thành một nhà giáo.
*Từ một học trò nhà nghèo mồ côi mẹ từ sớm đến khi trở thành nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, điều gì để lại ấn tượng cho GS suốt những năm tháng làm người thầy đứng trên bục giảng và chắc hẳn nghề giáo đã mang đến cho GS nhiều trải nghiệm và giá trị sống?
- Tất cả những đứa trẻ mồ côi mẹ sớm như tôi đều rất khốn khổ, thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc, đùm bọc, thiếu cái ăn, cái mặc, sách vở và rất dễ hư hỏng. Cũng may bố tôi không đi bước nữa mà ở lại chăm sóc tôi và em trai Trần Đức Vượng. Trở thành nhà giáo là một sự lựa chọn ngẫu nhiên trong đời tôi, nhưng là một sự ngẫu nhiên may mắn và tuyệt vời. Từ một đứa trẻ khá hư ở vùng đồng chua nước mặn Kim Sơn, Hải Hậu, tôi đã được tuyển chọn vào học lớp chuyên Toán A0 khóa I (1965-1967) rồi trở thành giảng viên khoa Toán – Cơ – Tin học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN). Tôi vẫn còn nhớ, hồi đó, những giảng viên trẻ của trường thường ba bốn người chúng tôi được ở trong một phòng 24 m2 của Ký túc xá Mễ Trì. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ từ tiền, cơm gạo đến quần áo, xà phòng, khăn mặt, giày dép… Ngay cả nước để tắm nhiều lúc cũng không có nhất là vào mùa hè. Cái nghèo, cái khó như vậy nhưng các thầy giáo toán ở trong khoa từ trẻ đến già ai ai cũng hăng say chuẩn bị bài giảng, đọc sách báo về toán, cơ, tin học và tìm tòi nghiên cứu khoa học. Trong những năm tháng khó khăn cùng đất nước ấy, tôi đã được sống và làm việc, vui chơi thể thao, văn nghệ cùng các thầy, các anh chị và các bạn đồng nghiệp trong khu tập thể Mễ Trì của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, đó là những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi.
Tôi yêu nghề nhà giáo, một nghề dù không giàu có nhưng đáng quý và cho rằng nghề này rất phù hợp với mình. Trong cả quá trình nửa thế kỷ, vừa đi dạy học và làm quản lý giáo dục, tôi vừa tự học thêm, tự dạy và rèn luyện mình để từ chỗ khiếm khuyết trở thành một con người tử tế hơn. Sau này hai con gái của tôi, Trần Thị Bích Ngọc và Trần Thị Minh Châu, cũng theo bố tiếp tục chọn nghề nhà giáo ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Bách khoa HN.
Không có một loại “thức ăn sẵn” nào trong giáo dục
*Đã từng là một nhà quản lý giáo dục, xin GS cho biết suy nghĩ của mình về cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo đang diễn ra hiện nay?
-Giáo dục là một nghề cao quý. Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nền giáo dục và nguồn nhân lực là nền tảng và động lực quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia. Điều này càng đúng đối với những “con rồng” như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản … Nhưng giáo dục là một lĩnh vực khó làm, vừa phức tạp về mặt học thuật vừa nhạy cảm về mặt xã hội. Ghế Bộ trưởng GD&ĐT là một trong những chiếc ghế Bộ trưởng “nóng” nhất, xã hội kỳ vọng ở ngành giáo dục rất nhiều và làm Bộ trưởng GD&ĐT là việc rất khó.
Thế hệ trẻ Việt Nam phải thành thạo tiếng Anh để hội nhập quốc tế
Cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo mà toàn Đảng toàn dân đang triển khai hiện nay là rất quan trọng và cần thiết do đòi hỏi của chính đất nước ta và sự hội nhập quốc tế. Chưa bao giờ đất nước khẩn thiết yêu cầu nâng cao chất lượng, hiện đại hóa giáo dục và nguồn nhân lực như hiện nay. Vì chúng ta đang thực sự và trực tiếp tham gia toàn cầu hóa, ví dụ như tham gia TPP, khu kinh tế ASEAN, WTO, … Chỉ có chất lượng cao chứ không phải số lượng lớn mới giúp chúng ta hợp tác quốc tế và cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả và thành công.
*Được biết, trong cuốn sách “Sộp thành Nhà giáo”, GS đã có bài viết cho rằng hội nhập quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, xin GS nói rõ hơn về điều này?
- Tôi cho rằng để thực hiện nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam thì cách tốt nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, cụ thể và dễ làm nhất là hãy quốc tế hóa căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, nhưng luôn giữ cốt cách Việt theo đường lối của Đảng và Nhà nước ta, từ tư duy đến hành động, từ triết lý giáo dục cho đến mọi thiết kế kỹ thuật như chương trình, sách giáo khoa, thi cử, đánh giá, quản lý, phục vụ sản xuất, đóng góp xã hội… Nói tóm lại là phát huy mọi nguồn lực ở trong và ngoài nước, học hỏi những kinh nghiệm giáo dục trong nước và quốc tế, để đào tạo ra thế hệ những công dân toàn cầu người Việt Nam, có cốt cách Việt và đủ sức cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, trung thực và hiệu quả trong thế giới hội nhập ngày nay với nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít thách đố, kể cả sự đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng của chúng ta.
Kiến nghị này tôi đã nêu ra từ 20 năm trước, lúc còn là Vụ trưởng Vụ QHQT Bộ GD&ĐT, khi phân tích bài học thành công của các "con rồng” phát triển thần kỳ như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc), ... và dựa vào ý tưởng, tiên đoán thiên tài về sự ra đời toàn cầu hóa của Cao Bá Quát (1808-1855) "Kho trời chung mà vô tận của mình riêng" trong bài thơ "Thú nhàn".
*Để hội nhập quốc tế thì tiếng Anh là một yếu tố rất quan trọng phải chăng vì thế mà GS đã có bức tâm thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư về việc cần có quốc sách đối với tiếng Anh?
- Thế hệ trẻ Việt Nam phải thành thạo hai công cụ chiến lược của thời đại hội nhập quốc tế ngày nay đó là công nghệ thông tin và tiếng Anh. Chúng như “hai chân” giúp chúng ta tiến lên phía trước nhanh chóng và vững vàng.
Tôi xin nói thêm về tầm quan trọng của tiếng Anh. Chúng ta đã được đọc, được nghe nhiều người Việt Nam và người nước ngoài nói về tầm quan trọng của tiếng Anh đối với mỗi một con người và mỗi đất nước. Khi nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, chúng ta không quên các ngoại ngữ khác. Vì ẩn sâu phía sau mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa và biết thêm được một ngôn ngữ như mở thêm được một cửa sổ ra vườn hoa đầy hương sắc bên ngoài. UNESCO cũng luôn chủ trương tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Vấn đề là ở chỗ ngày nay những công dân toàn cầu phải sử dụng tối ưu thời gian sống và làm việc của họ, nói riêng là cần phải học và sử dụng (những) ngoại ngữ nào. Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa nhưng trước hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất. Theo tôi đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác. Vì chính các nước khi tiếng mẹ đẻ của họ trùng với một thứ tiếng quốc tế nào đó, ví dụ như tiếng Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, họ cũng đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một.
Hiện nay, khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ đối với việc hội nhập quốc tế. Với tư cách cá nhân của một nhà giáo, một đảng viên, một công dân yêu nước, ngày 19/5/2015, tôi đã viết bức tâm thư ngỏ đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư: Xem xét, nghiên cứu để sớm có được một chỉ thị hay nghị quyết (nói nôm na là một quốc sách) để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế, tương tự như Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ Thông tin (CNTT).
*GS cho rằng, khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ đối với việc hội nhập quốc tế. Vậy đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có giúp chúng ta cải thiện được thực trạng trên hay không?
- Việt Nam chúng ta đang là một “vùng trũng” về tiếng Anh của ASEAN. Để hội nhập quốc tế, nói riêng là tham gia TPP, khu kinh tế ASEAN, WTO … chúng ta phải thoát nhanh khỏi tình trạng này. Một trong những biện pháp là cần phải triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ ký QĐ số 1400/QĐ-TTg phê duyệt ngày 30/9/2008. Đề án này đã được Chính phủ và Bộ GD&ĐT tích cực chỉ đạo thực hiện, ngành giáo dục cùng cả xã hội đã có nhiều cố gắng để triển khai và đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhưng rất cần một Chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếng Anh để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc như trong lĩnh vực CNTT thì mới quyết liệt và nhanh chóng nâng cao được trình độ tiếng Anh ở nước ta.
*Trong thời đại hội nhập quốc tế thì việc tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới để làm giáo dục liệu có giúp chúng ta giảm bớt khó khăn, đi đúng hướng, từ đó đào tạo được nguồn nhân lực có đủ trình độ, sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu, thưa GS?
- Trong thời đại hội nhập quốc tế và ’thế giới phẳng” ngày nay, tôi cho rằng việc tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm giáo dục của các nước và chú ý đến những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, trước hết là các cơ quan của Liên hợp quốc như UNESCO, UNICEF... sẽ giúp chúng ta giảm bớt khó khăn, bớt mày mò và đi đúng hướng văn minh của thời đại. Và cũng chỉ khi đó, nguồn nhân lực do chúng ta tạo ra mới đủ trình độ và sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu.
Chúng ta đã và đang cố gắng học hỏi được nhiều nhất những cái hay của thiên hạ và quan trọng hơn nữa là học hỏi ngay chính những cái tốt trong lịch sử giáo dục nước nhà, một quốc gia có nền văn hiến mấy nghìn năm, sẽ giúp chúng ta bớt ”loay hoay”. Mà có ai, có nước nào trên thế giới này ngăn cấm chúng ta học hỏi và tham khảo kinh nghiệm tốt của họ đâu. Chúng ta học hỏi và tham khảo có chọn lọc chứ không phải sao chép (copy). Vả lại làm gì có một loại "thức ăn sẵn” nào trong giáo dục. Nhưng cũng không có nghĩa là ta phải loay hoay từ đầu trong hoàn cảnh của ta, cho riêng ta. Từ tư duy đến hành động, từ triết lý đến triển khai giáo dục, cần thiết và có thể vận dụng triệt để các bài học quốc tế và lịch sử có giá trị và phù hợp với mình. Luật sư Nguyễn Trần Bạt viết: ”Nước nào có nền giáo dục tốt thì chúng ta bắt chước, bắt chước chương trình, bắt chước triết lý của người ta” (Đối thoại với tương lai, trang 671). Chỉ như vậy chúng ta mới có thể hy vọng tiến nhanh hơn (so với chính mình ở giai đoạn trước) và giảm bớt dần khoảng cách so với khu vực và thế giới phát triển. Ở đây tôi chưa dám nói là chúng ta sẽ ”đi tắt, đón đầu” các nước có nền giáo dục tiên tiến. Cố bám sát họ nhất có thể được đã là khó khăn, thách thức và vinh dự. Vì khi ta cố ”tiến lên” thì họ đâu có dừng mà còn ”tiến lên” với tốc độ lớn hơn. Nói theo ngôn ngữ vật lý thì không chỉ tốc độ mà gia tốc của các nước tiên tiến đều lớn hơn ta.
* Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia để làm giáo dục thì chắc chắn điều quan trọng là chúng ta phải chú ý đến việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa của họ đúng không thưa GS?
- Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham khảo có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế trong giáo dục và nói riêng là trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa. Điều đáng mừng là ngay từ những ngày đầu tiên của nền giáo dục cách mạng, chúng ta đã chú ý đến điều này. Nhiều kinh nghiệm giáo dục của Liên Xô (cũ), Pháp, Trung Quốc và các nước XHCN khác đã được chúng ta tiếp thu có chọn lọc. Tôi nhớ ngày còn đi học, các cuốn sách giáo khoa phổ thông mỏng dính, kiến thức rất chắt lọc, nhưng về cơ bản vẫn ”đủ chất” cho học sinh, kể cả “chất để làm người”, dù học tiếp lên đại học ở trong hoặc ngoài nước, học cao đẳng hay đi học nghề hoặc đi làm. Được vậy là nhờ chúng ta đã tham khảo cách làm giáo dục, tham khảo các sách giáo khoa chuẩn mực và rất cơ bản của Nga, Pháp, Mỹ và các nước khác. Nói riêng trong môn toán, các cuốn sách giáo khoa cấp II và III ngày ấy do thầy Lê Hải Châu và thầy GS. Hoàng Tụy biên soạn vừa ngắn gọn, súc tích vừa cơ bản.
Hiện nay khi biên soạn lại và hiện đại hóa sách giáo khoa chúng ta đã chú ý hơn nữa đến việc học hỏi những kinh nghiệm quốc tế. Đó là cách làm rất khoa học, tiết kiệm và hội nhập trong thời đại ”thế giới phẳng” ngày nay. Nhưng tôi cho rằng cần phải mạnh dạn hơn nữa trong việc tham khảo có chọn lọc và sử dụng nguồn thông tin, sách giáo khoa trên thế giới, đặc biệt là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, không chỉ ở bậc phổ thông mà ngay cả ở bậc đại học và sau đại học. Ngay cả đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, chất liệu về cơ bản đương nhiên là của chúng ta, nhưng vẫn cần xem họ thiết kế chương trình và dạy ra sao, để học sinh chúng ta luôn tiếp cận được những tư tưởng tiến bộ nhất trong văn hóa, nghệ thuật, hiểu được và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả của thời đại ngày nay. Tóm lại là phải thấm nhuần sâu sắc phương châm ”cơ bản, hiện đại, Việt Nam” của Đảng ta trong giáo dục phổ thông và cả đại học. ”Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu”, ngẫm lại cả chiều dài lịch sử và hướng tới tương lai (cho đủ cả bốn chiều) để học hỏi, để xây dựng con người Việt Nam mới, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng phải đủ bản lĩnh để hội nhập và phát triển trong thế giới phẳng ngày nay với đầy cam go, thử thách và cạnh tranh khốc liệt xảy ra trong khu vực và trên thế giới, liên quan tới phát triển bền vững, tới an ninh và chủ quyền Tổ quốc.
Chỉ những bài báo khoa học được đăng trong các tạp chí có chỉ số ISSN với chất lượng khoa học cao mới được HĐCDGS các cấp xem xét, tính điểm
*Là Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, xin GS cho biết vai trò của tạp chí có mã số chuẩn quốc tế ISSN?
-ISSN (International Standard Serial Number) là mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (XBPNK), một mã được công nhận trên phạm vi toàn thế giới nhằm xác định nhan đề của các XBPNK. Khi đã có chỉ số ISSN thì tạp chí sẽ được quốc tế thừa nhận chính thức và giới thiệu trên quy mô toàn cầu, nói nôm na là đã có "thẻ căn cước" để đi lại trong "làng" thông tin toàn cầu. Nhưng ISSN không liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu, bản quyền hoặc bảo vệ nhan đề của XBPNK/tạp chí với các nhà xuất bản khác; nó cũng không liên quan đến chất lượng khoa học của các bài báo trong tạp chí đó.
Danh sách ISSN của cả thế giới bao gồm khoảng 1,3 triệu tên XBPNK/tạp chí. Thế nhưng ở Việt Nam vẫn còn một số tạp chí chưa đăng ký để có chỉ số ISSN. Từ năm 2012, chỉ những bài báo khoa học được đăng ở các tạp chí có chỉ số ISSN mới được HĐCDGS các cấp xem xét, tính điểm.
* Từ năm 2014, Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã được Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN, xin GS cho ý kiến đánh giá của mình về Tạp chí?
- Tôi cho rằng với một ban biên tập có kinh nghiệm và nhiệt huyết, tuân thủ những quy định trong nước và quốc tế thì các bài đăng trong Tạp chí Giáo dục Thủ đô sẽ được các hội đồng chức danh giáo sư xem xét, đánh giá và cho điểm.
*Xin cảm ơn GS!