Phân luồng nhưng phải có sự liên thông chứ không đóng kín
*PV: Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Khung cơ cấu này có gì mới và nó có đáp ứng được những định hướng quan trọng trong Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không, thưa GS?
-GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có ký một quyết định rất quan trọng đó là khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Mặc dù đây chỉ là quyết định của Thủ tướng không phải của Quốc hội nhưng nó gần như là quan trọng hàng đầu. Theo tôi, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Chính phủ công bố lần này tương đối tốt. Trước hết nó thể hiện được kinh nghiệm quốc tế. Bởi theo tiêu chuẩn về hệ thống giáo dục viết tắt là ISCED (phân tầng tiêu chuẩn giáo dục quốc tế) do một số hệ thống giáo dục thế giới tổng kết lại được UNESCO công bố thì khung hệ thống của ta xây dựng tương đối phù hợp với tiêu chuẩn đó. Ngoài ra, khung cơ cấu này cũng thể hiện được chủ trương của Nghị quyết 29. Một trong những chủ trương của NQ 29 là hệ thống giáo dục của ta phải thể hiện được tính phân luồng. Sau bậc THCS sẽ phân làm 2 luồng là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cũng thể hiện được một số ý của Nghị quyết 29 như xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực học…
* Thế các văn bản luật hiện hành có khác biệt gì với khung cơ cấu giáo dục quốc dân mới? Và khung cơ cấu mới có nhược điểm nào không?
- Nếu đúng ra, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phải có trước các luật, Luật giáo dục khi xây dựng phải theo khung này. Vì vậy, trong Quyết định đó có ghi, nếu trong khung cơ cấu và các luật có điều gì không phù hợp thì các Bộ, các cấp có thể đề nghị để điều chỉnh luật cho phù hợp.
Thí sinh cẩn thận khi làm bài thi trắc nghiệm
Năm 2014, chúng ta có luật giáo dục nghề nghiệp, theo góc độ chuyên gia chúng tôi đánh giá, luật này rất nhiều nhược điểm mà một nhược điểm rõ nhất là người ta định nghĩa giáo dục nghề nghiệp là một bậc của giáo dục quốc dân, như vậy thì không đúng. Giáo dục nghề nghiệp không phải là một bậc giống như bậc Tiểu học hay bậc THCS mà là một luồng thì mới đúng. Và chính vì gọi là bậc nên người ta đã gói một số phần giáo dục nghề nghiệp vào để chuyển sang Bộ LĐ,TB-XH quản lý. Phần cao đẳng được xem là thuộc giáo dục nghề nghiệp cũng bị cắt sang Bộ LĐ,TB-XH quản lý. Trên thế giới không bao giờ cao đẳng và đại học lại tách biệt nhau. Hệ thống giáo dục sau trung học bao giờ cũng từ bậc cao đẳng trở lên. Hiện nay, ngoài các trường cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý, thì các trường cao đẳng nghề nghiệp lại do Bộ LĐ,TB-XH quản lý. Đó là một điều không phù hợp với khung cơ cấu mới này.
Bên cạnh đó, trong khung cơ cấu có phân luồng sau THCS, một bên là 3 năm THPT còn bên kia là 3 năm Trung cấp, điều đó không phù hợp. Trung cấp thường nói về trình độ nghề, chương trình trung cấp cũng chỉ quan tâm đến tay nghề, như vậy nó sẽ thiếu tính liên thông, bởi những người học trung cấp có tay nghề mà muốn học lên đại học thì họ phải học lại một số kiến thức phổ thông. Do đó thay vì trung cấp nên thiết kế trung học nghề thì đúng hơn vì trong trung học nghề vừa có tay nghề vừa có kiến thức phổ thông để sau đó người học học lên bậc trên thì sẽ thuận lợi.
Theo tôi, tính mở trong khung cơ cấu này cũng chưa thể hiện tốt lắm bởi vì phân luồng nhưng làm thế nào mà các luồng không đóng kín mà phải có lối thông với nhau. Nếu học theo luồng này, khi có nguyện vọng và điều kiện người học có thể học thông sang luồng kia chứ không phải quay lại từ bậc học bên dưới.
*Việc phân luồng học sinh sau THCS đi học nghề đã được nêu ra từ rất lâu và được đưa vào Nghị quyết TW 2 (khóa 8) từ năm 1996, tuy nhiên cho đến nay việc phân luồng vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Trung ương đề ra. Theo GS, đâu là nguyên nhân và làm thế nào để thực hiện việc phân luồng có hiệu quả?
- Khung cơ cấu hệ thống này có liên quan đến một chủ trương rất lớn mà trong Nghị quyết 29 có đề cập đến đó là phân luồng giáo dục. Có thể nói, việc phân luồng giáo dục đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong hàng chục năm nay nhưng chúng ta vẫn không thực hiện được. Trong nhiều nghị quyết trước kia có nói, sau THCS sẽ phân ra hai luồng một bên là THPT, một bên là trung học nghề, với tỉ lệ khoảng bên 3 bên 7. Bao nhiêu năm nay, sau THCS phần lớn các em lên THPT mà không vào trung học nghề. Sau THPT lại lên đại học chứ không qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đó là một điều rất dở. Cái dở ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân đó là các trường trung học nghề của chúng ta còn yếu, nghèo nàn, không đủ sức hấp dẫn học sinh. Vì vậy để cải thiện được việc phân luồng, theo tôi điều quan trọng là phải đầu tư thật nhiều vào trung học nghề. Các trường trung học nghề phải có nhiều chương trình nghề đa dạng và các nghề đó phải phù hợp với thị trường lao động thì mới cuốn hút người học.
Thứ hai là, hệ thống của chúng ta kể cả hệ thống chính trị xã hội chứ không riêng giáo dục còn nặng về tâm lý chuộng bằng cấp. Việc chuộng bằng cấp của ta đã có từ thời xưa, nhưng hệ thống nhà nước của chúng ta hiện nay cũng quá coi trọng bằng cấp, vì vậy, học xong THPT là phải vào đại học, rất ít học nghề. Do đó chúng ta phải khắc phục dần dần bằng tuyên truyền. Những năm gần đây, tôi thấy tình trạng này cũng đang được khắc phục. VD như năm 2016, theo Bộ GD&ĐT cho biết có 100 nghìn thí sinh đạt điểm trên mức điểm sàn nhưng không vào đại học, như thế là đã có sự thay đổi trong nhận thức của xã hội.
Đối với các kỳ thi đông thí sinh, thi trắc nghiệm là phương án tối ưu
*Theo phương án thi THPT Quốc gia 2017 được Bộ GD&ĐT công bố, ngoài môn Văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đối với môn Toán và môn Lịch sử nếu thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ không đánh giá được năng lực của học sinh. GS có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
-Từ năm 2014 trở về trước, chúng ta có kỳ thi 3 chung. Năm 2006, trong kỳ thi 3 chung dự định sẽ có một môn thi trắc nghiệm là môn tiếng Anh, còn lại là tự luận. Dần dần những năm sau tiếp tục mở rộng ra thi trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh và lộ trình là sau một số năm thì tất cả sẽ thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, cho đến năm 2014 vẫn chỉ có 4 môn thi theo hình thức trắc nghiệm như đã nói ở trên bởi có nhiều ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm không đánh giá được tư duy, hoặc thi trắc nghiệm chỉ đánh giá được khả năng ghi nhớ cho nên khuyến khích học sinh học vẹt. Đến năm 2015, chúng ta bắt đầu tổ chức 1 kỳ thi THPT Quốc gia. Bộ GD&ĐT có đưa ra 3 phương án thi, sau đó, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng gửi về Bộ GD&ĐT phương án thi. Theo phương án của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì tất cả các môn đều thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, năm 2015, Bộ GD&ĐT vẫn dùng phương án thi như những năm trước. Cuối năm 2016, ra đời phương án thi của năm 2017, trong đó tất cả các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm chỉ có môn Văn là thi theo hình thức tự luận. Tôi ủng hộ phương án thi này của Bộ GD&ĐT. Nhưng tôi mong muốn đến năm 2018, tất cả các môn sẽ thực hiện theo phương án của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đề nghị, mà tôi có tham gia xây dựng. Theo phương án này tất cả các môn đều thi trắc nghiệm, tuy nhiên, riêng Toán và Ngữ văn ngoài trắc nghiệm, mỗi môn nên có 1 câu tự luận ngắn để bổ sung đánh giá các kỹ năng mà thi trắc nghiệm không đánh giá được. Đối với môn Ngữ văn câu tự luận để đánh giá khả năng viết, còn đối với môn Toán thì câu tự luận ngắn sẽ giúp đánh giá khả năng giải quyết vấn đề của học sinh.
* Như vậy, theo GS, phương pháp thi trắc nghiệm hay hơn phương pháp thi tự luận?
-Trong hai phương pháp thi trắc nghiệm và tự luận, không thể nói phương pháp nào hay hơn phương pháp nào, nhưng nếu áp dụng vào các kỳ thi đại trà, đông học sinh thì phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo. Do đó các kỳ thi lớn trên thế giới đều dùng phương pháp trắc nghiệm. Ở Mỹ có hai kỳ thi tuyển đại học lớn là SAT và ACT, họ đều thi bằng phương pháp trắc nghiệm. Vì nếu thi bằng phương pháp trắc nghiệm, chất lượng của kỳ thi sẽ được quyết định bằng chất lượng đề thi bởi vì chấm bằng máy, còn thi tự luận, chất lượng kỳ thi được quyết định bằng năng lực của người chấm. Chất lượng của đề thi có thể đảm bảo được bằng cách thu hút nhiều người giỏi xây dựng ngân hàng câu hỏi tốt trong một thời gian dài, dựa vào đó để ra đề thi; còn năng lực của người chấm thì không thể khắc phục được bởi việc chấm thi diễn ra trong thời gian rất ngắn nên không thể có đủ số lượng người giỏi để chấm hàng triệu bài thi. Do đó, những kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn thì phương pháp thi trắc nghiệm sẽ có ưu thế áp đảo.
Muốn thi trắc nghiệm tốt phải có đề thi tốt. Muốn đề thi tốt phải có ngân hàng câu hỏi tốt, được xây dựng đúng phương pháp. Muốn đảm bảo kết quả kỳ thi được tốt thì việc chuẩn bị đóng vai trò hết sức quan trọng.
*Được biết, để tránh hiện tượng quay cóp của học sinh, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT có phương án trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một đề thi khác nhau. Xin GS cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
-Để chống quay cóp, Bộ cho biết là trong một phòng thi mỗi thí sinh có một đề thi khác nhau, do đó mỗi phòng thi sẽ có 24 đề thi khác nhau. Theo cách này khi công bố đề thi thì phải công bố cả 24 đề, như vậy khối lượng câu hỏi phải công bố sẽ rất lớn. Trong khi đó, việc xây dựng một ngân hàng câu hỏi rất công phu và tốn kém. Theo tôi không cần thiết phải làm như vậy. Chúng ta cứ làm như trước kia, lấy một đề rồi đảo câu hỏi, thứ tự các phương án trả lời thành 6 đề khác nhau. Cẩn thận hơn, sắp tới có thể sẽ không chỉ đảo thành 6 đề mà đảo thành 40, 50 đề để mọi thí sinh trong một phòng thi đều làm đề khác nhau về hình thức, học sinh không thể quay cóp được. Vì thực chất vẫn chỉ là một đề và khi công bố chỉ phải công bố một đề. Một vấn đề nữa đặt ra là, nếu dùng 24 đề khác nhau, liệu 24 đề đó có tương đương nhau không?. Làm sao để đảm bảo được các đề đó tương đương nhau để so sánh điểm số của các thí sinh làm đề khác nhau? Thực ra các đề bị đảo cũng không hoàn toàn tương đương nhưng dù sao đề cũng không bị thay đổi nhiều.
* Nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng đối với các trường ĐH, theo GS, để công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH đạt hiệu quả cần phải lưu ý những yếu tố nào?
- Việc kiểm định đại học của ta trước nay vẫn "còn mang tính hình thức". Ngay cả việc các trường tự đánh giá cũng không thật đúng quy trình để tạo nên sự đồng thuận trong nội bộ trường về chất lượng của trường đó. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT có công bố dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có đưa ra những tiêu chuẩn và tiêu chí để đánh giá. Tuy nhiên 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí là quá nhiều, quá phức tạp.
Trong dự thảo đó có ghi giao công tác kiểm định cho các cơ quan độc lập, đó là một tiến bộ của ta vì nó đảm bảo tính khách quan, phù hợp với xu hướng quốc tế. Hiện nay chúng ta có 4 trung tâm kiểm định độc lập, 2 trung tâm của 2 trường ĐH Quốc gia, 1 của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng và 1 trung tâm của ĐH Đà Nẵng. Trường nào muốn được trung tâm nào kiểm định chất lượng thì đăng ký. Tôi thấy dự thảo nói nhiều đến quyền lực của tổ chức kiểm định, chế tài đối với các cơ sở giáo dục, nhưng không thấy nói về chế tài đối với tổ chức kiểm định. Tổ chức kiểm định cũng quan trọng như tổ chức kiểm toán, vì tiếng nói của nó rất quyết định. Tôi nghĩ đã có quyền lớn thì trách nhiệm cũng phải lớn. Vì vậy phải có chế tài thế nào cho chặt chẽ, nghiêm khắc đối với tổ chức kiểm định. Trong dự thảo hoàn toàn không thấy có chế tài với tổ chức kiểm định, không hiểu Bộ GD&ĐT sẽ quy định ở đâu. Nếu không có chế tài, nếu tổ chức kiểm định không khách quan, trung thực thì sao?
Ngoài ra, trong dự thảo có quy định, muốn được kiểm định, cơ sở giáo dục phải có hợp đồng kinh tế với tổ chức kiểm định. Tôi thấy không ổn. Hợp đồng kinh tế là thuận mua vừa bán. Không nên dùng hợp đồng kinh tế để nhà trường thỏa thuận mức tiền trả cho tổ chức kiểm định. Tất nhiên để thực hiện việc kiểm định phải cần kinh phí nhưng Bộ GD&ĐT có thể quy định mức chi phí chung để các cơ sở đào tạo trả cho tổ chức kiểm định, chứ không phải thỏa thuận về việc trả tiền. Tất cả các trường phải làm như vậy. Đây là văn hóa chất lượng nên không thể dùng hợp đồng kinh tế. Kiểm định sẽ có chất lượng nếu các khâu kiểm định được làm một cách nghiêm túc.
*Xin cảm ơn GS!