Chương trình giáo dục di sản cho học sinh của Hà Nội
được coi là một mẫu mực
* GS nhìn nhận thế nào về việc học môn Lịch sử trong giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng hiện nay?
- Thực tế hiện nay đang có chuyện các nhà giáo, các nhà khoa học, các nhà quản lý liên tục bàn về việc giới trẻ, học sinh không thích lịch sử. Đã có những cuộc mổ xẻ rất kỹ và nhận ra được một số nguyên nhân vì sao học sinh không thích môn lịch sử.
Trước tiên là do việc định hướng giáo dục lịch sử của chúng ta nằm trong một tuyến phát triển truyền thống mà ngày xưa có câu học là để đi thi và đi thi để làm quan, nói tắt là học để làm quan. Một thời chúng ta nêu được mục đích, học để hiểu để biết và bây giờ học là để làm người. Trong các định hướng như thế thì có việc học lịch sử. Nếu chúng ta chăm chú vào việc học là để đi thi, mà đến bây giờ đây vẫn là một vấn đề rất lớn của ngành giáo dục thì rõ ràng đi thi, trả bài thi về môn lịch sử có nhiều khó khăn, nhiều điều không thuận đối với học sinh hơn là những môn học khác. Đấy là lý do học sinh không mặn mà với môn lịch sử.
Trau dồi văn hóa đọc cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ
Thứ hai là vấn đề định hướng trong việc dạy và học lịch sử của ngành giáo dục chủ yếu là của lãnh đạo ngành giáo dục và bộ phận làm chương trình. Qua nhiều năm theo đúng xu hướng của thời đại trước đây, việc làm chương trình, soạn SGK theo chương trình đó và dạy lịch sử theo SGK, chương trình đó đều tuân thủ theo phương châm phục vụ cho chính trị nên lịch sử trở thành môn chính trị học. Dạy và học sử là để thực hiện và làm công tác tư tưởng. Lịch sử nếu không toàn bộ thì cũng là một phần lớn để giáo dục tư tưởng mà đã như thế, lịch sử bị chuyển hướng thành một môn khác. Trong khi lịch sử là một bộ môn khoa học mà như nhiều người nói nó lại còn là nghệ thuật, là văn học, văn hóa nữa. Do đó khi bị chuyển thành một môn khác sẽ khiến học sinh không hứng thú với môn sử.
Thứ ba là, chúng ta có một đội ngũ các nhà giáo nói chung và giáo viên dạy môn lịch sử nói riêng rất đáng quý nhưng do hoàn cảnh xã hội chúng ta chưa có những đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ này nên các thầy các cô phải lo kiếm sống, bận bịu vào việc kiếm sống họ không còn nhiều thời gian, tâm huyết cho việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Do đó, những bài giảng về lịch sử nói riêng cũng như những môn khác đôi khi còn dễ dãi, không hấp dẫn, sáo mòn, bị lặp đi lặp lại dễ thấy trong SGK. Cho nên những bài giảng như vậy sẽ không hấp dẫn học sinh, dẫn đến học sinh không yêu thích môn lịch sử…
*Chúng ta vừa kỷ niệm 230 năm ngày Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, theo GS, những sự kiện lịch sử như thế này có ý nghĩa thế nào đối với việc giáo dục lịch sử, bồi đắp tình yêu Thủ đô, đất nước cho thế hệ trẻ?
- Trở lại việc đưa sự kiện kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đến với học sinh, có thể nói sự kiện này trở thành một cái chốt, một đột phá bởi nó đáp ứng, giải quyết những khó khăn như trên đã nói. Nó chính là lịch sử đích thực, có chính trị, có tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước… Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa bản thân nó mang tố chất lịch sử rất mạnh mẽ, tạo ra được sự hấp dẫn với học sinh cho dù là các thầy cô đưa đến cho học sinh dưới dạng thức nào, dưới cấp độ nào, dưới trình độ nào. Sự kiện này vừa mang tính đích thực là lịch sử vừa kêu gọi mọi người đến với lịch sử. Ở đây còn có cả sự hấp dẫn của chuyện đánh nhau, chiến thắng, các con đường để đi đến chiến thắng của mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Sự hấp dẫn ấy được tạo nên bởi sự chính yếu là lịch sử. Sự hấp dẫn của lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc trải dài qua năm tháng, qua không gian rộng lớn của các đề tài lịch sử từ chuyện vua Hùng dựng nước đến chuyện Lý Thái Tổ định đô Thăng Long. Nhưng ở đề tài chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa thì nó trỗi dậy, kết tinh lại được rất nhiều giá trị của lịch sử và của bộ môn lịch sử trong việc giảng dạy và học tập.
GS Lê Văn Lan giao lưu với giáo viên và học sinh trường THCS Đống Đa
Đối với Hà Nội, đây là một trong những sự kiện hiếm ít, diễn ra mang tính chất rất điển hình. Một đề tài của Hà Nội, mang tính Hà Nội rất rõ nên nó càng thêm sự hấp dẫn. Một yếu tố rất quan trọng nữa mà Lê Nin đã nói “tổ chức, tổ chức và tổ chức”, ở đây tôi muốn nói, ngoài Sở GD&ĐT, quận Đống Đa, những nhà quản lý, các thầy cô giáo, học sinh sống trên địa bàn đã làm nên một phần quan trọng của sự kiện này. Các đồng chí lãnh đạo quận, ngành giáo dục quận đã ý thức được việc này cho nên từ trước dịp kỷ niệm đã có sự tinh tế, kịp thời chuẩn bị, bồi dưỡng, đi sâu, quan tâm đến mọi mặt của sự kiện để tuyên truyền. Đây là một yếu tố để các nhà quản lý cần học tập về sự nhạy bén, tinh tế phát hiện được ra những thời cơ chúng ta đang có những vấn đề thú vị về mặt triết học, lịch sử để khai thác thời cơ ứng vào việc quản lý xã hội. Đây là một bài học, một kinh nghiệm có thể giúp được cho rất nhiều nơi khác, các cơ quan khác đó là chú ý một cách tinh tế, nhạy bén, kịp thời đối với những dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử mà nhân đó “tổ chức, tổ chức và tổ chức”.
*Bắt đầu từ năm học 2018-2019, ngành Giáo dục Thủ đô triển khai kế hoạch giáo dục di sản văn hóa, giá trị lịch sử cho học sinh tại di sản Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội. GS nhìn nhận thế nào về cách làm này?
- Nói về việc liên kết giữa giáo dục với các đơn vị thì không chỉ là Hoàng thành Thăng Long, theo tôi việc làm này đã được Hà Nội triển khai khá rộng rãi, chọn được những tiêu điểm, tụ điểm, tinh điểm, thậm chí thiêng điểm để giáo dục liên kết với thực tiễn, với tình hình cảnh quan hiện tượng cụ thể… Do đó, đây được coi là một mẫu mực.
Ở đây không chỉ là việc lo riêng cho giáo dục mà trong đó có sự hợp tác, liên kết tạo ra một cuộc vận hành, vận động của những sự kiện văn hóa, xã hội, kinh tế. Nhân sự kiện này, không có gì tốt bằng chúng ta giới thiệu thực tiễn và đưa ra kết quả đã đạt được nó sẽ có sức thuyết phục, lan tỏa, ngấm sâu. Giáo dục Hà Nội đã tự giác, lặng lẽ làm và có kết quả, đây là sự hưởng ứng một cách ngẫu nhiên nhưng chắc chắn có sự tính toán, có chiều sâu nó phù hợp với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là nêu gương. Cho nên cứ lặng lẽ giới thiệu những kinh nghiệm và kết quả cụ thể đó là ta đã làm được việc nêu gương.
Đọc sách vẫn có giá trị truyền thống trong thời hiện đại
*Để nâng cao trí tuệ, hiểu biết về lịch sử, dân tộc, việc đọc sách rất quan trọng. GS có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay?
-Đứng ở góc độ nhìn lịch sử với quan điểm lịch sử, chúng ta phải thừa nhận, văn hóa đọc là một bộ phận của “Văn minh đọc nghĩ” ở thời xã hội cổ truyền. Xã hội cổ truyền có đặc trưng làm kinh tế nông nghiệp, văn minh nông nghiệp, do đó văn hóa của một dân tộc làm nông nghiệp là cơ sở, là điều kiện, là môi trường để xuất hiện cái gọi là văn minh đọc, nghĩ. Nó bình thản, chậm rãi nhưng sâu sắc, chỉ tìm một chữ để viết thành một câu, rồi một câu đó trở thành một bộ phận của một tác phẩm. Đấy là thời của văn minh đọc, nghĩ và kết quả nó làm cho những người ở thời kỳ đó coi đó là điều thiêng liêng, điều cực kỳ thú vị và gần như là điều duy nhất để lĩnh hội, bày tỏ sự hiểu biết của mình. Nhưng văn minh đọc, nghĩ đó đến thời đại bây giờ khi làn sóng thứ 3 - theo thuật ngữ của tác giả Toffler, người Mỹ- đã chuyển thời đại, làn sóng thứ 3 là làn sóng của thời đại văn minh nghe và nhìn. Nghe và nhìn có thuận lợi là nó có cả một thế giới, cả một kho dữ kiện rất lớn, chỉ cần gõ vào máy tính có kết nối mạng là hiện lên cả triệu thông tin do đó, con người phải rất nhanh nhẹn nhưng cũng phải lệ thuộc vào máy. Các thông tin con người nắm bắt được một cách rất nhanh chóng nhưng cũng rất hời hợt vì vậy sẽ quên ngay. Trước sự chuyển môi trường, chuyển thời đại như thế đọc sách trở nên lạc lõng, nghe nhìn có bao nhiêu điều thú vị, hấp dẫn vì vậy việc đọc sách bây giờ dễ dàng trở thành việc vừa gàn dở, vừa cổ hủ, dẫn đến việc giới trẻ bây giờ đọc ít.
*Từ năm 2014, chúng ta đã có Ngày Sách Việt Nam. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm sẽ khuyến khích phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của giới trẻ về ý nghĩa của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng để phát triển tư duy rèn luyện nhân cách con người, có đúng không thưa GS?
- Đúng vậy. Đọc sách bây giờ tuy là bộ phận của văn minh nghe nhìn nhưng vẫn có giá trị truyền thống ở trong thời hiện đại và chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều hay ít tùy từng người. Nó hỗ trợ cho việc con người thu thập thông tin, sử dụng thông tin và bày tỏ kiến thức của mình mà không cần lệ thuộc vào máy móc. Bên cạnh đó còn có vấn đề về lối sống. Trong văn minh nghe nhìn có lối sống, có thú vui của việc tham gia vào facebook, internet nhưng đọc sách cũng có thú vui của nó, nếu các bạn thử tham gia vào mà không hời hợt nghĩ rằng nó cổ hủ, lạc hậu thì bạn sẽ tìm thấy thú vui cao quý, tao nhã ở trong đó. Rõ ràng đọc sách rất hữu ích, giúp người đọc thấy tâm hồn thanh thản, sâu sắc.
*Xin cảm ơn GS!