Vào nghề bởi chữ “duyên”
Cô Nguyễn Thị Uyên, 27 tuổi, lớn lên trong gia đình có truyền thống làm giáo viên, tốt nghiệp ngành sư phạm, Uyên “bén duyên” với nghề ở trường Mầm thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Cô giáo trẻ là một trong 4 giáo viên của lớp mầm non với 60 trẻ. Ba năm đầu, cô Uyên nhận mức lương hợp đồng ít ỏi, đến năm 2014 mới được vào biên chế. Mức lương đến thời điểm tháng 8 vừa qua của cô là 4 triệu đồng/tháng.
Khi hỏi mức lương mầm non có đủ trang trải cuộc sống, cô Uyên trả lời do chưa lập gia đình, mức chi tiêu không nhiều nên chưa gặp khó khăn về tài chính. Nhưng nhìn chung, mức lương này so với các ngành nghề khác là thấp, không đáp ứng được cuộc sống của giáo viên khi họ phải làm việc từ 6h30 đến 17, 18h mỗi ngày.
Còn nhớ suốt hai năm đầu mới đi làm, Uyên luôn ngủ mê mỗi khi về nhà, khiến bố mẹ lo lắng. Cô bị ám ảnh tiếng khóc của trẻ em và gặp áp lực khi giao tiếp với phụ huynh, những khó xử trong các tình huống với con trẻ. Nhiều lúc, Uyên sợ chính nghề nghiệp của mình, vì quá đỗi vất vả, cô muốn bỏ nghề. Bởi giữa khát vọng của tuổi trẻ về hình ảnh một cô giáo hiền hòa giữa lũ trẻ thơ ngây là một thực tế hoàn toàn khác nhau. Khi mà một lớp học có tới 60 cháu bé lít nhít, khóc lóc, ăn uống khó khăn…
Cô giáo mầm non vừa là cô, là mẹ, là bác sĩ, nghệ sĩ trong lớp học
Thế rồi, những tháng ngày “chập chững” ấy cũng qua đi, nhiều khi tình yêu với con trẻ quá lớn lao khiến cô giáo 9x ấy không để ý đến những vất vả xung quanh, chỉ dồn hết tâm huyết của mình với nghề. Vì vậy, dù tiền lương không cao, Uyên vẫn cố gắng hết sức, vừa học tập nâng cao trình độ, vừa tìm tòi thêm phương pháp chăm sóc, nuôi dạy trẻ phù hợp... Cô luôn tin rằng, một giáo viên tốt sẽ tạo ra nhiều thế hệ học trò tốt. Ở bậc mầm non, người lớn góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em.
Vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới vào nghề, cùng lòng yêu trẻ, sự thôi thúc tìm ra những đổi mới trong cách giáo dục, năm 2016-2017, cô giáo Nguyễn Thị Uyên thiết kế sản phẩm công nghệ thông tin Thiết lập một số trò chơi khám phá khoa học trên máy tính cho trẻ mẫu giáo. Sản phẩm được ghi ra đĩa tạo thành chương trình vừa chơi vừa học với tên gọi Chương trình khoa học nhí, phổ biến đến giáo viên, cũng như phụ huynh của trường được sử dụng trong lớp và ở nhà. Chương trình là cả một thế giới trẻ thơ với nhiều màu sắc, thú vị, đòi hỏi sự tư duy, tính kiên trì cao, tổng hợp 500 hình ảnh ngộ nghĩnh, 1.000 file âm thanh sống động, từ tiếng nhạc, tiếng cô giáo, tiếng nói bạn thơ.
Cô giáo 9X mong muốn các chương trình ứng dụng từ công nghệ phần nào giúp GVMN giảm tải việc làm đồ chơi quá nhiều mà không đạt hiệu quả cao. Đồng thời, nó tạo tài nguyên cho giáo viên, phụ huynh thỏa sức sáng tạo trong hướng dẫn trẻ học tập, vui chơi trong lớp cũng như ngoài trời. Trong trái tim cô Uyên, nghề giáo là duyên may của cuộc đời.
Với cô giáo Trịnh Thị Dung, hiện đang công tác tại trường mầm non Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy thì 8 năm “bén duyên” với công việc dạy trẻ mang đến cho cô rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cô chia sẻ: Công việc của một cô giáo mầm non vô cùng vất vả, thời gian làm việc là từ 7h sáng đến 6h chiều. Hằng ngày, chúng tôi cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hơn 50 học sinh sao cho an toàn, khỏe mạnh để các con cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Chúng tôi chăm sóc cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ để hơn 100 phụ huynh yên tâm, vui vẻ đi làm. Khoảng thời gian ở trường đó, chúng tôi đã dành hết tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu nghề, yêu thương con trẻ và tạm quên đi những khó khăn riêng của gia đình mình. Bên cạnh vai trò là một cô giáo mầm non, bản thân tôi cũng là một người mẹ trẻ có con mới hơn 3 tuổi. Trong thời gian chồng tôi đi nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, những khi con đau ốm chỉ một mình đưa con đi khám, rồi đêm hôm chăm sóc, hàng tuần về thăm nhà cũng chỉ có một mình. Ngày ngày, sau 6h chiều, khi trả hết các con an toàn về với bố mẹ, tôi mới có thời gian dành cho gia đình và con của mình rồi soạn giáo án, chuẩn bị bài dạy ngày hôm sau…
Ngày nào cũng như ngày nào tất bật với công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, nhưng với tấm lòng yêu nghề cô giáo Dung luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường và làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ và người con dâu trong gia đình. Nhiều năm liền, cô là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Năm học 2014-2015, cô vinh dự đạt giải nhì cuộc thi viết “60 năm ngành Giáo dục Thủ đô”. Trong ngày hội CNTT của ngành GD&ĐT quận Cầu Giấy, cô có sản phẩm dự thi và đạt giải 3 thiết kế bài giảng điện tử “làm quen với chữ cái”. Cô cũng vinh dự được cử đi học lớp cảm tình Đảng và là quần chúng ưu tú được đề nghị kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Phượng, sau 10 năm trong nghề, hiện cô vừa được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Thọ Lộc, Phúc Thọ. Cô tâm sự, sau khi tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hà Nội, cô về trường nhận mức lương hợp đồng khởi điểm chỉ là 250 ngàn đồng/tháng. Sau đó một năm, với nhiều cố gắng, nỗ lực, cô được hợp đồng chính thức, lương của cô tăng lên 450 ngàn đồng/tháng. Từ năm 2009 là 950 ngàn đồng/tháng. Và mới đây, khi cô được nhận trách nhiệm Hiệu phó, lương của cô là 4.500 ngàn đồng/tháng. Với đồng lương eo hẹp, nuôi hai con nhỏ, việc làm thêm thường xuyên của cô là gia sư cho học sinh Tiểu học…
Cũng như cô Uyên, cô Dung chỉ sau một thời gian ngắn gắn bó và say mê với công việc của mình, cô Phượng đã lấy những ánh mắt trẻ thơ yêu quý để quên đi những vất vả đời thường. Thời gian đầu, vì là nhà trẻ nông thôn, trẻ cứ 10h là về nhà ăn trưa nên không có sự gắn kết. Sau đó, cô đề nghị cho trẻ bán trú cả ngày, trẻ từ sợ đi học đã yêu trường, yêu lớp hơn. Không còn đi học với tâm thế chỉ là gửi trẻ như trước đó. Và theo cô, chỉ cần yêu nghề, yêu trẻ, tận tụy với công việc, bạn sẽ được đền đáp. Cô đã có nhiều sáng kiến để trẻ nói tiếng phổ thông, không nói giọng địa phương, cũng như dạy kĩ năng tự tin cho trẻ từ giai đoạn 3-4 tuổi…
Không dễ để “tròn cả hai vai”
Với trọng trách nghề nghiệp của mình, GVMN vừa là cô, vừa là mẹ lại vừa là bác sĩ, nghệ sĩ trong lớp học. Bên cạnh đó, các cô còn là một chuyên gia tâm lý, là người nghiên cứu hành vi hàng ngày của trẻ để mỗi trẻ có hướng chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Công việc của GVMN không chỉ dạy, mà còn phải dỗ trẻ, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc trẻ bằng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình đúng với danh hiệu “Cô giáo người mẹ hiền”. Xét về giờ công lao động, so với các bậc học khác họ đang phải làm việc với cường độ nhiều nhất.
Một ngày của các cô giáo mầm non thường từ 6h30-7h sáng, khởi đầu bằng vệ sinh phòng học. Tới giờ ăn sáng, mỗi cô phụ trách hơn 20 cháu, có khi đông hơn. Trường nào tổ chức ăn sáng cho trẻ thì các cô có nhiệm vụ là xúc cho trẻ ăn hết trước 8h. 8h15 chuyển sang hoạt động thể dục, rồi học bài theo chương trình quy định của Bộ GD. 10h30, các cô kê dọn bàn ghế, bê cơm cho bữa trưa. Nếu có trẻ nôn ói các cô phải lau sàn, vệ sinh cho trẻ, giặt giũ, ít nhất cũng 30 phút. 2 tiếng ngủ trưa của trẻ, các cô tranh thủ làm dụng cụ học tập vì gần như tất cả học phẩm trong trường mầm non đều là “cây nhà lá vườn”. 3 tiếng còn lại của buổi chiều, cô vừa phải giúp trẻ ôn lại bài học buổi sáng, vừa cho trẻ ăn bữa phụ. Sát giờ về thì chải tóc cho từng cháu, cho trẻ đi vệ sinh rồi lau chùi phòng học, dọn toilet, kê lại bàn ghế, thu gom đồ chơi. 16-16h30 trả trẻ nhưng nhiều cha mẹ gần 6 giờ chiều mới tới đón. Chỉ đến khi các con đã về thì cô mới được tan làm.
Cô Mai Anh – GV ở một trường MN công lập của Hà Nội bộc bạch: Hồi mới nhận việc ở trường, tôi thực sự sốc vì sĩ số học sinh quá đông, gần 60 em/lớp, trong khi trường sư phạm dạy học cho chúng tôi chỉ hướng dẫn cách nuôi dạy và quản 30 HS/lớp học theo qui chế của Bộ GD&ĐT. Không ngờ thực tế khác xa. Lớp học thì chật chội, HS đông đúc, mỗi trẻ một kiểu, bé thì kêu khóc, bé thì nghịch ngợm phá phách, nhiều bé còn ói mửa ra lớp học, ị ra quần… Chúng tôi chóng mặt để xoay xở với những tình huống dở khóc, dở cười diễn ra hàng ngày này.
Thông thường HS lớp nhỡ, lớn còn có thể phụ giúp cô một số công việc như tự vệ sinh cá nhân, sắp xếp đồ chơi, dụng cụ học tập… Còn GV lớp nhà trẻ phải làm tất. Cô Mai Anh kể: Mới đây, trong giờ dạy của cô, 2 cháu trai nghịch ngợm trong lúc chạy trong lớp đã va đầu vào nhau khiến một cháu bị sưng tím ở đuôi mắt. Khi mẹ cháu đến đón, cô đã nói rõ sự tình, nhưng đêm hôm ấy, gần 12 giờ đêm, cô vẫn bị đánh thức dậy bởi cú điện thoại quát mắng của bố cháu, gia đình cháu bé cho rằng cô phải chịu mọi trách nhiệm vì để đứa trẻ bị tổn thương nên không ngủ được ngon giấc, hay giật mình… “Những lúc ấy chỉ biết khóc thầm và sáng hôm sau không còn muốn bước chân đến trường”- Cô Mai Anh buồn bã.
Đó là chưa kể một thứ áp lực khác mà khi nhắc đến GVMN thường "toát mồ hôi". Đòi hỏi về nâng cao chất lượng GDMN khiến các cô giáo thường xuyên phải tham gia các buổi thanh tra dự giờ, tham dự GV giỏi, lên chuyên đề... Ngoài những công việc “con mọn” thường ngày, họ còn phải kiêm thêm gánh nặng bài giảng và học tập nâng cao chuẩn giáo viên, chuẩn nghề nghiệp. Đúng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
Các cô giáo mầm non luôn nỗ lực để “giỏi việc trường”, nhưng còn để tròn cả vai “đảm việc nhà” là điều không dễ dàng với họ. Bởi thời gian trong ngày gần như các cô đã dành cho nhà trường, cho học trò, trong khi thu nhập còn thấp, chưa tương xứng với sự cống hiến và công sức lao động mà họ bỏ ra, điều này khiến họ không có nhiều điều kiện để chăm lo cho gia đình. Không ít GVMN để xoay sở cho cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái phải tìm các việc làm thêm để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt hàng ngày…
Quan tâm chế độ, chính sách cho GVMN
Không chịu nổi với áp lực công việc nặng nề, đồng lương thấp và hành trình chờ đợi để được lên lương, được thi tuyển viên chức, nhiều GVMN đã chọn giải pháp bỏ nghề hoặc đến với các trường mầm non tư thục với mức lương gấp 1,5-2 lần/tháng trong khi họ chỉ phải quản lý 10-20 cháu/lớp. Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu GV, nhiều trường MN công lập còn lo ngại trước tình trạng không tuyển được GV giỏi, không khuyến khích, động viên được GV phát huy sức lao động sáng tạo và tận tâm, tận lực với nghề. Nhiều GV “trụ” lại với nghề để chờ đến lượt thi công chức, nhiều GV thì xác định là làm cầm chừng, thậm chí tự “cho phép” bỏ qua một số yêu cầu của chương trình giảng dạy.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập mầm non. Như vậy, ngành sư phạm mầm non đang rất “khát” nhân lực. Đã có nhiều trường hợp lớp học mầm non xây xong phải bỏ không, học sinh không được xếp lớp, vì không có cô giáo. Nhiều trẻ không có cơ hội được sinh hoạt trong điều kiện môi trường tốt, cha mẹ đành gửi con đến nhà trẻ tự phát. Nhà giữ trẻ, trường mẫu giáo tư thục mọc lên như nấm, song thực tế ít GV được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn qua trường lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: Một cô giáo Hiệu phó ở trường cô mới về hưu sau 34 năm gắn bó với trẻ, mức lương hưu hơn 2 triệu đồng cũng khiến cô khá chạnh lòng. Bởi trước đó, lương của cô là hơn 7 triệu đồng. Thế nhưng, những giáo sinh trẻ không vì thế mà “nao núng” với con đường mà mình đã lựa chọn với vai trò là người thầy đầu tiên của trẻ. Trước đây, các cô giáo còn phải đến từng nhà phụ huynh nhận thóc gạo thay cho chế độ chi trả. Cô giáo Phượng mong muốn, nhà nước quan tâm hơn tới giáo dục mầm non để các cô giáo có thể sống được với nghề nhiều rủi ro này. Và đặc biệt là quan tâm hơn tới lương hưu, bởi cả đời cống hiến, họ trở về gần như với mức lương quá bé nhỏ, có chắt chiu cũng không đủ sống…
Theo Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, từ năm 2005, GVMN được xếp theo 3 ngạch, trong đó, người có bằng trung cấp được xếp ngạch GVMN, có bằng cao đẳng ngạch GVMN chính, có bằng đại học được xếp ngạch GVMN cao cấp. Quyết định này giao Bộ GD&ĐT xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức làm căn cứ để các địa phương tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Tuy nhiên, việc này hiện vẫn chưa được triển khai, hoặc mỗi nơi thực hiện một kiểu, nơi xếp ngạch theo bằng cấp, nơi không. Do đó có tình trạng, dù được đào tạo trình độ đại học, nhưng hầu hết GVMN mới ra trường vẫn chỉ được xếp lương ở bậc trung cấp, khởi điểm là 1,86. Với hệ số 1,86, nhiều giáo viên trẻ mới ra trường chỉ có mức lương hơn 3,2 triệu đồng, còn giáo viên sắp nghỉ hưu cũng chỉ nhận được hơn 5 triệu đồng/tháng.
Hiệu trưởng trường Mẫu giáo số 5 (quận Ba Đình) Nguyễn Huỳnh Thu Cúc chia sẻ, việc yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ chỉ nên bắt buộc với GV mới ra trường. Đối với những GV có thâm niên, nhiều năm gắn bó với nghề thì cần có cơ chế đặc thù để họ có thu nhập xứng đáng, tạo động lực để tiếp tục cống hiến.
Hiệu trưởng trường MN thị trấn Ứng Hòa Nguyễn Thị Hường so sánh: "Trong khi các ngành học khác, GV được hưởng lương theo trình độ đào tạo, còn chúng tôi dù có bằng đại học hoặc cao đẳng cũng chỉ được xếp lương bằng bậc trung cấp. Từ năm học 2010 – 2011, GVMN mới được Nhà nước hỗ trợ chuyển ngạch lương bằng bậc lương tiểu học. Dù thêm được mỗi tháng vài trăm nghìn, cũng không thể đảm bảo được cuộc sống của GV”.
Để giải quyết những hạn chế trên, tháng 8/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT quy định về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho GVMN. Bộ đã có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi thăng hạng cho từng đối tượng GV, vừa để họ hoàn thiện trình độ, vừa tạo cơ hội để đội ngũ GV phát triển sự nghiệp, nâng mức thu nhập. Tuy nhiên, quy định mà Bộ GD&ĐT đặt ra là GV nếu muốn được nâng hạng, phải có Chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ... không hề đơn giản, thậm chí thiệt thòi cho những GV đã có thâm niên công tác trên 20 – 30 năm.
Giáo viên làm việc quá tải mà được trả công không xứng đáng thì câu hỏi luôn được đặt ra là họ có thực sự chuyên tâm với nghề? Ngành Giáo dục triển khai khá nhiều cuộc vận động, chủ đề, chủ điểm cho năm học nhưng một điều không thể thiếu để giáo viên thực sự phát huy hết khả năng của mình là thu nhập tương xứng cộng với điều kiện làm việc ổn định. Xin đừng kêu gọi các GV thương yêu học sinh một cách chung chung mà hãy đặt mình vào vị thế của họ, tìm cách nâng cao đời sống cho người GV, tìm những giải pháp để giảm bớt gánh nặng trên đôi vai người GV.
Giáo dục mầm non không đơn thuần là nơi trông giữ trẻ mà còn là môi trường để cho trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt, là nơi nuôi dưỡng cơ hội phát triển trong giai đoạn đầu của cuộc đời, cũng như hình thành nhân cách và phát triển nguồn lực con người. Do đó, GDMN cần có sự đầu tư thỏa đáng, nhất là đội ngũ GV phải phát triển xứng tầm, nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản trong nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
*GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Lương GVMN lâu nay thấp bởi có yếu tố lịch sử. Trước đây, các cô mầm non ở các làng, xã không thuộc diện nhà nước trả lương mà thuộc hợp tác xã. Sau này, khi được tính lại tương ứng với bậc đào tạo nên hệ số 1,86 là rất thấp. Vì vậy, trước mắt nhà nước nên có trợ cấp bổ sung từ nguồn ngân sách để hỗ trợ đời sống GV. Về lâu dài cần phải cải cách hệ thống bậc lương, trong đó cần tính toán lại hệ thống lương GVMN. Lúc nào chúng ta cũng đòi hỏi trẻ được chăm sóc tốt, nuôi dạy tốt nhưng mức lương trả cho GV lại rất thấp thì đó là sự bất công, vô lý. Muốn GV nhiệt huyết, yên tâm cống hiến với nghề không có gì khác là phải chăm lo đời sống của họ tốt đã.
*Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XIV:
Cô giáo mầm non vừa sử dụng kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ, đồng thời họ phải lao động chân tay, lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ. Họ rất xứng đáng để nhận đồng lương cao hơn. Thực tế, việc thiếu giáo dục từ sớm gây ra nhiều hệ lụy tới giới trẻ cùng với đó sự thiếu gương mẫu của một bộ phận người lớn. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức… rất coi trọng giáo dục sớm, đặc biệt là bậc học mầm non. Chúng ta quan tâm đổi mới mô hình, nội dung giảng dạy, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho nhà giáo song cũng cần song hành với nghiên cứu tăng lương cho GVMN. Bộ GD&ĐT cần có những đột phá trong công tác GDMN thông qua các giải pháp như nhận thức đúng bậc học, tạo nền tảng tốt cho bậc học này. Chúng ta quyết không còn trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh. Sau 37 năm dạy học mầm non, ngay khi nhận quyết định nghỉ hưu, cô đã chết lặng với mức hưởng lương hưu sắp tới 1,3 triệu đồng/tháng.
*Bà Hoàng Thanh Hương- Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT Hà Nội:
Trước những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc giáo dục, đào tạo nói chung và của cấp học mầm non nói riêng, chúng ta luôn trăn trở làm sao để có được đội ngũ nhà giáo giỏi về trình độ, nghiệp vụ; có đạo đức tốt, phong cách đẹp, mỗi cô giáo mầm non là một người mẹ hiền… Chính vì vậy, các cô giáo đã và đang không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ, nhiều cô đã có bằng đại học, thạc sĩ, có nhiều kinh nghiệm, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, thực sự là những cô giáo “giỏi việc trường”. Tuy nhiên, có một nghịch lý là chế độ, chính sách về lương cho họ lại vẫn chỉ áp dụng bậc trung cấp, khởi điểm là 1,86. Thời gian làm việc kéo dài trong ngày, áp lực luôn thường trực, thu nhập lại chưa tương xứng, liệu cô giáo mầm non có thể vừa “giỏi việc nước”, vừa “đảm việc nhà”?
Cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với GV nói chung và GVMN nói riêng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế, với trình độ đào tạo và công sức lao động của nhà giáo. Có như vậy, mới thu hút được người tài vào học sư phạm. Bộ GD&ĐT cũng cần có cơ chế khuyến khích, hành lang pháp lý để các trường mầm non tiếp nhận, tuyển dụng những sinh viên yêu nghề, yêu trẻ có năng lực chuyên môn.
*Box: Mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi Bộ Nội Vụ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31/12/2016. Trong đó, mức lương của giáo viên thấp nhất hiện nay là 3,2 triệu đồng, tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường.
Giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương khởi điểm thấp nhất là 1,86%, phụ cấp đứng lớp 35%. Giáo viên có thâm niên 15-25 năm cũng chỉ nhận mức lương từ 7-8 triệu đồng, không có trợ cấp gì thêm. Theo Bộ GD&ĐT, mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học hiện đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I (3.750.000 đồng), tương đương mức lương tối thiếu vùng II (3.320.000 đồng).