- Là một nhà giáo lâu năm, ông đánh giá như thế nào về công việc của giáo viên mầm non?
- Giáo viên mầm non có những khó khăn, vất vả đặc thù. Nhiều người thường nói: Giáo viên mầm non là nghề "không đội nón". Họ ra khỏi nhà từ khi mặt trời chưa mọc nhưng chiều về thì mặt trời đã lặn.
Về thời gian, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực. Khi mọi người chưa đi làm thì họ đã phải đến trường sớm trước 30 phút. Thường các cô phải là việc tới 9-10 tiếng/ngày. Buổi trưa, các cô giáo cũng không được nghỉ, khi trẻ ngủ, họ vẫn phải trông nom săn sóc và còn tranh thủ soạn bài, làm đồ dùng đồ chơi.
Trong suốt ngày dài, các cô giáo phải chăm sóc hàng chục trẻ nhỏ trong một lớp, ngoài giáo dục, còn cho trẻ ăn bữa trưa, bữa chiều, hỗ trợ trẻ vệ sinh..., công việc có thể nói là luôn chân, luôn tay, luôn mắt.
Chiều về, khi phụ huynh đón các cháu cuối cùng thì giáo viên vẫn phải ở lại để dọn dẹp sắp xếp phòng học. Tại vùng miền núi, dân tộc thiểu số, cô giáo thường phải đưa đón trẻ vì cha mẹ bận đi làm, nhiều nơi giáo viên còn phải tắm cho trẻ trước khi ra về.
Đặc thù của việc chăm sóc trẻ mầm non là đối tượng trẻ còn nhỏ, non nớt, chưa phát triển đầy đủ về ý thức và chưa biết cách bảo vệ nên rất dễ xảy ra tai nạn thương tích.
Do đó, các giáo viên mầm non rất vất vả khi vừa phải giảng dạy, chăm sóc trẻ trong một lớp học có đông sĩ số, mà luôn luôn chịu một áp lực rất cao đó là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ.
Mặc dù công việc của giáo viên mầm non rất vất vả nhưng mức lương của họ còn thấp, chưa đáp ứng được cuộc sống.
.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT.
- Như ông đề cập, mặc dù công việc của giáo viên mầm non rất vất vả nhưng mức lương của họ còn thấp. Để tháo gỡ khó khăn cho họ, Bộ GD&ĐT đã và đang đề xuất lên Chính phủ những giải pháp gì trọng tâm nhất, thưa ông?
- Trong 5 năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, Quyết định số 60 quy định: Giáo viên (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non.
Giáo viên được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập đã góp phần nâng cao đời sống, nâng cao vị thế, giúp giáo viên yên tâm gắn bó, tâm huyết với nghề.
Một số địa phương đã ban hành thêm một số văn bản quy định chế độ chính sách hỗ trợ giáo viên (hỗ trợ tiền trực trưa, hỗ trợ giáo viên mới vào nghề...).
Tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do ngành giáo dục tổ chức, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Các chính sách đối với đội ngũ đã góp phần nâng cao rõ rệt chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, hiện nay, giáo viên mầm non vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu chính sách đặc thù.
Đối với giáo viên dạy lớp ghép nhiều độ tuổi và ghép nhiều trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các vùng miền núi, dân tộc thiểu số, công việc giáo viên thực hiện vất vả hơn rất nhiều nhưng giáo viên chưa được hưởng chế độ phụ cấp, trong khi đó giáo viên tiểu học đã được hưởng chế độ phụ cấp khi dạy lớp ghép.
Qua quá trình khảo sát, lấy ý kiến của các địa phương, cùng với việc chỉ đạo giám sát việc thực thi các chính sách đối với giáo viên, Bộ GD-ĐT đề xuất ban hành một số chính sách mới cho giáo viên mầm non trong thời gian tới.
Thứ nhất, có chính sách phụ cấp đối với những giáo viên dạy lớp ghép ở các trường mầm non ở những vùng, miền khó khăn.
Thứ hai, có chính sách phụ cấp đối với những giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số, thực hiện tăng cường tiếng Việt.
- Thưa ông, nhiều địa phương đang thừa giáo viên và có chủ trương tinh giản biên chế. Trong khi đó, hầu như ở các tỉnh, thành lại thiếu giáo viên bậc mầm non. Trước thực tế trên, Bộ GD&ĐT có đưa ra giải pháp nào để tháo gỡ, thưa ông?
- Hiện nay, các địa phương có tình trạng thừa giáo viên THCS và THPT, hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên mầm non. Nếu tính theo Thông tư 06, toàn quốc thiếu trên 52.000 giáo viên mầm non.
Trong bối cảnh chúng ta đang thắt chặt biên chế, chỉ tiêu biên chế mà Bộ Nội vụ phê duyệt cho các địa phương không đáp ứng được yêu cầu dẫn đến tình trạng các địa phương khó khăn trong việc bố trí đủ giáo viên/lớp và áp lực công việc lại dồn lên vai giáo viên mầm non.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, chúng ta không thể nhanh chóng giải quyết trong thời gian ngắn mà phải có lộ trình cụ thể. Các địa phương phải lập đề án, có lộ trình bổ sung giáo viên gửi Bộ Nội vụ là cơ quan phê duyệt chỉ tiêu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu cứ trông chờ vào ngân sách nhà nước, chờ chỉ tiêu biên chế thì không thể giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non, chúng ta cần có cơ chế huy động tài chính ngoài ngân sách nhà nước để các địa phương có thể chủ động hợp đồng giáo viên thì mới giải quyết được vấn đề này.
Theo Zing.vn
|