Tuy nhiên, qua kiểm tra sổ dự giờ trong hồ sơ giáo viên của các trường và qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng không ít giáo viên chỉ coi việc dự giờ là sự bắt buộc, hoặc nhiều giáo viên do chưa coi trọng việc dự giờ nên không tìm hiểu kỹ các thao tác để tiến hành dự giờ.
Bởi vậy, biểu hiện rõ ở sổ dự giờ là nhiều giáo viên chỉ ghi chép sơ sài để khi tổ chuyên môn, nhà trường kiểm tra thì chứng tỏ họ đã có dự giờ đủ số tiết theo qui định.
Các cột trong phiếu dự giờ chưa được các giáo viên này quan tâm và ghi chép đúng cách nên mục tiêu của việc dự giờ vẫn chưa đạt được.
Trên thực tế, phiếu dự giờ được chia làm 2 cột. Cột đầu tiên là để ghi tóm tắt tiến trình bài dạy và cột thứ 2 là đề nhận xét sơ bộ từng phần.
Rất nhiều giáo viên bị nhầm lẫn về cách ghi ở cột đầu tiên. Cột này dùng để ghi tiến trình bài dạy (tiến trình cụ thể về thời gian, nội dung, phương pháp, hình thức,...) chứ không phải là ghi nội dung của bài dạy. Nhưng đa số các giáo viên đều chỉ ghi phần nội dung của bài dạy và cứ nghĩ như thế là đã đầy đủ.
Cũng từ cách ghi ở cột thứ nhất nên đến cột thứ 2 giáo viên dự giờ ghi các nhận xét như “Tốt”, “Hướng dẫn rõ ràng”, “Chưa đạt yêu cầu”,…thì ngay chính bản thân người dự giờ đó nhìn vào cũng không chỉ ra được là tốt ở chỗ nào, hướng dẫn như thế nào là rõ ràng, vì sao chưa đạt yêu cầu,… để sau này góp ý với người dạy hay tự học hỏi kinh nghiệm.
Như vậy, cái cần ghi chép để góp ý và chia sẻ là kỹ thuật, phương pháp giảng dạy, cách bố trí thời gian, cách hướng dẫn, cách biểu hiện thái độ người dạy, hoạt động trò chơi, tương tác giữa giáo viên và học sinh,… chứ không phải riêng phần nội dung bài dạy.
Người dự giờ không nên ghi hết nội dung toàn bài vì nội dung bài dạy đa số đều có trong sách giáo khoa. Trong trường hợp người dạy có đưa thêm nội dung mới thì người dự chỉ cần ghi một phần nào đó để minh họa thôi.
Nếu người dự chỉ tập trung ghi phần nội dung thì sẽ không quan sát kỹ, không đánh giá được những ưu điểm, hạn chế của tiết dạy, thậm chí không còn chỗ trống trong phiếu dự giờ để ghi các phần nêu trên.
Tóm lại, nếu các giáo viên dự giờ ghi chép đúng cách vào các cột trong phiếu dự giờ thì cho dù không có thời gian để góp ý ngay với giáo viên được dự giờ thì một thời gian sau, dù cách một tuần hay một tháng, vẫn có thể góp ý một cách đầy đủ và thuyết phục cũng như vẫn còn lưu lại được những ưu điểm, tồn tại của tiết dạy để tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
Ngoài việc tìm hiểu các giai đoạn trước, trong và sau dự giờ, người dự giờ cần phải nghiên cứu kỹ cách ghi chép vào phiếu dự giờ để đạt đến một mục tiêu cuối cùng là chia sẽ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.