Ảnh minh họa
Tăng học phí, có người theo học?
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Hiện nay ngành y và ngành sư phạm là hai ngành có sự nhạy cảm nhất định. Trong đó, ngành y có thời gian đào tạo lâu nhất - 6 năm. Nhưng thời lượng đó vẫn chưa đủ, dự kiến sẽ đề xuất kéo dài hơn nữa. Về học phí, ở tất cả các nước, ngành y có học phí cao nhất trong các loại trường ĐH nên khi thực hiện tự chủ cũng khiến các trường y dược lo lắng băn khoăn. Tuy nhiên, việc tự chủ của các trường ĐH rất quan trọng. “Khi tiến hành tự chủ, chúng tôi nghĩ đến vấn đề khó khăn đó là học phí cao lên. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga có nói một số trường tăng học phí nhưng số lượng tuyển sinh không giảm. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng ngành y học phí luôn cao nhất trong các trường ĐH. Chúng tôi lo lắng đến sức chịu đựng của xã hội, công ăn việc làm của sinh viên ra trường. Do đó, khi tự chủ phải có hệ thống hỗ trợ người đi học” - ông Hinh chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ của các trường ĐH trong thời gian tới, PGS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cho rằng: nhiều trường băn khoăn với mức học phí sẽ lên cao khi tự chủ ĐH. Riêng ĐH Lâm nghiệp không lo lắng về vấn đề này. Bởi thực tế, có những ngành truyền thống, giảm học phí, hỗ trợ học phí vẫn không có người học. TS. Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Hà Nội thì cho biết khó khăn riêng của hệ thống các trường CĐ khi thực hiện tự chủ, đó là tâm lý chung của xã hội là quan tâm đến ĐH, ít quan tâm đến CĐ. Nếu tự chủ, trường CĐ không biết sẽ vận hành thế nào. Do đó, trường đề xuất cho lộ trình thời gian để thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tự chủ ĐH là xu thế chung, chúng ta phải làm. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các trường để thực hiện. Phó Thủ tướng cũng khẳng định thay vì có lộ trình phù hợp thì các trường ĐH, CĐ cần đề xuất cơ chế đặc thù theo từng trường, từng đối tượng. “Tự chủ không phải là nhà nước buông, trường làm hết. Nhà nước vẫn có những hạng mục đầu tư” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Sẽ “ra riêng”… từ từ
GS. Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết: Trường ĐH Thủy lợi không nằm trong nhóm 12 trường ĐH vừa được Thủ tướng Chính phủ giao thí điểm tự chủ giai đoạn 2015-2017. Nhưng qua trao đổi bên lề với một số trường đã được tự chủ thấy có nhiều thuận lợi và cũng được các trường phản ánh cần trao quyền tự chủ nhiều hơn. Tự chủ theo quy định của luật pháp là điều tất nhiên nhưng theo GS Trịnh Minh Thụ khi trao quyền tự chủ cho các trường, giai đoạn đầu tiên có 2 vấn đề mà nhà nước cần nghiên cứu giúp cho các trường.
Trước hết là về kinh phí đào tạo cấp cho các trường không nên cắt ngay. Có thể một số năm đầu vẫn đầu tư cho các trường theo hướng đầu tư một lần về cơ sở vật chất. Nếu không, thì nên có lộ trình giảm dần. Có thể 5 năm sau các trường sẽ tự chủ hoàn toàn. Ngoài ra, tự chủ cũng phải xem xét đến nhiều yếu tố, đến nhiệm vụ đặc thù của từng trường. Ví dụ như một số trường đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho phát triển xã hội như biển đảo, công tác vùng sâu vùng xa. Nếu tự chủ, những ngành này không được đầu tư, rất khó thu hút người học. Vì làm việc trong môi trường kinh doanh, thương mại, dịch vụ đầu ra tốt hơn... thu nhập tốt hơn, đương nhiên là đóng học phí cao vẫn có người học. Còn những ngành đầu ra khó, công việc vất vả, học phí cao, chắc chắn sẽ có ít người lựa chọn.
GS Trịnh Minh Thụ lý giải: Các trường khối kỹ thuật đầu tư cho đào tạo tốn kém hơn khối kinh tế, xã hội vì liên quan đến chi phí thiết bị, vật tư, các phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất cho sinh viên thực tập. Trong khi đó, các thí sinh thường chọn kinh tế, xã hội vì dễ dàng trong thời gian đào tạo, học nhàn hơn, ra trường tìm việc dễ hơn, phù hợp hơn. Đặc biệt là được làm việc trong các thành phố lớn. Khối các trường kỹ thuật học vất vả, làm vất vả nên tăng học phí cũng khó khăn.
Cho các trường ĐH tự chủ cũng giống như việc cho con cái tách ra ở riêng. Nếu không có kinh tế thì sẽ rất khó khăn. Bình thường hàng năm các trường đều có đầu tư, bây giờ cắt nguồn đó, thu học phí cao thì không có sinh viên, thu thấp lại không đủ chi? Đương nhiên các trường phải lo. Tự chủ đúng là có nhiều vấn đề nhưng điều quan tâm nhất là tài chính. Có thực mới vực được đạo.
Được biết, Phó Thủ tướng cũng đã “hé” cho các trường một hướng mới. ĐH Thủy lợi sẽ cùng các trường trong khối kỹ thuật như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Hàng hải, ĐH Xây dựng, ĐH Công nghệ giao thông vận tải… sẽ xem xét đưa ra lộ trình. Việc tự chủ sẽ thực hiện cùng thời điểm đối với các trường trong cùng khối. Vì các trường có đặc thù khá giống nhau. Những trường như trường y, ngoại thương hầu hết là con em các gia đình có điều kiện. Còn các trường kỹ thuật hầu hết là con em vùng nông thôn, vùng khó. Do đó, các trường kỹ thuật đang thống nhất quan điểm.