Tu dưỡng hệ giá trị bản thân để có nhân cách toàn vẹn
Các nhà giáo dục tâm huyết khả kính thường đề xuất ba việc quan trọng cho thế hệ trẻ có nhân cách toàn vẹn bao gồm: Tu thân – Xử thế - Dưỡng sinh.
Tu thân là sự tu dưỡng bản thân sao cho phần thiện trong con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần ác mất dần đi (lời dạy của Bác Hồ). Xử thế là biết tùy theo vị thế xã hội của mình mà có cách ứng xử theo phương châm sống đẹp đạt tới 3 điều: Sống khôn ngoan – Sống tử tế - Sống hẳn hoi (ý tưởng của GS Hoàng Ngọc Hiến).
Xử thế hiệu quả là biến được đối thủ thành đối tác, đưa đối tác thành đồng minh, đưa đồng minh thành đồng chí, đưa đồng chí thành tâm giao. Người xử thế khoan dung không lấy oán báo oán, cũng không chỉ lấy ân báo oán mà ứng xử thành tâm thẳng thắn trong quan hệ, lấy hòa khí nuôi hòa khí, tìm ra sự đồng thuận, nhân hòa. Ngày nay việc xử thế đúng đắn là tạo cho hai bên cùng có lợi, cùng “thắng” trong công việc (win/win). Điều này từng được Nguyễn Du nói trong Kiều “Mà trong lẽ phải có người có ta”. Dưỡng sinh không chỉ là không sát sinh mà biết giữ vệ sinh cho bản thân và tích cực nuôi dưỡng sự sống trong lành cho môi trường tự nhiên và sinh thái bền vững cho cộng đồng.
Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện có một chỉ dẫn khá sâu sắc về “Tu thân – Xử thế - Dưỡng sinh” là nhân cách con người được hình thành từ ba nhân tố “Sinh (tạng) – Tâm – Xã (Xã hội – phận). Lọt khỏi lòng mẹ con người bắt đầu “Cảm”. Sự phát triển nhân cách được hiện thực qua 2 kênh: Cảm giác và cảm xúc.
Cảm giác → Tri giác → Tri thức, tạo nên IQ (Thông minh trí tuệ, thông minh bộ óc).
Cảm xúc → Tình cảm → Tình nghĩa, tạo nên EQ (Thông minh xúc cảm, thông minh trái tim).
Sự hội tụ của hai kênh này (IQ&EQ) tạo nên hành vi, hành động của mỗi con người. Ai đó IQ (+) mà EQ (-) sẽ có hành động nguy hiểm. Tuy nhiên, ai đó IQ (-) còn EQ (+) thì hành động tích cực cũng không duy trì phát triển bền vững. Mỗi người có nhân cách từ A0 → A1 →An và phải phấn đấu sao cho A1>A0 và An>An -1. Muốn vậy, con người phải suy nghĩ hành động sao cho giá trị bản thân có động thái hài hòa trên cả 3 mặt Tu thân – Xử thế - Dưỡng sinh.
Con người tu thân và xử thế tốt song không có hành động dưỡng sinh tích cực thì nhân cách không trọn vẹn. Tuy nhiên con người tu thân và dưỡng sinh tốt mà xử thế vụng hoặc dưỡng sinh và xử thế khéo mà tu thân tồi thì nhân cách chưa xứng đáng.
Tấm gương sáng của Bác Hồ trên cả ba mặt Tu thân – Xử thế - Dưỡng sinh
Người dạy và Người đã sống: “Dục thành đại sự nghiệp, tinh thần cảnh yếu đại” (Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần cần phải cao) 1944.
Người nhắc nhở: “Xử thế nguyên lai phi dị dị, nhi kim xử thế cánh nan nan” (Xử thế từ xưa không phải dễ, mà nay xử thế khó khăn hơn) 1944.
Suốt cuộc đời với bất cứ ai, Người cũng xử thế “Đi thức tỉnh tâm hồn, thức tỉnh cái thiện” để người đó sống có ích, làm việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội.
Ảnh tư liệu
Người dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” (1965). Người chỉ đạo sát sao công cuộc giải phóng đất nước, song còn tích cực đối với công việc bảo vệ sự trong lành của môi trường. Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa thế giới (UNESCO) tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc – Nhà văn hóa lớn của thời đại. Gần 9 thập kỷ trước (1923), chiến sĩ cách mạng Xô Viết Manđenstam đã gọi Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa tương lai.
Ông Hanes D’orville – Phó Tổng giám đốc UNESCO trong lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người (2010) tổ chức tại Paris đã phát biểu: “Hồ Chí Minh trở thành người thầy dạy ta cách sống trong thế giới toàn cầu hóa… Vị cha già dân tộc Việt Nam còn là người thầy của văn hóa hòa bình, văn hóa khoan dung…”.