Gần gũi mà cấp thiết
Nói đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhiều người thường nghĩ đến những điều khô cứng. Tuy nhiên, công tác này bao trùm nhiều lĩnh vực, liên quan mật thiết đến công tác chuyên môn và cả hoạt động phong trào. Nhìn lại những việc mà ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai để giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh mới có thể cảm nhận rõ nét về vai trò quan trọng và ý nghĩa thực tế của công tác này.
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công an Thành phố và các ban ngành, các lực lượng xã hội giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc TP theo QĐ 522/QĐ-UBND ngày 25/1/2017.
Sinh hoạt chủ đề văn minh thanh lịch của học sinh trường THPT Sơn Tây
Hà Nội đã tổ chức tốt các cuộc vận động trong toàn ngành như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; cuộc vận động Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch. Tổ chức gặp mặt những cán bộ giáo viên có chồng, học sinh có cha đang công tác trên quần đảo Trường Sa ngay từ đầu các năm học. Năm học 2014 – 2015 tặng quà cho 88 em học sinh và 14 cô giáo; năm học 2015 – 2016 tặng quà cho 77 em học sinh và 14 cô giáo; năm học 2016 – 2017 tặng quà cho 66 em học sinh và 12 cô giáo. Các trường học của Thủ đô cũng nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chào cờ, các hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục.
Ông Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Các trường học đã triển khai thường xuyên công tác Đoàn - Đội, Công đoàn, nắm bắt tình hình công tác phát triển đoàn viên, đảng viên trong các nhà trường; phối hợp rà soát, cập nhật giáo trình dạy kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông và triển khai chương trình đưa nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian... vào trường học. Hàng năm Sở GD&ĐT tổ chức cho học sinh tìm hiểu về ”Luật phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội"…; thi tìm hiểu kiến thức trong GV, HS về pháp luật đảm bảo trật tự ATGT, tuyên truyền biển đảo, thi viết câu chuyện tình huống pháp luật…
Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ giảng viên chính trị, giáo viên giáo dục công dân, tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm. Sử dụng hiệu quả và tổ chức thi giáo viên dạy giỏi bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh từ tiểu học đến THPT.
Đặc biệt, để công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh đạt hiệu quả, Ngành GD&ĐT Hà Nội còn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể trong công tác quản lý học sinh; đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất và chăm sóc sức khỏe; tư vấn cho học sinh, phụ huynh các vấn đề về tâm lý lứa tuổi.
Tồn tại và giải pháp
Nhìn nhận một cách khách quan thì phần lớn giáo viên, học sinh Hà Nội có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có truyền thống thanh lịch văn minh, hiểu và thực hiện tốt các chuẩn mực, các hành vi đạo đức trong cuộc sống và giao tiếp ứng xử, biết yêu thương, giàu lòng nhân ái. Tuy vậy, trên một cây khỏe mạnh đôi khi vẫn xuất hiện những con sâu nhỏ, đó là những hình ảnh chưa đẹp của một vài học sinh. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một số đơn vị trường học còn chưa làm tốt công tác quản lý; cha mẹ thiếu sự quản lý, buông lỏng hoặc chiều chuộng con quá mức, chưa làm gương cho con cái, chưa phối hợp tốt với nhà trường trong công tác giáo dục học sinh và bản thân học sinh chưa có ý thức giáo dục mình.
Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, để làm tốt hơn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch chỉ đạo công tác Giáo dục pháp luật, đạo đức, nếp sống cho HS; thực hiện Chỉ thị 11 của UBND Thành phố về việc tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, nếp sống cho HS, ngành GD&ĐT Thủ đô; tiếp tục triển khai hiệu quả Bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống văn minh - thanh lịch” cho HS các cấp.
Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng thực hiện nghiêm túc giảng dạy chính khoá cũng như hoạt động ngoại khoá về pháp luật, đạo đức cho HS. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định "Tuần Công dân" đầu năm học cho học sinh. Trong chính khoá, thực hiện giảng dạy nghiêm túc các bài giảng chuyên đề về pháp luật ở các cấp học theo chương trình của Bộ GD&ĐT; giảng dạy lồng ghép giáo dục pháp luật, đạo đức qua các môn học khác, đồng thời phổ biến và hướng dẫn các tiêu chí “Học sinh thanh lịch” để học sinh làm theo. Phối hợp thực hiện các chuyên đề Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho HS không chỉ trên tài liệu, sách vở, các cuộc thi mà còn ở ngay cả những giờ chơi, hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Sở GD&ĐT và Công an Thành phố tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp 505/QCPH/SGD&ĐT-CATP về việc đảm bảo trật tự, an toàn trường học. Từ đó triển khai nhiều hoạt động như: Giáo dục ATGT - theo dõi tình trạng HS vi phạm Luật giao thông đường bộ; giáo dục an ninh mạng - theo dõi HS vi phạm trong việc sử dụng điện thoại di động và các công tác an ninh, an toàn khác trong các nhà trường.
Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các nhà trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh thống nhất các biện pháp quản lý và giám sát học sinh. Nội dung phối hợp thông qua các buổi họp CMHS, Ban đại diện CMHS, các phương tiện thông tin đại chúng đầu – cuối giờ học, qua các chuyên đề; đặc biệt là qua hệ thống sổ liên lạc (nhất là sổ liên lạc điện tử).
Box : Trong tháng 9 vừa qua, tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT năm 2017 với tên gọi "Luật gia tương lai". Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong tổ chức và tham gia cuộc thi này. Năm 2016, chỉ có 3 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp tổ chức. Năm nay, cuộc thi được triển khai tại 21 tỉnh, thành phố.
Cuộc thi nhằm đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; bổ sung nguồn tài liệu tham khảo, hỗ trợ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh; cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.
Cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp: cấp trường và cấp Thành phố với hình thức thi trực tuyến online. Thí sinh trả lời các câu hỏi trực tiếp trên máy tính theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ. Thí sinh đạt giải sẽ được cấp Giấy chứng nhận và giải thưởng theo quy định. Theo kế hoạch, cuộc thi cấp trường sẽ kéo dài đến ngày 12/11, vòng thi cấp Thành phố kết thúc vào 30/11/2017.