Để động viên, khuyến khích những việc làm tốt, từ năm 1959 Bác Hồ đã có ý định tặng huy hiệu của Bác cho các cá nhân có thành tích. Đối tượng được thưởng huy hiệu rất rộng. Đó là các em nhỏ thật thà, dũng cảm, yêu thương bạn; công nhân, trí thức có sáng kiến; nông dân sản xuất giỏi, chiến sĩ chiến đấu diệt nhiều giặc, bắn rơi nhiều máy bay, dân quân bắn cháy tầu chiến, các cụ già trồng được nhiều cây… Có thể hiểu là từ những người làm được việc lớn tới những việc làm tuy nhỏ nhưng ích nước, lợi nhà đều được nhận huy hiệu của Bác. Các nơi nhận được huy hiệu của Bác gửi về đã tổ chức trao tặng, làm cho mọi người trong tập thể đó noi gương để phấn đấu.
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Bắc - Ảnh tư liệu
Theo lời kể của ông Trần Văn Vượng (cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1958 đến 1969), ngoài việc tặng huy hiệu, Bác Hồ còn có một loại giải thưởng tặng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Đó là cuốn “Giải thưởng Bác Hồ”. Đây chính là sáng kiến của Bác. Ngành Giáo dục bắt đầu thực hiện từ năm 1959. Bác nói đó là hình thức thưởng thiết thực nhất. Các cháu vừa có phần thưởng, vừa có giấy để viết.
Cuốn “Giải thưởng Bác Hồ” lúc đầu chỉ là sổ giấy trắng không kẻ dòng, Bác xem và góp ý: Sổ phải có dòng kẻ để các cháu dễ viết. In tên trường, lớp, họ tên để các cháu được thưởng khỏi nhầm sổ của nhau. Người còn dặn in thêm vào trang đầu 5 điều Bác dạy thiếu nhi, thư Bác Hồ gửi giáo viên, học sinh nhân ngày khai trường (năm 1945) để các cháu mở sổ là thấy ngay những điều Bác dặn dò. Sau đó tình hình xã hội phức tạp, có những hiện tượng tiêu cực, Bác nói in thêm câu “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đến những năm tháng đánh Mỹ ở cả hai miền, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, Bác lại đề nghị in thêm vào sổ câu “Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.
Khi có sổ “giải thưởng” rồi, Bác Hồ đề nghị ngành giáo dục định tiêu chuẩn để Bác thưởng. Ngành giáo dục đề ra tiêu chuẩn rất cao, phải học giỏi, các môn phải đạt điểm 10, đạo đức tốt mới thưởng. Tiêu chuẩn này đối với các em học sinh vùng dân tộc thì hơi khó, Bác nói nên hạ bớt tiêu chuẩn để các em học sinh vùng dân tộc cũng có thể cố gắng đạt được. Có thể có điểm 9 vẫn được tặng sổ “Giải thưởng Bác Hồ”.
Từ năm 1962 - 1963, thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, ngành Giáo dục vinh dự hàng năm lựa chọn một số giáo viên giỏi và học trò tiêu biểu cho phong trào thi đua “Hai tốt” để Bác tặng giải thưởng. Đến hết năm học 1967-1968, ngành Giáo dục đã nhận được 6.210 giải thưởng của Bác Hồ, trao tặng cho 423 giáo viên giỏi và 5.787 học sinh giỏi. Sau ngày Bác mất, sổ “Giải thưởng Bác Hồ” vẫn phát huy tác dụng, đồng thời được in thêm vào đó lời Di chúc của Bác.
Sáng kiến đề xuất việc khen thưởng, nhân rộng phong trào Người tốt, việc tốt của Bác Hồ đã góp phần không nhỏ vào phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh kỳ diệu giúp nhân dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ và xây dựng đất nước.