Trước hết dự thảo báo cáo chính trị có đánh giá về thành tựu của Giáo dục Việt Nam trong những năm qua với các nhận định như: “Đạt được những thành quả nhất định”, “Hệ thống giáo dục đào tạo các cấp từ cơ sở đến đại học, dạy nghề được tổ chức lại một bước, quan tâm đầu tư cho giáo dục (bằng 20%)…”, “Chất lượng giáo dục đào tạo có tiến bộ”, những nhận định này liệu có phản ánh đúng thành tựu giáo dục Việt Nam trong những năm qua? Những nhận định này có thỏa đáng, công bằng với những cố gắng của Đảng, Chính phủ, những người làm giáo dục và của mỗi người dân đã góp của, góp công sức cho giáo dục không? Chúng ta hãy xem báo cáo của chuyên gia Ngân hàng thế giới về phát triển kỹ năng, chuẩn bị lực lượng lao động cho một nền kinh tế hiện đại ở Việt Nam năm 2013, trong đó có nhận định:
“Giáo dục đã đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện thành công về phát triển của Việt Nam trong hai mươi năm qua. Việc mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục cơ bản đã góp phần tạo nên uy tín của Việt Nam về một lực lượng lao động trẻ và được giáo dục tốt. Một khảo sát được thực hiện gần đây với sinh viên ở một số quốc gia cho thấy phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam đều có kỹ năng đọc, viết và tính toán hay còn gọi là các kỹ năng nhận thức cơ bản, và tỷ lệ này cao hơn nhiều nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam”.
Như vậy chúng ta phải tự hào vì giáo dục đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Giáo dục Việt Nam đã đóng góp lớn cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây bằng việc “mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục cơ bản”, nên đã tạo ra một lực lượng lao động trẻ và được giáo dục tốt. “Giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã tạo “uy tín của Việt Nam” trước các nhà đầu tư nước ngoài, vì giáo dục Việt Nam đã làm tốt “kỹ năng nhận thức cơ bản và tỷ lệ này còn cao hơn nhiều nước khác, kể cả những nước giàu hơn Việt Nam”.
Còn phần hạn chế của giáo dục đào tạo Việt Nam trong những năm qua, bản dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội XII của Đảng cũng mới chỉ nêu đúng các vấn đề như “Chất lượng giáo dục”, “Giáo dục đạo đức lối sống”, “Phương pháp giáo dục, thi cử, kiểm tra đánh giá”, vấn đề đội ngũ, cơ chế chính sách… và “Đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa có hiệu quả”. Những hạn chế này của giáo dục là có thật. Nhưng liệu đã đúng và trúng các vấn đề giáo dục cần xem xét lại để chuẩn bị cho phần nêu lên định hướng phát triển. Vấn đề cần đặt ra là: Vì sao chúng ta đầu tư cho giáo dục là không nhỏ (20% GDP) nhưng lại chưa có hiệu quả?
Phân tích dưới góc nhìn của khoa học tư duy, chúng ta chưa chỉ ra được Việt Nam đã vào WTO, mong muốn các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng giáo dục Việt Nam lại vẫn chỉ đạo theo hướng tập trung thời kỳ bao cấp, thả nổi để những mặt trái kinh tế thị trường tác động. Chính vì vậy, cần nhận thức rõ việc để giáo dục đào tạo Việt Nam phát triển trong quy luật tích cực của kinh tế thị trường là một nhu cầu cấp bách hiện nay. Nghĩa là sản phẩm đào tạo của giáo dục phải có giá trị sử dụng cao; chất lượng giáo dục của ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Giáo dục đào tạo phải đáp ứng nhu cầu thật, ngày càng cao của xã hội chứ không phải giáo dục chỉ đưa ra những cái mình có từ thế kỷ 20. Muốn đáp ứng được yêu cầu này, bản dự thảo phải ghi rõ hạn chế của giáo dục đào tạo trong thời gian qua là đã không để giáo dục đào tạo phát triển đúng theo quy luật tích cực của kinh tế thị trường, không tạo cho giáo dục đào tạo một cơ chế phát triển hợp lý, đó là vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về kết quả đào tạo của các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học và dạy nghề. Chỉ có các cơ sở giáo dục mới tạo ra chất lượng giáo dục thật. Các cơ sở giáo dục đào tạo cũng phải được tự chủ như các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, trong phần phương hướng nhiệm vụ, bản dự thảo đã đề cập đến giải pháp quan trọng này: “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”.
Chúng tôi đánh giá cao phần dự thảo này của Đại hội Đảng lần thứ XII. Đây là cứu cánh để giáo dục Việt Nam phát triển, mà thực chất nhiều cấp chỉ đạo không muốn thực hiện. Ngay cả giáo dục đại học đã có Luật Giáo dục đại học phải trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng nhưng 3 năm nay vẫn dừng lại ở thí điểm. Do đó Nghị quyết cần ghi rõ các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục đào tạo, các địa phương phải triển khai cấp bách và triệt để nội dung này của dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Với khoa học tư duy chúng ta tập trung phân tích vấn đề cốt lõi giáo dục Việt Nam phải được phát triển trên nền tảng quy luật tích cực của cơ chế thị trường, nghĩa là cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, dạy nghề đều phải được áp dụng cơ chế quản lý “Dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ trách nhiệm xã hội và coi trọng quản lý chất lượng”.
Trên cơ sở khoa học giáo dục, chúng tôi thấy toàn bộ dự thảo phần tình hình chưa làm rõ, chất lượng giáo dục chưa được như chúng ta mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội có một phần hết sức quan trọng là vai trò của người học, của giáo dục gia đình chưa được đề cập đến. Vì có thầy giỏi đến mấy, cơ sở vật chất tốt đến đâu nhưng người học không biết cách tự học, không có động lực, mục tiêu học rõ ràng sẽ hạn chế rất nhiều đến kết quả đào tạo. Chúng ta không nhìn nhận đúng và đề cao vai trò tự chủ, tự giác của người học mà lúc nào cũng đổ lỗi cho nhà trường, cho thầy cô là chúng ta đã làm hư thế hệ trẻ. Vì vậy, dự thảo cần nêu rõ vai trò “tự chịu trách nhiệm, vai trò tự chủ” của người học.
Bên cạnh vai trò tự chủ của người học, giáo dục gia đình cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Chúng tôi mong muốn bản dự thảo phải đề cập thỏa đáng về hạn chế của giáo dục đào tạo trong thời gian qua, nhất là về giáo dục nhân cách, chúng ta đã để vai trò giáo dục gia đình bị thả nổi, không có hiệu quả. Các nghiên cứu khoa học giáo dục ở nhiều nước trên thế giới nhiều năm qua đều coi trọng giáo dục gia đình. Ở Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, gia đình chịu nhiều tác động, bị phân hóa, không làm nổi vai trò giáo dục gia đình. Chúng ta mới có dự án của nhà nước về “xóa đói giảm nghèo” cho các gia đình, chưa có dự án nào về “Phát triển giáo dục gia đình trong nền kinh tế thị trường”. Thế hệ trẻ Việt Nam cả thành thị, nông thôn đang bị áp lực của nhiều tệ nạn xã hội. Mái ấm các gia đình không còn là pháo đài tin cậy chống đỡ cho thế hệ trẻ. Chúng tôi mong muốn dự thảo cần phân tích rõ nguyên nhân hạn chế của giáo dục đào tạo thời gian qua là do giáo dục gia đình bị phá vỡ, không đáp ứng đúng vai trò chủ thể vốn có của nó trong sự tác động hình thành phát triển nhân cách thế hệ trẻ.
Dưới góc độ khoa học giáo dục, chúng tôi thấy bản dự thảo đặt mục tiêu “đến năm 2030 giáo dục đào tạo Việt Nam đạt đến trình độ tiên tiến khu vực” - mục tiêu đặt cho giáo dục Việt Nam không thể lạc hậu hơn với các nước trong khu vực là thỏa đáng. Nhưng mục tiêu về đào tạo con người Việt Nam đến những năm 2030, Ban dự thảo nên cân nhắc thêm việc đặt mục tiêu giáo dục đào tạo phải tập trung vì “phát triển phẩm chất năng lực người học là phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” liệu đã đủ chưa. Chúng tôi cho đây là một định hướng khả thi, khá cụ thể để giáo dục đào tạo căn cứ vào đó xây dựng chương trình, đổi mới phương pháp, đổi mới đánh giá nhưng sau đó bản dự thảo lại nêu đến vấn đề “yêu nước, yêu gia đình” và trở thành “người sống tốt và làm việc hiệu quả”. Dự thảo nêu như vậy còn chung chung, khó đánh giá. Xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến, người ta nêu những năng lực, phẩm chất cụ thể để có thể đo được “đầu ra” của học sinh, sinh viên. Vì thế chúng tôi kiến nghị, thay những câu từ chung chung này bằng một phác thảo cụ thể hơn là: giáo dục Việt Nam phải đào tạo những con người có các giá trị nhân văn mang bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam và các giá trị tiến bộ của các dân tộc khác trên thế giới; phải biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm và có hoài bão ước mơ, khởi nghiệp tích cực cống hiến cho tổ quốc, cho gia đình, cho xã hội…
Về giải pháp thực hiện mục tiêu, chúng tôi hoàn toàn tán thành với bản dự thảo đã đặt vấn đề “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hệ thống giáo dục mở, học suốt đời”, “xây dựng xã hội học tập”, chúng tôi chỉ xin bổ sung thêm giải pháp nêu cao vai trò chủ động, tích cực của người học và nhà nước phải có chương trình để phát triển giáo dục gia đình như một giải pháp căn bản, quan trọng mà lâu nay chúng ta chỉ kêu gọi.
Song trong hệ thống giáo dục quốc dân chúng tôi thấy cần tập trung chỉ đạo để phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học được quan tâm thỏa đáng để đảm bảo hệ thống giáo dục cơ bản của giáo dục Việt Nam phát triển vững chắc theo khuyến cáo của ông Christian Bodewig - chuyên gia giáo dục của Ngân hàng thế giới: Việt Nam đã làm tốt giáo dục trẻ mầm non từ 5 tuổi còn trẻ em từ 0 – 3 tuổi chưa được chú ý, nhất là vấn đề dinh dưỡng. Một phần tư trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam bị còi cọc; những trẻ bị còi cọc sẽ bị thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa trong suốt cuộc đời.
Với cấp tiểu học, THCS, Ngân hàng thế giới cũng khuyến cáo, chúng ta phải nhanh chóng đưa giáo dục cả ngày cho cả 2 cấp và cả vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng nền giáo dục này để đảm bảo xây dựng nhân cách người lao động có đủ kỹ năng “biết giải quyết vấn đề có tư duy phản biện, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt hơn”.
Về giải pháp phát triển giáo dục đào tạo, chúng tôi tán thành bản dự thảo đã chú ý 3 mặt giải quyết đồng bộ là: chú ý xây dựng cơ chế dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở; chú ý phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; Song song với việc “nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt khoa học giáo dục và khoa học quản lý”. Nhưng về phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của ngành giáo dục, dự thảo mới chỉ nêu vấn đề chuẩn hóa trình độ đào tạo theo từng cấp học là chưa thỏa đáng, chưa thật sự tháo gỡ khó khăn cho giáo dục hiện nay. Chúng tôi đề nghị dự thảo cần tập trung giải quyết đồng bộ 3 khâu của cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên của các cấp học. Đó là: Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tất cả các cấp học theo đúng yêu cầu đổi mới giáo dục của từng cấp, đảm bảo họ có đủ năng lực để thực hiện đổi mới, nhất là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học không được hạ thấp chuẩn đào tạo bồi dưỡng; Các cơ sở giáo dục đào tạo phải sử dụng hết khả năng sáng tạo của những giáo viên giỏi tâm huyết với nghề và mạnh dạn tuyển chọn, không để giáo viên không đủ năng lực phẩm chất thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29/NQ – TW, phải cho số cán bộ giáo viên không đạt chuẩn chuyển ngành; Phải đãi ngộ thỏa đáng để giáo viên yên tâm sống bằng nghề của mình. Đây là vấn đề cốt lõi để tạo động lực giáo viên yên tâm với nghề.
Trên đây mới chỉ là những giải pháp để “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực” còn về “bồi dưỡng nhân tài” mà trước hết phải đổi mới phương thức tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh ở các trường chuyên của các tỉnh hiện nay. Các trường chuyên phải thật sự là nơi ươm mầm tài năng của mỗi địa phương, của đất nước, không chỉ là nơi phục vụ nhiệm vụ trước mắt cho việc tuyển chọn học sinh đi thi quốc gia, quốc tế, nơi 100% học sinh đỗ đại học. Đây là những mục tiêu cần thiết và phải làm của các trường chuyên hiện nay. Nhưng chỉ dừng lại ở các kết quả đó là quá lãng phí so với việc nhà nước tập trung đầu tư cho các trường chuyên. Dự thảo cần sớm có định hướng đổi mới các trường chuyên để phục vụ mục tiêu cao cả là đào tạo “nhân tài” cho đất nước.
Đóng góp ý kiến vào bản dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII, chúng tôi mong muốn Đại hội sẽ phát huy trí tuệ, đưa ra những quyết sách để tháo gỡ cho giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để chúng ta nhanh chóng đưa giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục tiên tiến trong khu vực. Vì vậy nên mạnh dạn, quyết tâm giải quyết nhanh chóng 3 khâu đột phá cho giáo dục đào tạo hiện nay là:
- Xây dựng cơ chế dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục đào tạo từ mầm non đến đại học, dạy nghề.
- Đào tạo bồi dưỡng, sử dụng tuyển chọn và đãi ngộ thỏa đáng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thu hút được người tài làm giáo dục.
- Nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt khoa học giáo dục và khoa học quản lý.