Hội thi cấp Thành phố có 386 sản phẩm dự thi được lựa chọn từ hơn 25 nghìn sản phẩm từ cấp trường, cấp quận, huyện, thị xã và các cụm trường trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội. Trong đó, cấp mầm non có 92 sản phẩm, tiểu học có 92 sản phẩm, THCS có 91 sản phẩm, THPT có 88 sản phẩm, khối các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp có 4 sản phẩm, khối các trung tâm GDTX có 9 sản phẩm, các trường Trung học chuyên nghiệp có 10 sản phẩm dự thi. Đây đều là những sản phẩm đã được áp dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy tại các nhà trường.
Đại biểu thăm quan các sản phẩm sáng tạo của giáo viên Thủ đô
Hội thi thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm là hoạt động truyền thống của ngành GD&ĐT Hà Nội nhằm đẩy mạnh hoạt động tự làm thiết bị dạy học để bổ sung thêm các thiết bị dạy học tự làm có chất lượng và hiệu quả sử dụng, phục vụ kịp thời, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị trường học. Phát huy tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh trong hoạt động nghiên cứu và tự làm thiết bị dạy học, phục vụ thiết thực cho hoạt động đổi mới dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời tạo điều kiện cho các thầy cô trao đổi kinh nghiệm trong việc thiết kế thiết bị, đồ dùng dạy học.
Giáo viên thăm quan và trao đổi kinh nghiệm làm đồ dùng dạy học
Điểm mới của hội thi năm nay là với chủ trương thiết thực, hiệu quả cao, Sở GD&ĐT Hà Nội không tổ chức triển lãm mà hướng vào chất lượng thiết thực của từng sản phẩm. Việc chấm thi các sản phẩm được thực hiện theo phương pháp giấu tên để đảm bảo khách quan, công bằng.
Học sinh thích thú khi xem đồ dùng dạy học do giáo viên làm ra
Theo đánh giá của Ban tổ chức, so với các hội thi năm trước, các sản phẩm của hội thi năm nay phong phú, đa dạng hơn. Tất cả đều có nội dung giáo dục phù hợp, có thể khai thác sử dụng ở nhiều hoạt động, đảm bảo tính khoa học và thẩm mỹ cao. Nhiều sản phẩm dự thi được thiết kế từ các chất liệu giá thành rẻ, dễ kiếm nhưng vẫn đẹp, an toàn và hiệu quả trong thực tiễn giảng dạy.
Nhiều sản phẩm hỗ trợ dạy học tích hợp liên môn
Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Ban chấm phách, Ban chấm thi các sản phẩm sáng tạo của giáo viên và học sinh Thủ đô. Kết quả có 40 sản phẩm đoạt giải Nhất (trong đó có 10 sản phẩm cấp mầm non, 9 sản phẩm cấp THCS, 9 sản phẩm cấp THPT. Các ngành học GDTX, GDKTTH-HNDN và các trường TCCN mỗi ngành có 1 sản phẩm). Ban tổ chức cũng chọn ra 82 sản phẩm đoạt giải Nhì, 127 sản phẩm đoạt giải Ba và 108 sản phẩm đoạt giải Khuyến khích. Ngành GD&ĐT Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 17 đơn vị có thành tích cao tại hội thi năm nay.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ trao thưởng cho các tác giả và nhóm tác giả có sản phẩm đoạt giải Nhất
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Hội thi đã được tổ chức khoa học, chặt chẽ có nhiều điểm mới. Việc chấm thi đảm bảo tính công bằng khách quan. Công tác tổ chức diễn ra gọn nhẹ nhưng giáo viên vẫn được tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Nhận thức của các cán bộ quản lý, giáo viên về việc làm đồ dùng dạy học đã được nâng lên. Điều này được thể hiện qua con số 25 nghìn sản phẩm dự thi từ cấp cơ sở. Từng đồ dùng dạy học đều thể hiện tâm huyết và sáng tạo của các nhà giáo.
Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Thái trao Giấy khen cho các tác giả có sản phẩm đoạt giải Nhất
Giám đốc Sở nhấn mạnh: Hiện nay Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ đồ dùng dạy học tối thiểu ở các nhà trường nhưng danh mục này chỉ là tối thiểu và chúng ta cần có thêm nhiều đồ dùng để công tác dạy và học đạt hiệu quả. Vì vậy thời gian tới, các nhà trường cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của thiết bị dạy học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, biến việc sử dụng đồ dùng dạy học trở thành nhu cầu của mỗi nhà giáo. Coi việc làm đồ dùng dạy học là việc thường xuyên hàng năm. Hàng năm tổ chức hội thi cấp trường, 2 năm tổ chức hội thi cấp quận, huyện, thị xã và 3 năm một lần, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức hội thi cấp Thành phố. Các hội thi cần được tổ chức gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả. Nhân rộng các mô hình, sản phẩm sáng tạo và hiệu quả, đồng thời quan tâm bồi dưỡng năng lực làm đồ dùng dạy học và sử dụng các đồ dùng trong công tác giảng dạy.