* Xin ông cho biết đôi nét về việc tổ chức giải Bơi cho học
sinh Thành phố Hà Nội?
- Trong những năm qua,
ngành GD&ĐT Hà Nội đã quan tâm đẩy mạnh phong trào “rèn luyện thân thể theo
gương Bác Hồ vĩ đại”. Thực hiện nhiệm vụ năm học về công tác ngoại khóa và công
tác HSSV, Sở đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các giải
thi đấu thể thao cho học sinh phổ thông với 16 môn thi nhằm duy trì và đẩy mạnh
phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao của học sinh, qua đó đánh giá
công tác giáo dục thể chất của các nhà trường cũng như phát hiện những tài năng
thể thao để định hướng và tạo nguồn vận động viên cho Thủ đô. Trong đó môn Bơi
luôn được chú trọng bởi kỹ năng bơi rất cần thiết cho học sinh trong việc rèn
kỹ năng sống và phòng chống tai nạn đuối nước đang được toàn xã hội quan tâm.
Giải Bơi học sinh Thành phố năm học 2014 – 2015 được tổ chức
ở bể bơi trong nhà của Thành Đoàn Hà Nội tại số 3 Tăng Bạt Hổ từ ngày 30/3 đến
hết ngày 31/3/2015 theo các lứa tuổi 10 – 11; 12 – 13; 14 – 15;16 – 18 và các
nội dung nâng cao ở các lứa tuổi. Giải Bơi năm nay đã có gần 500 học sinh của
18 quận, huyện và 20 trường THPT đăng ký dự thi, so với năm trước tăng gần 100
học sinh. Đây là tín hiệu tốt về sự quan tâm và phát triển của phong trào rèn
luyện thể thao của học sinh Thủ đô nói chung và môn Bơi nói riêng.
* Điều lệ của giải thi Bơi được xây dựng và triển khai như
thế nào, thưa ông? Vì sao vẫn có phụ huynh nói là chưa nắm rõ được Điều lệ?
Tuy chỉ là một giải phong trào, nhưng quan điểm chỉ đạo được
xác định rõ là cần phải đảm bảo tính nghiêm túc, trung thực, khách quan và công
bằng cho học sinh tham dự giải, nên Ban tổ chức coi việc xây dựng và triển khai
Điều lệ thi đấu là rất quan trọng. Điều lệ thi đấu các môn thể thao học sinh
phổ thông năm học 2014 - 2015 đã được ban hành sau khi có sự thống nhất của các
nhà chuyên môn rất cụ thể, rõ ràng và đầy đủ từ tháng 11/2014. Với giải Bơi
này, Điều lệ thi đấu được Sở VH,TT&DL xây dựng và gửi về BTC, sau đó Sở
GD&ĐT Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp của các chuyên viên phụ trách công tác
giáo dục thể chất của các đơn vị dự thi. Sau khi tổng hợp các ý kiến, thường
trực BTC xây dựng Điều lệ chính thức trình lãnh đạo hai Sở ký. Sau đó, Điều lệ
được ban hành và gửi về tất cả các phòng giáo dục, trường THPT và TT GDTX từ
đầu tháng 11/2014.
Việc triển khai Điều
lệ về từng trường TH, THCS, THPT, TT GDTX là do cán bộ của đơn vị (trường) đó
được cử làm Huấn luyện viên đảm nhiệm. Việc phụ huynh học sinh không nhận được
Điều lệ và thông báo về giải Bơi là do cách tổ chức, quản lý của các đơn vị dự
thi (xét về góc độ chuyên môn thì HLV là người phải chịu trách nhiệm huấn luyện
kĩ thuật chuyên môn, chiến thuật, cũng như phổ biến luật, Điều lệ cho VĐV...).
* Như vậy, việc phổ biến Điều lệ cuộc thi và tuyển chọn vận
động viên sẽ diễn ra từ cấp trường phải không, thưa ông?
- Ngày 11/11/2014, Sở ban hành Điều lệ thi đấu,
có gửi kèm lịch đăng ký vận động viên, lịch họp chuyên môn, lịch thi, địa điểm
thi, mẫu danh sách đăng ký vận động viên của từng môn và mẫu phiếu thi đấu của
vận động viên. Căn cứ vào Điều lệ, lịch thi, các đơn vị thi đấu lựa chọn VĐV,
đăng ký danh sách, nộp các giấy tờ liên quan đến cá nhân VĐV có xác nhận của
trường, cán bộ phụ trách giáo dục thể chất của đơn vị và đóng dấu của lãnh đạo
đơn vị gửi về BTC (đối với các trường Tiểu học và THCS sẽ gửi danh sách về
phòng GD&ĐT quận, huyện; phòng GD&ĐT sẽ lựa chọn những VĐV có thành
tích xuất sắc nhất để gửi danh sách về BTC đăng ký dự thi cấp thành phố).
BTC kiểm tra các dữ liệu thông tin của VĐV (bản
đăng kí, Giấy khai sinh, phiếu thi đấu, ảnh có đóng dấu giáp lai của trường)
tất cả trùng khớp, BTC đóng dấu xác nhận đủ điều kiện tham dự thi. VĐV phải
trình phiếu thi đấu hợp lệ cho BTC (trọng tài) mới được vào thi đấu. Những
trường hợp không trình được phiếu thi đấu đã có xác nhận đủ điều kiện dự thi
của BTC (do mất hay thất lạc) sẽ không được dự thi.
Ảnh
minh họa
* Trong Giải thi vừa qua, có VĐV về nhất ở một đợt bơi nhưng
không được vào vòng chung kết, xin ông giải thích rõ hơn về trường hợp này?
- Trong một nội dung
thi có nhiều VĐV đăng ký dự thi. Bể bơi không đủ đường bơi cho tất cả các VĐV
bơi cùng một đợt nên phải phân chia ra làm nhiều đợt bơi.
Về nhất của đợt này chưa hẳn đã hơn thành tích về nhì, ba
của đợt khác vì có thể cả đợt bơi đó không có VĐV xuất sắc nào. Tại cuộc thi
vừa qua, Ban tổ chức đã cho Trưởng đoàn có vận động viên về nhất một đợt bơi mà
không được vào vòng chung kết xem lại thành tích của các đợt và đã dựa vào cả
ba phương pháp xác định: trọng tài bấm giờ, trọng tài xác định thứ tự về đích,
máy quay video để thấy kết quả chính xác và khách quan. Thực tế qua thi đấu và
kiểm tra, về nhất ở một đợt bơi vẫn không thể vào thi đấu chung kết nếu thành
tích đó kém hơn các VĐV dù không về nhất ở các đợt bơi khác.
Ngay trong thời gian diễn ra giải thi đấu, Ban tổ chức đã
cho đối chứng kết quả và giải thích thỏa đáng cho các Trưởng đoàn, HLV có những
những ý kiến thắc mắc, khiếu nại về chuyên môn theo quy định của Điều lệ và đã
có kết quả chính xác.
* Vậy cách xác định thành tích Bơi lội của vận động viên
trong cuộc thi được qui định thế nào, thưa ông?
- Để có thành tích chính xác trong các buổi thi đấu ở các
nội dung của các lứa tuổi, Ban tổ chức giải đã dùng 3 phương pháp để xác định thành tích cuối cùng của VĐV, bao gồm: trọng
tài bấm giờ, trọng tài xác định thứ tự về đích và máy quay video ghi hình của
tất cả các đợt bơi. Các bộ phận chuyên môn tổng hợp kết quả để đưa ra thành
tích cuối cùng. Kết quả này hiện đang được lưu giữ tại BTC.
Để có được được thành tích tốt nhất cho học sinh tham dự
thi, vấn đề cần quan tâm đó là: Các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học và
các huấn luyện viên cần hết sức chú trọng việc phổ biến đầy đủ quy chế, Điều lệ
thi đấu cũng như kỹ, chiến thuật, rèn luyện thể lực cho học sinh dự thi và phối
hợp chặt chẽ với phụ huynh tạo tâm lý thoải mái về tư tưởng, sẵn sàng tâm thế
cho các VĐV tham gia dự thi.
* Xin cảm ơn ông!