Tạo thói quen tốt cho trẻ trong việc đội mũ bảo hiểm
Bài toán nan giải…
Ngày 09/3/2015, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch 113/KH-BGDĐT tăng cường thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh năm 2015 và đặt ra mục tiêu đến ngày 10/4/2015 có 100% học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện tham gia giao thông; các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo duy trì và tiếp tục cải thiện tình trạng đội mũ bảo hiểm trong học sinh một cách bền vững.
Kế hoạch trên của Bộ đã mang lại những kết quả đáng mừng. Theo nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á, ngay sau đợt cao điểm tháng 4/2015, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (tăng từ 36% vào tháng 3/2014 lên tới 68% vào tháng 4/2015).
Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho thấy, năm 2015, việc triển khai Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em đã góp phần tích cực trong việc làm giảm tai nạn giao thông liên quan tới đối tượng là trẻ em. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT liên quan đến trẻ em (từ 6-11 tuổi) giảm 39,4% về số vụ, giảm 37,5% số người chết và đã giảm 31,25% số người bị thương.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, trong giai đoạn đầu của Kế hoạch khi triển khai đợt cao điểm nhắc nhở, xử lý vi phạm thì học sinh nghiêm túc đội mũ bảo hiểm nhưng đến giai đoạn sau tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em lại giảm xuống. Thêm vào đó, xét về tỷ lệ trẻ em không đội mũ bảo hiểm có thể giảm, nhưng tính ra số lượng thì đây là con số không nhỏ. Chỉ riêng trong năm 2015 lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành nhắc nhở đối với 31.754 trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, lập biên bản xử phạt 11.857 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 1,052 tỷ đồng, tạm giữ 319 xe môtô, xe máy điện.
… từ những lý do đơn giản
Có thể nói, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm được áp dụng tại nước ta không còn mới. Từ năm 2008, Khoản 2 Điều 30 Luật giao thông đường bộ đã quy định rõ: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Sau hơn 8 năm thực hiện, việc đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen tốt của mọi người, của mỗi công dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người không chấp hành pháp luật, thờ ơ với tính mạng của bản thân mỗi khi ra đường, vô tâm khi để con lái xe máy, ngồi trên xe gắn máy mà thiếu mũ bảo hiểm. Chính sự thiếu ý thức này đã khiến cho bộ mặt giao thông thêm nhốn nháo, nhiều em đã phải bỏ dở giấc mơ của mình vì tai nạn giao thông.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, chỉ cần 10% học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nghĩa là có hơn 1 vạn trẻ em không chấp hành đúng pháp luật. Thực tế, học sinh tiểu học biết nghe lời phụ huynh và cô giáo nên chấp hành tốt, với tỷ lệ trên 90% đội mũ bảo hiểm. Nhưng ở cấp THCS, THPT, tỷ lệ này đã giảm hẳn.
Tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có nhiều nguyên nhân và được đề cập trong rất nhiều hội nghị về An toàn giao thông. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ người lớn. Thứ nhất, chính bản thân họ không đội mũ bảo hiểm, tạo ra một tấm gương mờ, hình ảnh không đẹp trong mắt con cái, dẫn đến các cháu học theo. Thêm vào đó, có không ít trường hợp cả đám đông tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm vì lý do vô lý như đi rước dâu, chữa bệnh, đi lễ… Thứ hai, họ không thường xuyên nhắc nhở con mình phải đội mũ bảo hiểm mỗi khi ra đường. Không giúp trẻ biến việc đội mũ thành hành động thường xuyên, thành thói quen hàng ngày. Thứ ba, các bậc CMHS mua mũ bảo hiểm rởm cho con, đội theo hình thức, trốn tránh công an. Điều này khiến học sinh coi thường việc đội mũ bảo hiểm và không hiểu được ý nghĩa lớn nhất của việc đội mũ bảo hiểm là bảo vệ bản thân chứ không phải để đối phó với công an. Thứ tư, khi các trường học đều ra quân tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm thì vẫn có không ít CMHS thiếu hợp tác, phản ứng khi con bị kỷ luật vì lỗi không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, nhiều bậc CMHS sẵn sàng giao xe máy cho con điều khiển khi các cháu chưa đủ tuổi. Hành động này vừa vi phạm pháp luật và cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.
Về phía học sinh, có nhiều lý giải cho việc các em không đội mũ bảo hiểm. Nhiều trường hợp là quên mũ do không được cha mẹ nhắc nhở thường xuyên. Nhưng cũng có không ít học sinh, đặc biệt là cấp THCS, THPT không đội mũ bảo hiểm vì muốn mình khác biệt. Nhiều em khác sợ đội mũ bảo hiểm bị hỏng kiểu tóc, kém xinh… Các em chưa nhận thức được rằng, có nhiều cách để thể hiện “cái tôi” của bản thân và cách thể hiện sai lầm, đáng chê trách là vi phạm pháp luật và mạo hiểm tính mạng của bản thân mình. Không chỉ có học sinh Việt Nam mới phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông mà quy định đội mũ bảo hiểm khi di chuyển bằng xe máy còn được áp dụng tại nhiều bang của Mỹ và tại các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia…
Nhà trường, gia đình cùng vào cuộc
100% học sinh khi ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn, cài quai đúng quy cách là mục tiêu không dễ thực hiện, đặc biệt là đối với những học sinh có cá tính mạnh, cố ý vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường phải có giải pháp mạnh tay để uốn nắn các em. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp của CMHS thì tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khó có thể chấm dứt.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đặc biệt coi trọng công tác giáo dục luật ATGT trong các nhà trường, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến học sinh và CMHS. Đặc biệt, giữa tháng 3 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội phát động phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong ngành GD&ĐT giai đoạn 2016 – 2020 nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị trường học về công tác giáo dục ATGT trên địa bàn thành phố, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đảm bảo trật tự ATGT, nâng cao ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên, CMHS và HS, sinh viên trong việc tuân thủ pháp luật về ATGT.
Kế hoạch đưa ra chỉ tiêu tất cả các trường phổ thông, trung tâm GDTX tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện; thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện. Tất cả các trường tiểu học, THCS tổ chức cho CMHS ký cam kết với nhà trường trong việc thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Để “sốc” lại ý thức đội mũ bảo hiểm, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, từ tháng 4 sẽ bắt đầu triển khai đợt cao điểm kiểm tra, tuyên truyền trong một tuần và duy trì xử phạt vi phạm.
Box: Ngày 15/3 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 955/BGDĐT-CTHSSV về việc tổ chức cho HSSV ký cam kết thực hiện quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ. Bộ khẳng định: Hiện nay, tình hình vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đang diễn ra rất phức tạp, điển hình là các hành vi tham gia giao thông bằng xe máy điện chưa đăng ký. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an toàn kỹ thuật phương tiện, gây nguy hiểm cho người sử dụng và người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.
Bộ đã đề nghị các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng và trung cấp tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật; không đi xe máy điện, mô tô điện chưa đăng ký và gắn biển số.