Theo
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, Trưởng đoàn HS Hà Nội dự kỳ
thi này thì trong số 41 nước tham dự, khoảng gần 1/4 số nước có HS đoạt
HCV, một nửa trong số này có từ 2 tấm HCV trở lên. Thành tích của đội
tuyển HS Việt Nam khẳng định chất lượng giáo dục nước nhà không thua kém
so với bạn bè quốc tế, bằng chứng là đội tuyển HS Hà Nội nằm trong nhóm
các nước có thứ hạng cao.
Olympic các môn khoa học trẻ quốc tế
là kỳ thi dành cho HS lứa tuổi 15, được tổ chức bởi một hội đồng gồm các
nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Đây là năm thứ 11 IJSO được tổ
chức nhằm khuyến khích HS tìm hiểu, khám phá và bước đầu làm quen với
việc nghiên cứu khoa học từ khi còn nhỏ. Kỳ thi cũng là cơ hội để HS phổ
thông các nước trên toàn thế giới chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong
học tập, nghiên cứu, đồng thời thể hiện khả năng sáng tạo, niềm đam mê
với các môn khoa học tự nhiên. Đây là năm thứ 5 liên tục Sở GD-ĐT Hà Nội
được Bộ GD-ĐT ủy quyền, giao trọng trách lựa chọn, thành lập và bồi
dưỡng đội tuyển HS đại diện cho HS Việt Nam tham dự kỳ thi.
Trải
qua các kỳ IJSO, kết quả của đội tuyển HS tham dự ngày càng có chiều
hướng tiến bộ. Ngay lần đầu tiên dự thi, năm 2003, cả 4/4 thành viên đội
tuyển đều đoạt HCĐ. Những năm tiếp sau, năm nào đội tuyển cũng có HS
đoạt giải nhưng phải đến kỳ IJSO lần thứ 10 - năm 2013, lần đầu tiên đội
tuyển Hà Nội có 1 HCV. Tại kỳ IJSO năm nay, số HCV đã tăng gấp đôi,
khẳng định bước chuyển vững chắc về chất lượng giáo dục.
Hai
HS đoạt HCV: Đặng Mai Anh Quân (lớp 10 - toán 1), Đinh Anh Dũng (lớp 10
- lý 1); hai HS đoạt HCB: Nguyễn Đức Quang (lớp 10 - lý 1), Nguyễn Bằng
Thanh Lâm (lớp 10 - hóa 1); một HS đoạt HCĐ: Nguyễn Minh Chính (lớp 10 -
lý 1). Tất cả đều là HS Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. |
Để
thành lập đội tuyển chính thức tham dự kỳ thi này, Hà Nội đã tổ chức
hai vòng thi với sự tham gia của hơn 200 HS giỏi của các trường THPT
trên địa bàn thành phố. Từ 100 HS tiêu biểu được vào vòng 2, BTC chọn ra
6 HS xuất sắc nhất. Những HS này không chỉ giỏi về kiến thức các môn
khoa học tự nhiên, mà còn thành thạo tiếng Anh. Đây là yêu cầu bắt buộc,
không chỉ để các em có thể làm bài tốt tại kỳ thi, mà còn là công cụ
không thể thiếu trong giao tiếp cũng như trong nghiên cứu khoa học. Việc
bồi dưỡng đội tuyển được tiến hành trong thời gian dài hơn - 7 tuần so
với 5 tuần ở năm ngoái. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho
rằng, kết quả đáng khích lệ của đội tuyển khẳng định sự chuyển động tích
cực trong công tác dạy - học ở các nhà trường, theo hướng chú trọng đến
việc tổng hợp, vận dụng kiến thức liên môn - yêu cầu không thể thiếu
trong xu thế dạy học hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tế và chỉ đạo đổi
mới phương pháp dạy học của Bộ GD-ĐT. Đây cũng là thành quả từ sự nỗ lực
của các thầy, cô giáo và HS trong việc tiếp cận với cách dạy, cách học
mới, đó là không chỉ cần kiến thức, kỹ năng của một môn học, mà là biết
tổng hợp kiến thức của tất cả các môn, đặc biệt là việc rèn kỹ năng vận
dụng kiến thức vào thực tiễn. Kết quả của đoàn Hà Nội tại IJSO lần thứ
11 không chỉ là bước đệm cho chặng đường tiến tới thành tích cao hơn ở
các kỳ thi quốc tế những năm tiếp theo, mà còn để lại kinh nghiệm quý
trong việc tổ chức dạy - học theo hướng vận dụng kiến thức liên môn ở
các trường phổ thông hiện nay.
(Báo Hà Nội mới)
Đoàn học sinh
Hà Nội gồm 6 em đang tham dự kỳ thi Olympic các môn khoa học trẻ quốc tế
(IJSO) lần thứ 11 tại thành phố Mendoza (Argentina) năm 2014 đã đạt
thành tích rực rỡ với 5 huy chương, gồm 2 huy chương vàng, 2 huy chương
bạc và 1 huy chương đồng. Cả 5 em đều là học sinh trường THPT chuyên Hà
Nội - Amsterdam. Trong đó: 2 huy chương vàng thuộc về học sinh Mai Ðặng
Quân Anh (lớp 10 toán 1) và Ðinh Anh Dũng (lớp 10 lý 1); 2 huy chương
bạc thuộc về học sinh Nguyễn Ðức Quang (lớp 10 lý 1) và Nguyễn Bằng
Thanh Lâm (lớp 10 hóa 1); huy chương đồng thuộc về học sinh Nguyễn Minh
Chính (lớp 10 Lý 1). Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào
tạo Hà Nội, trưởng đoàn Việt Nam, cho biết tại kỳ thi năm nay chỉ có
khoảng 10 nước có huy chương vàng và 5 nước đoạt từ 2 huy chương vàng
trở lên. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam trong các lần tham dự
cuộc thi quan trọng này sau 7 năm tham gia giải.
Olympic khoa học
trẻ quốc tế là một kì thi dành cho các học sinh lứa tuổi 15. Mục đích
của cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trong việc đam mê tìm hiểu, khám
phá và bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học tự nhiên từ khi còn
nhỏ. Các học sinh tham dự kì thi phải trải qua ba phần thi bao gồm: Bài
thi tự luận, bài thi lý thuyết, bài thi thực hành. Mỗi bài thi đều chứa
các câu hỏi thuộc về 3 lĩnh vực chính: vật lí, hóa học và sinh học. Sở
GD-ĐT Hà Nội được Bộ GD-ĐT ủy quyền, giao trách nhiệm tổ chức chọn lựa,
thành lập đội đại diện cho Việt Nam tham dự.