Ngày vui ghi dấu tuổi học trò
9 tháng dùi mài kinh sử, tiếp cận với chân trời tri thức rộng mở được nối dài từ ngày khai giảng- ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Và câu chuyện về ngày khai giảng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khiến những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục hết sức phấn khởi và cũng không khỏi băn khoăn, trăn trở làm sao thực hiện được tốt chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Ngày khai trường lâu nay có thực sự là ngày vui của trẻ khi mà bệnh hình thức có lúc, có nơi đã vô hình tước đi mất niềm vui của con trẻ, thay vào đó là sự nặng nề, không cảm xúc?… Đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tổ chức một ngày khai giảng chung, “làm thực sự vì học sinh” đã nói lên được nguyện vọng bấy lâu của các em học sinh và phụ huynh về một Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường mang đúng ý nghĩa, mục đích… Làm sao để có một ngày khai giảng đồng loạt trên cả nước. Khai giảng làm đúng nghi lễ chào cờ, nếu được thì cả nước cùng một thời khắc, cùng hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn là hết phần lễ. Đến phần sau là ngày hội cho học sinh với các thầy cô giáo. Làm sao để ngày khai giảng bớt đi phần lễ nghi diễu hành với những vất vả tập dượt của tất cả học trò, bất kể dù trời nắng hay mưa… Ngày vui có còn là ngày vui, ghi dấu ấn tuổi học trò khi các em phải đứng, ngồi hàng giờ dưới trời nắng, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt ỉu xìu, nghe phát biểu, dặn dò mà không hiểu hết ý nghĩa của nó.
Và tất cả những băn khoăn đã được “hóa giải” khi Bộ GD&ĐT kịp thời ban hành công văn chỉ đạo việc tổ chức khai giảng năm học 2015-2016 diễn ra vào 5/9, thống nhất cùng một ngày trên cả nước. Hình thức khai giảng đúng nghi lễ nhưng ngắn gọn, khoa học. Ngay sau đó, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có công văn chỉ đạo các nhà trường tổ chức lễ khai giảng với tinh thần gọn nhẹ, giảm về thời gian, lễ nghi không cần thiết. Thời gian tổ chức lễ khai giảng ở tất cả các trường của Hà Nội từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30, ngày 5/9.
Sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của ngành GD&ĐT đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội. Sự hồ hởi, tươi vui hiển hiện trong nụ cười, ánh mắt của thầy, trò và các bậc cha mẹ học sinh khi năm học mới bắt đầu.
Câu chuyện khai giảng đã tạo dựng niềm tin cho xã hội về sự đổi mới của ngành GD&ĐT, kiên quyết nói không với bệnh hình thức, với chất lượng “ảo” trong đào tạo nguồn lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong thời khắc của những ngày đầu năm học mới 2015-2016 - năm học tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chúng ta cùng hướng tới những vận hội mới, thành công mới được tiếp sức bởi những chủ trương, đường lối đúng, chính sách phù hợp, cách làm hay. Để rồi sau ngày khai giảng thực sự vui, ý nghĩa của tuổi học trò sẽ là những ngày vui đến trường, “sự học” được đổi mới cả về chất và lượng, cho chất lượng thực, hiệu quả thực và cung cấp cho xã hội những “sản phẩm” thực, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.