Cần đầu tư nhiều để có những trường nghề tốt giúp người học ra trường có thể làm việc được
“Ra đời” sớm bao nhiêu là... đủ?
PGS Văn Như Cương cho rằng cơ bản có một số đổi mới, đặc biệt là giáo dục đại học khi đề xuất giảm thời gian học đại học, cao đẳng còn từ 2-3 năm. Những thay đổi ở bậc đại học có vẻ phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Đối với cấp phổ thông từ tiểu học tới THPT cơ bản vẫn giữ nguyên số năm học. Bậc tiểu học và THCS là bậc cốt lõi giống nhau thống nhất trong toàn quốc. Riêng bậc THPT có sự phân hóa, được chia thành ba hướng “định hướng chung”, “định hướng kĩ thuật-công nghệ”, “định hướng năng khiếu”. Theo đánh giá của PGS Văn Như Cương, định hướng chung sẽ vẫn học theo kiểu hàn lâm như hiện nay. Với những học sinh muốn “ra đời” sớm thì có thêm hệ thống trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng dạy nghề (ra nghề sớm hơn so với hiện tại), đây là một chi tiết quan trọng theo đánh giá của PGS. Tuy nhiên ông băn khoăn việc chúng ta định hướng như vậy thì tỉ lệ số học sinh học phổ thông ra nghề sớm bao nhiêu là phù hợp? Ngay trong việc định ra bậc THPT đi theo ba hướng thì hướng “hàn lâm”, hướng “kĩ thuật công nghệ” hướng “năng khiếu” cũng cần quy định cụ thể tỉ lệ.
Bởi lẽ, bài học trước đó khi chúng ta phân ban, có ban A, ban B, ban C vì không phải tất cả học sinh vào học hết ban khoa học kĩ thuật mà cần có thêm ban khoa học xã hội và nhân văn. Hiện các trường không còn khái niệm phân ban, chỉ còn khối A, khối B, C (phân loại để thi vào đại học). Theo PGS Văn Như Cương, hiện nay chúng ta đang bỏ rơi, không chú trọng vào đào tạo nghề. Ngay cả ba hướng được vạch ra trong cấp THPT ở khung cơ cấu mới cũng chưa thấy nói định hướng nên theo hướng nào nhiều hay ít. Triển khai nội dung như trong khung cơ cấu đề xuất của Bộ GD&ĐT thì nhất định học sinh chỉ hướng theo đại học. Do đó, nhất định sau THCS chúng ta phải phân luồng, một bên học tiếp lên THPT và một bên học nghề, trong học nghề học thêm văn hóa để có một trình độ cao hơn. Bởi học hết lớp 9 là xong phổ thông cốt lõi, đạt sự hiểu biết của một công dân.
“Thậm chí ngay chính cấp THPT cũng phải có phân loại để điều tiết tỉ lệ học sinh theo hướng nghiên cứu ít đi. Thực ra chúng ta đang thiếu những người học xong có thể ra ứng dụng làm việc được ngay” PGS Văn Như Cương chia sẻ.
Còn lúng túng phân luồng?
Ở góc độ khác, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng trong cơ cấu hệ thống vấn đề được đặt ra nhiều nhất từ trước đến nay là phân luồng. Phân luồng thế nào để tạo ra nguồn nhân lực cho tốt. Thực tế chúng ta đã đặt ra vấn đề phân luồng mấy chục năm qua, nhưng không thực hiện được.
Hiện tại luồng vào đại học vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó luồng giáo dục nghề nghiệp đáng lẽ cần nhiều thì lại thiếu, cuối cùng đại học quá tải mà nhân lực lại thấp kém.
Theo GS Thiệp tập trung giải quyết vấn đề phân luồng là đúng, nhưng khi nhìn vào khung cơ cấu mà Bộ GD&ĐT trình chính phủ vừa qua dường như hiểu chưa đúng về phân luồng. “Tại Nghị quyết số 29/NQ - TW có nói “… trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay, đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT”, câu này việc phân luồng sau THCS là một ý, định hướng nghề nghiệp ở THPT là một ý khác, tôi nghĩ hai khái niệm này khác nhau.
GS Lâm Quang Thiệp khẳng định, mục đích để phân luồng theo đúng sơ đồ mà Bộ GD&ĐT đưa ra là không thể phân luồng được, vì nếu như nói ở bậc giáo dục phổ thông được chia thành ba luồng như trên thì đó là nhầm lẫn rất lớn. Luồng chỉ có hai luồng, một bên là giáo dục phổ thông, một bên là giáo dục nghề nghiệp.
Theo GS, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng rõ nhất là cơ cấu hệ thống của chúng ta làm chưa tốt, tâm lý xã hội chưa giải quyết được, vấn đề bằng cấp… Muốn giải quyết được vấn đề này thì phải đầu tư, đầu tư nhiều cho các trường trung học nghề, để có những trường nghề thật tốt, để người học ra trường có thể làm việc được.
* Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Nếu được phê duyệt sẽ thực hiện ngay
Những nét mới trong Đề án được thể hiện cụ thể ở từng cấp học. Ở cấp THPT phân ra 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu. Đối với giáo dục nghề nghiệp, trước đây, chúng ta có 2 hệ thống trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp thì nay thống nhất là trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Đối với đào tạo trình độ bậc cao gồm: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Ở bậc đại học chia ra 3 định hướng: nghiên cứu, ứng dụng, thực hành. Thời gian đào tạo cũng có thay đổi, được đề xuất thời gian đào tạo từ 3-4 năm thay vì 4-6 năm như hiện nay. Việc đào tạo Tiến sĩ trước đây là 2-4 năm nhưng không có trường hợp nào 2 năm đã hoàn thiện nên Đề án quy định đào tạo 3-4 năm. Việc xây dựng Đề án dựa trên sự kế thừa hệ thống giáo dục hiện tại và có sự tham khảo, học hỏi kinh nghiệm ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, xu hướng phát triển giáo dục quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng Đề án cũng nhằm giúp hệ thống giáo dục của Việt Nam tương thích với hệ thống giáo dục của thế giới cũng như đảm bảo tính liên thông giữa giáo dục trong nước với các nước khác. Nếu Đề án được Chính phủ phê duyệt thì Bộ GD&ĐT sẽ cho thực hiện ngay.
* Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội: Nếu phân luồng học sinh thì không biết sẽ thực hiện một định hướng hay cả ba định hướng?...
Hiện nay, trường THPT Việt Đức vẫn đang giảng dạy theo hình thức phân ra các ban: Ban cơ bản D (gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và ban Khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa). Trong số gần 2.000 học sinh, chỉ có 1/3 số em học theo ban Khoa học tự nhiên còn lại là học ban cơ bản D. Nếu hệ thống giáo dục THPT được phân theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu thì có nghĩa là nhà trường sẽ không dạy phân ban nữa mà chuyển sang thực hiện theo các định hướng như trong Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Từ trước đến nay, trường THPT Việt Đức không phải là trường chuyên về đào tạo nghề hay năng khiếu cho học sinh. Trong Đề án lại không nêu rõ phân loại từng trường sẽ thiên về đào tạo theo hướng nào nên lãnh đạo nhà trường chưa hình dung được là trường mình sẽ đào tạo cả 3 định hướng theo như Đề án hay chỉ được đào tạo 1 định hướng. Bộ GD&ĐT cần làm rõ chức năng hoạt động của các trường THPT khi thực hiện Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để học sinh học hết bậc THCS có thể biết được khi vào cấp THPT sẽ chọn lựa đi theo luồng định hướng nào, trường nào phù hợp với sự lựa chọn của các em.