Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết: Năm 2016, chỉ tiêu Thành phố giao xây dựng 75 trường đạt CQG, trong đó, cấp học MN: 33 trường; TH: 17 trường; THCS: 20 trường, THPT: 5 trường. Kết quả thực hiện có 105 trường được kiểm tra thẩm định công nhận, trong đó: công nhận thêm 103 trường đạt 137% kế hoạch; nâng chuẩn mức độ 2 là 2 trường. Như vậy, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố là 48,2%, trong đó công lập là 57% (1.209/2.122 trường). Có 462 trường được kiểm tra thẩm định và công nhận lại.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị
Kết quả đạt được trong xây dựng trường CQG cho thấy Thành phố và các Sở, ban, ngành đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư trường lớp học thực hiện chỉ tiêu trường CQG. Trong đó, năm 2016 đã đầu tư xây dựng và bổ sung trang thiết bị cho 26 trường chất lượng của 13 huyện, thị xã, dự kiến hoàn thành đạt CQG vào năm 2017. Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phù hợp, khả thi để các đơn vị thực hiện; Tăng cường công tác rà soát, đôn đốc, giao ban để triển khai thực hiện kế hoạch… Các quận, huyện, thị xã đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác xây dựng trường CQG.
Mặc dù đã tích cực thực hiện vượt chỉ tiêu trường đạt CQG, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác này. Trong đó, năm 2016, kinh phí cho đầu tư công tiếp tục còn khó khăn; Các huyện ngoại thành kinh phí đầu tư cho việc xây dựng trường CQG còn hạn hẹp. Nhiều huyện vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, vừa phải tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đã đạt CQG; Các quận nội thành thì khó khăn về đất để mở rộng trường…
Năm 2017, Thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch cho các quận, huyện và Sở GD&ĐT Hà Nội là xây dựng 80 trường đạt CQG, trong đó MN: 29 trường, TH: 22 trường, THCS: 22 trường, THPT: 7 trường; Số trường cần thực hiện công nhận lại là 182 trường… Để đạt được chỉ tiêu này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí cho mục tiêu xây dựng trường học đạt CQG; Tiếp tục đầu tư xây thêm, kết hợp xóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp cho các huyện còn khó khăn; Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường CQG cho các huyện có tỷ lệ trường đạt CQG thấp và nguồn kinh phí khó khăn, giúp giảm chênh lệch điều kiện giáo dục giữa các quận, huyện, đó là các huyện đặc thù: Phú Xuyên, Ba Vì, Ứng Hòa, Thạch Thất và Chương Mỹ; Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mở rộng quỹ đất để xây dựng trường học cho các quận nội thành, trong đó ưu tiên các đơn vị có tỷ lệ trường CQG thấp, như quận Ba Đình… Về phía các UBND quận, huyện, thị xã cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng trường CQG; Chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn đã đạt CQG có trách nhiệm giữ vững và vượt các tiêu chuẩn của trường đạt CQG…
Về thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Nguyễn Viết Cẩn cho biết: Qua rà soát cho thấy trước thực tế tăng dân số cơ học như hiện nay, Hà Nội cần xây mới thêm 314 trường công lập, trong đó, cấp MN hiện còn thiếu 166 trường, TH thiếu 76 trường, THCS thiếu 55 trường, THPT thiếu 17 trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Văn hóa xã hội- HĐND Thành phố Trần Thế Cương đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của Sở GD&ĐT Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trong công tác xây dựng trường CQG và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học. Đồng chí nhấn mạnh: Trước tốc độ dân cư tăng chóng mặt mỗi năm thì cần rà soát bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học, có sự điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp với thực tế. Hà Nội luôn đảm bảo chất lượng xây dựng trường CQG trong thời gian qua, tạo tiếng vang trong cả nước, nhiều tỉnh, thành mong muốn được học tập cách làm của Hà Nội. Tuy nhiên, đứng trước những hạn chế, như: tỷ lệ trường đạt CQG có sự chênh lệch lớn giữa các quận, huyện, nhiều đơn vị đạt trên 70% nhưng có những đơn vị mới chỉ đạt 20-30%; Số trường đạt chuẩn mức độ 2 chưa nhiều…, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ Thành phố, ngành GD&ĐT và các quận, huyện trong việc hướng tới thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 80 trường đạt CQG trong năm 2017 và đạt tỷ lệ 65-70% trường đạt CQG vào năm 2020. Trong thời gian tới, HĐND Thành phố sẽ tiến hành giám sát quy hoạch mạng lưới trường học; tham mưu việc hỗ trợ kinh phí cho những đơn vị khó khăn…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhận định: Xây dựng trường CQG là nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường, là trách nhiệm của những người làm giáo dục. Công tác này cần được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2017, năm Kỷ cương hành chính, góp phần đem lại sự hài lòng cho cha mẹ học sinh và các em học sinh khi đến trường. Giám đốc đề nghị, trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng trường đạt CQG, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Các nhà trường cần xây dựng Đề án xây dựng trường đạt chuẩn, đảm bảo 5 rõ: rõ mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm, tiến độ, kinh phí… Quan tâm xây dựng trường chuẩn ở cấp MN, TH. Để công tác quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp trước sức ép tăng dân số cơ học rất lớn hiện nay, các địa phương cần rà soát cụ thể công tác này để báo cáo thành phố vào cuối tháng 2.