Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu đã tham gia đóng góp tích cực vào Hội nghị qua các phiên họp chia sẻ về các vấn đề: Giáo dục xuyên quốc gia, Đổi mới, Nghiên cứu, Xếp hạng đại học.Hội đồng Anh và tổ chức DAAD đã tiến hành nghiên cứu về giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education – TNE) tại 10 nước, trong đó có Việt Nam. Các nước chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của việc thu thập số liệu về giáo dục xuyên quốc gia.
Việt Nam là một trong các nước đi đầu về việc thiết lập hệ thống thu thập số liệu trực tuyến về liên kết đào tạo với nước ngoài ở Việt Nam.
Hệ thống này do Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) tự thiết kế và xây dựng từ năm 2012 và chính thức triển khai áp dụng từ năm 2014. Đến nay tất cả các cơ sở đào tạo có liên kết đào tạo với nước ngoài đã cung cấp đầy đủ thông tin vào hệ thống dữ liệu liên kết đào tạo với nước ngoài.
Trên cơ sở dữ liệu thu thập và quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Đào tạo với nước ngoài đã thường xuyên cập nhật thông tin về những chương trình liên kết được cấp phép hợp pháp trên website của Cục, giúp người học nhận biết và đăng ký theo học các chương trình liên kết hợp pháp tại Việt Nam, góp phần triệt tiêu các chương trình liên kết chui như đã xảy ra các năm trước đây.
Song song với Hội nghị Giáo dục Toàn cầu London, đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Giáo dục Vương Quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy ở phổ thông và kết quả tham gia PISA của Việt Nam.
Đoàn đại biểu Việt Nam đã chia sẻ với các trường đại học, các tổ chức của Vương quốc Anh về những ưu tiên trong giáo dục đại học Việt Nam, và những nhu cầu hợp tác qua các dự án Nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ, tiếng Anh, Giáo dục xuyên quốc gia, Đảm bảo chất lượng...
Đồng thời, đoàn đại biểu cũng đã có cơ hội học hỏi từ những thực tiễn xuất sắc của Vương quốc Anh trong lĩnh vực Quản trị trường đại học, Đảm bảo chất lượng và Phát triển nghiên cứu qua chuyến thăm các có sở đào tạo đại học tại Vương quốc Anh.