Đào tạo còn chạy theo số lượng
Đầu năm 2016, dư luận xôn xao, đưa ra đủ nghi vấn về chất lượng đào tạo tiến sĩ khi riêng một cơ sở đào tạo như Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã có chỉ tiêu lên đến 350 tiến sĩ/năm. Một số đề tài luận án tiến sĩ được bảo vệ tại đây cũng được đưa ra khiến dư luận giật mình “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Đặc điểm giao tiếp với người dân của Chủ tịch xã”…
Theo số liệu của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học&Công nghệ, Việt Nam hiện có hơn 24.000 tiến sĩ. Trong đó, số tiến sĩ làm việc trong các trường ĐH, CĐ có khoảng 15.000 người (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư). Thực tế, Bộ GD&ĐT đánh giá, đào tạo tiến sĩ tại một số cơ sở còn có biểu hiện chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng. Thậm chí có cơ sở không kiểm soát được số lượng, dẫn tới tình trạng tỉ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn ở mức cao. Có nơi còn không nắm được một người hướng dẫn đang hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh. Nhiều học phần bổ sung trong đào tạo tiến sĩ tổ chức vào ngày nghỉ, các buổi tối; việc tổ chức thảo luận định kỳ cho nghiên cứu sinh để báo cáo kết quả nghiên cứu theo tiến độ không được coi trọng.
Trước câu hỏi nóng đã được gửi đến Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: “Có một thực tế rõ ràng là chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều và có thể vàng thau lẫn lộn. Nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, như một báo cáo tổng kết... nhưng nghiên cứu sinh vẫn được cấp bằng tiến sĩ. Liệu có phải do đào tạo tiến sĩ hiện đang chạy theo số lượng và xem nhẹ chất lượng. Quan điểm của Bộ về nhận định này?”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, trong điều kiện cơ sở vật chất, đầu tư còn hạn chế, các cơ sở đào tạo tiến sĩ đã cố gắng đào tạo tiến sĩ đây là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở đào tạo chấp hành tốt quy chế, lấy chất lượng đào tạo làm đầu thì vẫn còn có nơi chạy theo số lượng, quản lý lỏng lẻo, dễ dãi trong thực hiện quy chế khiến chất lượng giảm, dư luận xã hội không đồng tình.
“Nguyên nhân chính đầu tiên thuộc về người học. Động cơ và mục tiêu không phù hợp. Đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhà nghiên cứu, phát triển, sản sinh tri thức mới chứ không phải đào tạo kỹ năng để hành nghề. Khung trình độ quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành nói rõ điều này. Thứ 2 là người hướng dẫn. Người hướng dẫn NCS không có công trình khoa học, không có đề tài, hạn chế ngoại ngữ giao tiếp, hạn chế hợp tác quốc tế... Thứ 3, là cơ sở đào tạo không chấp hành nghiêm quy chế đào tạo tiến sĩ, dễ dãi, thành lập hội đồng bảo vệ thiếu khách quan. Thứ 4, là các quy định hiện hành về mở ngành, quy trình đào tạo, quy định về kinh phí đào tạo... không còn phù hợp khiến cho cơ sở đào tạo không huy động được nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo phó tiến sĩ trong nước. 6 năm sau đào tạo tiến sĩ trong nước trong điều kiện khó khăn nhưng chất lượng tiến sĩ rất tốt, không có ai kêu ca. Thời gian qua, đào tạo tiến sĩ Việt Nam đã tiếp cận với đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế. Mặc dù, nguồn lực đầu tư hạn chế nhưng có sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, nhiều tiến sĩ đã có những bài báo quốc tế nâng chất lượng đạt chuẩn lên. Tuy nhiên, có một số tiến sĩ có luận án bảo vệ rồi nhưng khi kiểm tra lại chất lượng thì không đạt do cơ sở quản lý lỏng lẻo, quy mô hiện nay đào tạo tiến sĩ quá nhiều. GS Đức đề nghị cần có quy định sàng lọc chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó trách nhiệm của người hướng dẫn rất quan trọng phải có trình độ chuẩn quốc tế”.
Điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ
Để xốc lại những tồn tại trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, quy chế đào tạo tiến sĩ sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế, phải nâng cao yêu cầu đầu vào đối với NCS, chỉ tuyển những người đăng ký làm NCS có mục tiêu học tập, động cơ học tập rõ ràng, có trình độ khoa học, ngoại ngữ nhất định. Tập thể hướng dẫn phải có yêu cầu cao về chuyên môn, kinh nghiệm nghiên cứu. Yêu cầu cơ sở đào tạo phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để đào tạo NCS. Về phía nhà nước cũng phải điều chỉnh chi phí đào tạo bởi chi phí hiện nay quá thấp, không đủ để đào tạo NCS có chất lượng.
Còn GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho rằng, tiến sĩ Việt Nam đào tạo ở nước ngoài rất nhiều. Tiến sĩ là dường cột khoa học của mỗi đất nước. Tiến sĩ cao thì trình độ GS, PGS chất lượng theo. Tuy nhiên, trước hết Bộ GD&ĐT cần phải đưa ra được định nghĩa đầy đủ về khái niệm tiến sĩ. Trên thế giới, các nước đều có định nghĩa rất rõ ràng về tiến sĩ. GS Nhung đề nghị cần có những tiêu chuẩn cụ thể về tiến sĩ. Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI. Riêng khoa học xã hội và nhân văn không bắt buộc có các công bố quốc tế ngay, nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch và phải có 1 bài báo quốc tế. GS Nhung cho rằng, nên bám chặt vào tiêu chí đào tạo tiến sĩ ở khu vực và thế giới. Ít tiến sĩ cũng được nhưng phải chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Các tiến sĩ khi bảo vệ luận án phải có nghiên cứu và bằng phát minh mới.
PGS.TS Vũ Lan Anh cho rằng, đào tạo tiến sĩ chất lượng bao gồm nhiều yếu tố, điều đầu tiên là chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo, đánh giá kết quả đầu ra. Mục tiêu đào tạo tiến sĩ quan trọng nhất là học tiến sĩ làm gì? Tiến sĩ phải nghiên cứu, phát minh khoa học đóng góp cho đất nước. PGS Vũ Lan Anh mong muốn trong tương lai Bộ GD&ĐT nên bổ sung điều kiện đầu vào của NCS phải có nghiên cứu là bài báo hay hội thảo khoa học thì mới nhận vào NCS.
Và muốn nghiên cứu sinh có chất lượng thì người hướng dẫn phải có chất lượng. Vì người hướng dẫn phải đi trước mới có thể thẩm định được đề tài, hỗ trợ nghiên cứu sinh có định hướng nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu sinh tham gia các công trình nghiên cứu, các hội thảo quốc tế ....
*GS.TSKH Trần Văn Nhung: Phải nâng chi phí đào tạo NCS
Không có phần mềm nào thay thế được con người trong phát hiện “đạo văn”. Bởi, một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án có khi không nguy hiểm bằng trường hợp dù không sao chép hoàn toàn văn bản, nhưng lại ăn cắp ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình. Ngoài ra, chi phí đào tạo NCS cũng phải nâng lên, hiện nay một NCS chi phí mỗi năm chỉ có 15 triệu đồng/ năm thì quá ít, cần có mức đầu tư nhất định. Cần đầu tư tập trung vào số lượng nghiên cứu sinh chất lượng chứ không dàn trải đầu tư.
*GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Mấu chốt của vấn đề là “trọng dụng”
Để nâng cao trình độ tiến sĩ thì NCS phải thực hiện trợ giảng, tham gia bộ môn giảng dạy; gắn đào tạo tiến sĩ với phòng thí nghiệm; nâng cao chất lượng trao quyền tự chủ hơn cho cán bộ hướng dẫn; đơn giản hóa thủ tục hành chính; Công bố tối thiểu 2 bài báo quốc tế. Để xã hội không hoài nghi về chất lượng đào tạo tiến sĩ, mấu chốt của vấn đề là trọng dụng. Tiến sĩ thực chất có đầy đủ phẩm chất thì được tuyển dụng. Phải trọng dụng đúng người, người có tài năng thì xã hội sẽ tin tưởng về chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Uyên Na
Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Tiến sĩ phải có công bố quốc tế?
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ để lấy ý kiến đóng góp của xã hội. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã bắt tay vào điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành. Cấu trúc của quy chế mới sẽ ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nhưng với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn.
Theo bà Phụng, khác với quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào. Ngoại ngữ được xem là công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu vì vậy trước khi bắt đầu làm luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu. Mặt khác qui chế mới cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế. Ngoài ra để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
Quy chế mới quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh. Đó còn phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo. Trường hợp người hướng dẫn độc lập là tiến sĩ nhưng chưa có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư thì phải có minh chứng có đủ công trình khoa học đạt chuẩn phó giáo sư trở lên theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
Bà Phụng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam trong đó yêu cầu trình độ, năng lực mà người tốt nghiệp mỗi cấp đào tạo cần đạt được. Khung trình độ này tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN. Tiến sĩ là bậc cao nhất (bậc 8/8). Để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.
Về thời gian đào tạo, dự thảo quy định thời gian tối thiểu để hoàn thành luận án là 3 năm (thay vì 2 năm như trước đây), phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Nghiên cứu sinh sẽ được đào tạo là tập trung toàn thời gian và cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm quản lý nghiên cứu sinh trong toàn bộ thời gian này. H.Anh