Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
Tham dự hội thảo còn có đại diện đơn vị của Bộ, tổ chức quốc tế, các trường sư phạm và cán bộ quản lý, giáo viên MN của 34 địa phương đại diện cho 7 vùng sinh thái..
Chương trình GDMN được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận về chương trình GD hiện đại, tiếp thu những ưu điểm, tiến bộ của chương trình chăm sóc - GD trẻ MN hiện hành ở Việt Nam; đồng thời tiếp cận với chương trình GDMN tiên tiến của các nước với mục tiêu chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho trẻ vào lớp.
Chương trình được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành từ năm 2009. Sau 6 năm thực hiện, Bộ tiến hành điều tra đồng thời tổ chức hội thảo để đánh giá một cách tổng thể, khách quan, trên cơ sở đó đề xuất hướng điều chỉnh chương trình cho phù hợp với sự phát triển của trẻ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển GDMN trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Chương trình GDMN mới được triển khai ở 100% trường MN trong cả nước. Việc chăm sóc, GD trẻ theo chương trình GDMN hiện hành đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ. Điều này được thể hiện ở sự tự tin, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khả năng hiểu biết, các kỹ năng, tình cảm xã hội của trẻ.
Theo đánh giá của các địa phương, có 86,4-91,3% trẻ độ tuổi nhà trẻ và gần 95,1% trẻ mẫu giáo được đánh giá là đạt mục tiêu của các lĩnh vực phát triển. Các kết quả trên bước đầu cho thấy chương trình GDMN có tác động tốt đến sự phát triển của trẻ và phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ.
Tuy nhiên, để chương trình khoa học, hệ thống và thiết thực hơn nữa, sau một chặng đường thực hiện, Bộ đã tiến hành khảo sát tại các địa phương đại diện cho 7 vùng, lắng nghe ý kiến của giáo viên đứng lớp, cán bộ quản lý cũng như phụ huynh; đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia. Kết quả, Bộ đã thu nhận được 112 ý kiến đóng góp.
Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho biết: Có 68 ý kiến không đưa vào điều chỉnh. 39 ý kiến cần xem xét, cân nhắc điều chỉnh và 5 ý kiến cần tiếp tục thảo luận lấy ý kiến. Những ý kiến này tiếp tục đưa ra tại hội thảo để bàn luận, trao đổi và đi đến thống nhất.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới và chuẩn hóa nội dung GDMN, chú trọng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với GD phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách của trẻ MN trong giai đoạn tới, các đại biểu cần tập trung vào việc đánh giá ưu, nhược điểm của chương trình GDMN, hướng dẫn thực hiện chương trình, qua đó đề xuất, bổ sung và chỉnh sửa để chương trình ngày một hoàn thiện hơn.
Theo đó, tất cả đề xuất, góp ý hay chỉnh sửa đều hướng đến mục tiêu giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành những yếu tố đầu tiên của kỹ năng và nhân cách, chuẩn bị tâm thế vào lớp 1.
Bên cạnh đó, chương trình cũng phải đảm bảo tính khoa học, vừa sức với trẻ, hệ thống, đồng tâm phát triển tư dễ đến khó, đảm bảo sự liên thông giữa các độ tuổi, giữa các cấp học, giữa nội dung học với cuộc sống hiện thực và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hòa nhật vào cuộc sống...
Theo Báo GD&ĐT
|