Nghị quyết số 29- NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông nhằm “tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời…”. Một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu đã được đưa ra trong Nghị quyết là đổi mới về đánh giá giáo dục: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội”.
Thực hiện chủ trương này, Bộ GD&ĐT đã chọn đổi mới đánh giá kết quả giáo dục là bước đột phá trong thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Việc chuyển từ đánh giá kiến thức, kĩ năng và thái độ của học sinh sang đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực đòi hỏi cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh các trường phổ thông phải được cập nhật các thông tin về mục tiêu, nội dung, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và các hình thức tổ chức đánh giá.
Một số vấn đề trong đổi mới đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông
Đánh giá kết quả giáo dục học sinh phổ thông là quá trình thu thập, phân tích và xử lí thông tin một cách có hệ thống về sự phát triển của học sinh so với mục tiêu giáo dục được qui định trong chương trình giáo dục phổ thông để đưa ra những nhận xét, kết luận, khuyến nghị nhằm phát huy hay thay đổi, điều chỉnh phương pháp tổ chức, thực hiện giáo dục, dạy và học, giúp học sinh cải thiện, nâng cao thành tích.
Phẩm chất và năng lực của học sinh được hình thành và phát triển do vận dụng những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm học được cùng động cơ, tình cảm… của bản thân để giải quyết các vấn đề ở bối cảnh cụ thể trong hoạt động học tập, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục của học sinh đầu tiên là thay đổi từ đánh giá những gì học sinh được học sang đánh giá những gì học sinh học được và thực hiện trong thực tế đời sống hàng ngày.
Khi thực hiện một việc trong đời sống thì học sinh không chỉ sử dụng những gì được học trong sách vở mà là tất cả những gì học được cả trong nhà trường, tại gia đình và ngoài xã hội. Để phát triển phẩm chất và năng lực thì những việc hàng ngày này cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần với những bối cảnh, tình huống khác nhau. Nghĩa là, phẩm chất và năng lực của học sinh không thể hình thành và phát triển tức thời mà cần có quá trình thông qua các hoạt động/hành động thực tế hàng ngày. Do đó, đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh cũng cần được thực hiện thông qua các hoạt động trong thực tế hàng ngày của học sinh và được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Nói cách khác, để đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh phổ thông thì cần đánh giá ở các môi trường khác nhau (trong nhà trường, tại gia đình và ngoài xã hội) và phối hợp đánh giá của nhiều đối tượng (giáo viên, học sinh với đánh giá của phụ huynh và cộng đồng).
Với mục tiêu đánh giá vì việc học tập của học sinh (assessment for learning) và đánh giá là học tập (assessment as learning) thì trong đánh giá kết quả giáo dục sẽ tập trung nhiểu hơn vào việc giúp học sinh thấy được những mặt mạnh để phát huy và thấy được những hạn chế cũng như nguyên nhân để có cách khắc phục, cải thiện thành tích. Để thực hiện mục tiêu này thì quan trọng nhất là mọi tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá phải được công khai trước khi học sinh tham gia vào giai đoạn giáo dục cụ thể. Giáo viên, học sinh và những người quan tâm đều biết rõ sau khi tham gia quá trình giáo dục, học tập, học sinh sẽ biết, hiểu và làm được những gì. Khi các tiêu chuẩn và tiêu chí đã được công khai thì tất cả mọi người đều có thể đánh giá được học sinh và đặc biệt học sinh có thể tự đánh giá mình đã đạt được đến mức độ nào và cần làm gì để cải thiện thành tích giáo dục, học tập của bản thân. Tuyệt đối tránh kiểu đánh giá được thực hiện theo kiểu đánh đố học sinh cả về mục tiêu, nội dung, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và thời điểm thực hiện…
Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục thể hiện rõ nhất ở việc không so sánh giữa các học sinh. Điều này cần được thực hiện vì trong thực tế hầu như không một người nào sinh ra lại có sự phát triển hoàn hảo. Mỗi học sinh đều là cá nhân có những mặt mạnh và mặt hạn chế nhất định. Giúp học sinh xác định được những năng lực vượt trội tiềm ẩn để phát huy, định hướng nghề nghiệp trong tương lai và những năng lực cần phấn đấu để đảm bảo đạt mức độ theo qui định của chương trình giáo dục phổ thông là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục. Để thực hiện điều này thì cần phải có những phương pháp, kĩ thuật và công cụ đánh giá và tạo điều kiện để học sinh có thể thể hiện năng lực trong các hoạt động đa dạng.
Muốn có kết quả về năng lực của học sinh có tính khách quan, có giá trị thì việc đánh giá phải được thực hiện nhiều lần, trong suốt quá trình giáo dục với các bối cảnh khác nhau. Một bài kiểm tra hoặc thi dù được thiết kế tốt đến đâu cũng không thể đánh giá một cách chính xác năng lực của học sinh. Kiểm tra và thi thường là hoạt động định kì nhằm xem xét khả năng hiểu, tổng hợp kiến thức, kĩ năng, thái độ của học sinh sau một nội dung, chủ đề hay giai đoạn tham gia giáo dục, học tập. Thi và kiểm tra chỉ có thể đánh giá chủ yếu được kiến thức và một số kĩ năng (nói, viết, giao tiếp, sử dụng công nghệ thông tin…) của học sinh chứ chưa phải việc vận dụng chúng vào hoạt động của đời sống thực. Nghĩa là chưa thể đánh giá được năng lực của học sinh. Vì vậy, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông cần phải kết hợp cả đánh giá định kì (thi, kiểm tra) và đánh giá thường xuyên, trong đó lấy đánh giá thường xuyên làm chính.
Học sinh học và thể hiện hành động ở mọi lúc, mọi nơi, vì vậy đánh giá kết quả giáo dục cần có sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có đánh giá của giáo viên, đánh giá của phụ huynh, của cộng đồng và đặc biệt là đánh giá của chính học sinh (học sinh đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá). Cùng một vấn đề nhưng được nhìn nhận từ các góc độ, khía cạnh khác nhau sẽ nâng cao được tính khách quan và độ giá trị của đánh giá. Những phán xét, kết luận vội vàng, chưa đủ thông tin sẽ có tác động tiêu cực và theo học sinh trong tương lai vì vậy khi đánh giá kết quả giáo dục cần đặc biệt chú trọng điều này.
Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục thể hiện rõ nhất ở việc không so sánh giữa các học sinh
Yếu tố ít được quan tâm trong đánh giá kết quả giáo dục là động cơ, tình cảm của học sinh khi thể hiện trong những bối cảnh xã hội cụ thể. Đánh giá kết quả giáo dục truyền thống thường chỉ quan tâm tới những biểu hiện cụ thể và hành vi mà chưa chú trọng tới động cơ và tình cảm, tâm lí của học sinh. Rõ ràng bất cứ cá nhân nào trong xã hội cũng sẽ có những biểu hiện, hành vi không đồng nhất trong những bối cảnh, thời gian và với những đối tượng khác nhau. Tìm hiểu kĩ những nguyên nhân của hành động/hành vi ứng xử của học sinh trong bối cảnh thực tế sẽ cho thấy bản chất của phẩm chất và năng lực của học sinh.
Do đó, để đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của học sinh thì cần phải phối hợp sử dụng những phương pháp, kĩ thuật, công cụ phù hợp và có chú ý đến bối cảnh, động cơ, tình cảm, tâm lí của các em.
Tác động của đổi mới đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông đến quá trình giáo dục
Đánh giá kết quả giáo dục của học sinh là khâu đột phá của đổi mới giáo dục và đào tạo vì đánh giá không phải là khâu cuối cùng mà nó luôn đi cùng quá trình giáo dục, dạy học. Đánh giá thực hiện ở đầu vào (khi học sinh nhập lớp hoặc bắt đầu học một nội dung, chủ đề nào đó…) nhằm xác định năng lực đã có của học sinh để xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học phù hợp. Đánh giá trong quá trình nhằm xác định mức độ phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong tất cả các thời điểm nhằm kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy của thầy và cách học của trò để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất hướng tới mục tiêu qui định của chương trình giáo dục. Đánh giá đầu ra để xác định mức độ đạt được về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh so với mục tiêu qui định sau khi học xong một lớp, một cấp học.
Như vậy, đánh giá luôn đồng hành và tác động trực tiếp tới việc điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, dạy học. Nhờ có đánh giá kết quả giáo dục mà các hoạt động của thầy và trò đều sẽ được điều chỉnh kịp thời một cách hợp lí để hướng tới mục tiêu qui định của chương trình giáo dục.
Đánh giá kết quả giáo dục cũng có tác động rất lớn đến sự chủ động hơn của học sinh trong học tập, rèn luyện và tự đánh giá để kịp thời điều chỉnh cách học của mình. Để thực hiện điều này, trong đổi mới đánh giá kết quả giáo dục, các mục tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như phương pháp, thời điểm đánh giá luôn được giáo viên công khai và có sự tham gia trực tiếp của học sinh trước khi thực hiện tất cả các hoạt động giáo dục. Như vậy, học sinh có thể chủ động xây dựng kế hoạch cho bản thân, luôn biết khi nào mình cần phải làm gì và có thể tự đánh giá để xác định được mình đã đạt đến mức nào so với yêu cầu của các hoạt động giáo dục.
Công khai về mục tiêu, phương thức đánh giá cũng giúp gia đình, cộng đồng có thể theo dõi, đánh giá được kết quả giáo dục của nhà trường, giáo viên, học sinh và chủ động góp phần hỗ trợ thầy trò trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục, dạy học.
Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục học sinh phổ thông nếu được thực hiện đúng sẽ là cơ sở quan trọng cho việc đổi mới cả quá trình giáo dục, dạy học. Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục cũng góp phần làm minh bạch, công khai, khách quan hóa việc đánh giá, từng bước khắc phục bệnh thành tích và tạo niềm tin cho xã hội vào mục tiêu của giáo dục là nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho những công dân tương lai của đất nước.