Toàn cảnh đại hội
Tới dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ-Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương.
Cùng dự Đại hội có 1.800 đại biểu chính thức, gồm: 138 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 167 đại biểu là đại diện tập thể và các cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 101 đại biểu là “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1.394 đại biểu là đại diện các tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ-Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua, với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Đại hội lần này cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng chiến sỹ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc, đồng thời động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua, đóng góp tích cực vào những thành tích to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đất nước. Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh," thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Muốn thực hiện được những yêu cầu nhiệm vụ đó, trước hết cần tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua.".
Các đại biểu dự Đại hội
Theo Tổng bí thư, các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức, tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hòa ba lợi ích: lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội.
Tổng Bí thư lưu ý trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân, lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.