Vào thời điểm này, cuộc đua về “trường điểm, lớp chọn” vẫn chưa có hồi kết.
Cuộc đua cam go
Để có được một suất trái tuyến vào trường tốp đầu, không ít phụ huynh đã phải bỏ thời gian, tiền bạc để “đầu tư quan hệ”. Cuộc đua trái tuyến thường bắt đầu vào thời gian Tết ra, tuy nhiên đến thời điểm này nó càng sôi động hơn khi thời gian tuyển sinh đầu cấp sắp cận kề.
Có được suất học trái tuyến, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi đến ngàn đô. Bởi theo họ ngoài việc tiện đưa đón con, thì môi trường và đội ngũ giáo viên có chất lượng sẽ tạo đà tốt cho quá trình học tập của con cái. Song nhiều khi kết quả cũng không như phụ huynh mong muốn.
Chị Lan Anh ở khu Thành Công chia sẻ câu chuyện của gia đình mình: Vì có thu nhập khá tốt nên khi đứa con đầu bước vào cấp tiểu học, anh chị đã đặt ra mục tiêu phải cạy cục bằng mọi giá để con được vào trường điểm.
Nhờ người quen chỉ dẫn, anh chị đã chi một số tiền không nhỏ để đặt chỗ cho con vào trường T. Nghĩ là chắc chắn, nên khi trường đúng tuyến gần nhà thông báo tuyển sinh anh chị không mấy quan tâm.
Vài ngày sau đó khi các trường công khai niêm yết danh sách học sinh, chị mới tá hỏa khi không thấy tên con chị. Gọi điện hỏi han, chị được biết trường hợp con chị không được chấp nhận vì trường đã đủ chỉ tiêu đúng tuyến.
Mặc dù nhận lại được tiền đặt cọc, nhưng đến thời điểm này thì trường đúng tuyến cũng đã khóa sổ xét tuyển. Vì vậy chị đành phải ngậm ngùi đăng ký cho con theo học một trường dân lập “thường thường bậc trung”.
Chính vì lựa chọn trường trái tuyến cho con, nên khi không đạt được mục đích nhiều phụ huynh không chỉ mất tiền mà còn gánh nỗi bực trong mình.
Lựa chọn cách nhập nhờ hộ khẩu vào phường đúng tuyến mà trường tuyển sinh, nên con chị An ở Cầu Giấy được vào học ở trường có “thương hiệu”.
Tuy nhiên, khi học mới được 2 tuần con chị buộc phải chuyển trường vì việc “nhập nhờ” khuất tất đó. Sau đó may mắn, mà anh chị xin lại được cho con học ở trường đúng tuyến.
Trong mấy năm học con chị không phải đi xa, sĩ số lớp học không quá đông, nên cô giáo quan tâm sâu sát tới từng học sinh một. Vì vậy, cháu học hành rất tiến bộ, năm nay con gái chị chuẩn bị vào trường THCS song chị không còn ý định phải chạy bằng được cho con vào trường trái tuyến nữa.
Hệ lụy cả tới nhà trường
Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên tiểu học dạy tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Chạy trường” là cuộc đua thực sự không công bằng.
Hiện nay có rất nhiều trường không có tên trong danh sách “truyền khẩu” của các phụ huynh, tuy nhiên cơ sở và đội ngũ giáo viên của trường rất tốt. Đặc biệt đối với học sinh tiểu học thì sĩ số học sinh vừa phải sẽ tạo cơ hội tốt cho giáo viên dạy dỗ và chăm sóc các con được chu đáo hơn.
Hiệu trưởng một trường THCS có thương hiệu tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng tâm sự: Vấn đề học sinh trái tuyến là nỗi lo của nhiều trường được đánh giá là có chất lượng tốt hiện nay.
Hàng năm vào mỗi mùa tuyển sinh, BGH thường phải đau đầu với điện thoại, đơn xin xét trái tuyến của gia đình học sinh. Vì vậy các trường đã phải thành lập cả ban chỉ đạo tuyển sinh để tránh những tình trạng phức tạp xảy ra.
Trên thực tế cơ hội trúng trái tuyến là rất khó, vì theo quy định các trường phải xét tuyển hết số học sinh đúng tuyến. Nếu còn chỉ tiêu thì số học sinh có nguyện vọng học trái tuyến sẽ được xét khá kỹ càng, dựa theo điểm số, thành tích học tập của học sinh và hoàn cảnh gia đình của từng em.
Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng nếu giải quyết không thấu tình đạt lý, sẽ dẫn đến tình trạng nghi ngờ không hay trong quá trình xét tuyển.
Mong muốn cho con có được một môi trường học tập tốt nhất là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh. Nhưng để đạt được điều này bằng mọi giá là không nên.
Bởi khi lớp đông không chỉ gây khó khăn cho quá trình dạy học của giáo viên, mà ngay bản thân học sinh cũng phải chịu thiệt thòi về việc chăm sóc, giáo dục.
Trước tình trạng nhức nhối về chạy trường chạy lớp, tại cuộc họp của thành phố mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo:
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu ngành Giáo dục giám sát chặt chẽ và hướng dẫn các cơ sở trong công tác chuẩn bị cũng như xét tuyển vào các cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 và thi tuyển vào lớp 10.
Tạo điều kiện tốt nhất cho những trường có số lượng tuyển sinh lớn. Cần làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội, phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh học sinh, đồng thời, đăng tải phương án xét tuyển công khai.