Chuẩn hoá các chức danh trong giáo dục là việc cần làm ngay
*PV:Năm 2017 là năm thứ 4, cả nước thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị TW 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xin Cục trưởng cho biết ý kiến nhận xét của mình sau chặng đường gần 4 năm chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục?
- Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Sau 4 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Việc này, cần được đánh giá, tổng kết từ nhiều ngành, nhiều cấp, không chỉ riêng ngành Giáo dục. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, có thể nói, kết quả được tập trung chủ yếu ở những nhóm công việc lớn sau:
Ngành GD đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo chương trình hiện hành: Điều chỉnh nội dung chương trình dạy học; Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và các hoạt động giáo dục; Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; Mở rộng thí điểm áp dụng có chọn lọc một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến của một số nước trên thế giới phù hợp với Việt Nam;
Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Điều chỉnh quy mô và cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chú trọng chất lượng và gắn với thị trường lao động; Thực hiện Luật giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã giao cho các cơ sở giáo dục đại học quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm; Yêu cầu các nhà trường rà soát chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, làm cơ sở xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp; Chỉ đạo triển khai rộng rãi đào tạo theo tín chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện cho sinh viên chủ động thực hiện chương trình học tập của mình; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu và quan tâm thực hiện nhiều chế độ chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên.
Đổi mới đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh
*Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục, theo Cục trưởng, người giáo viên cần phải có những thay đổi gì cũng như phải trang bị cho mình những hành trang gì để bắt kịp với công cuộc đổi mới?
- Trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29/NQ-TW, chúng tôi xác định, vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là then chốt trong mọi khâu, mọi hoạt động, mọi lĩnh vực... Điều này đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đổi mới, để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và các yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra cho mỗi nhà giáo và toàn ngành. Vì vậy, một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành được triển khai từ năm học này mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo và đặc biệt nhấn mạnh là nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
*Xin Cục trưởng cho biết những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục?
- Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là hết sức quan trọng. Quan điểm của chúng tôi là quản lý chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Chuẩn để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Chuẩn hoá là xu thế chung của các nền giáo dục trong quá trình hội nhập, Việt Nam đang tiến hành đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà nên việc chuẩn hoá các chức danh (vị trí việc làm) trong giáo dục là việc làm rất quan trọng và cần thiết, phải tiến hành làm ngay. Hiện tại Bộ GD&ĐT đang rà soát, đánh giá lại các bộ Chuẩn hiện hành để trên cơ sở đó tiến hành chỉnh sửa, xây dựng các bộ Chuẩn mới phù hợp và hiệu quả hơn.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, năng lực sử dụng tiếng Anh, Tin học phục vụ cho công tác dạy và học cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục các cấp. Tăng cường trách nhiệm quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ của thủ trưởng các đơn vị quản lý trực tiếp giáo viên, của cơ quan quản lý giáo dục địa phương và đặc biệt là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố thông qua Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các nội dung chỉ đạo của Ngành giáo dục theo từng năm học.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; Có cơ chế khuyến khích nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán và đội ngũ chuyên gia đầu ngành; Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, chú trọng các đề tài áp dụng phương pháp dạy học hiện đại ở đại học và phổ thông, các đề tài về nghiệp vụ sư phạm. Phát triển, phổ biến, chia sẻ tri thức mới và các kinh nghiệm tiên tiến dựa vào tổng kết và nhân rộng các điển hình trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Tiếp tục nghiên cứu lại hệ thống chính sách hiện có để đề xuất với Chính phủ có những chính sách mới phù hợp, tạo động lực cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm lao động, cống hiến cho nghề.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động của nhà giáo ở các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục để có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời những khó khăn, tồn tại liên quan đến đội ngũ nhà giáo.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn diễn ra
*Có ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều giáo viên đang là những “thợ dạy” chứ chưa phải là “thầy dạy”, Cục trưởng nhìn nhận thế nào về điều này?
- Theo quan điểm của cá nhân tôi, ở đây không có khái niệm là “thợ dạy” hay “thầy dạy” mà chỉ có thầy giáo, cô giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục học sinh, sinh viên ở trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các thầy giáo, cô giáo vẫn nỗ lực vươn lên để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đứng trước những yêu cầu và đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục, mỗi thầy giáo, cô giáo cần ý thức được vị trí việc làm của mình, có trách nhiệm tự mình phải thay đổi, phải nâng cao năng lực nghề nghiệp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước và ngành Giáo dục.
*Những yêu cầu về đổi mới đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi giáo viên phải chủ động, sáng tạo trong quá trình thực thi nhiệm vụ giảng dạy, để động viên tinh thần giáo viên, chế độ chính sách đối với các nhà giáo đã có những thay đổi như thế nào, thưa Cục trưởng?
- Ngoài các chế độ, chính sách đối với nhà giáo nói chung, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều hoạt động cụ thể cũng như chỉ đạo các địa phương/đơn vị có sự quan tâm, hỗ trợ nhà giáo về đời sống vật chất lẫn tinh thần, có sự chia sẻ, động viên kịp thời đối với những nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như giải quyết việc làm cho nhà giáo là thân nhân của các gia đình có công với cách mạng, là vợ các đồng chí bộ đội công tác tại các vùng biên giới, hải đảo, các chiến sĩ công an/bộ đội hi sinh trong khi làm nhiệm vụ...
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (đặc biệt là đối với các vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số...) để làm cơ sở, căn cứ đề xuất thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nhà giáo trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ.
*Việc quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho giáo viên liệu có góp phần làm giảm đi tình trạng dạy thêm- học thêm trái qui định không, thưa Cục trưởng?
- Việc dạy thêm, học thêm chúng ta đã nói nhiều và bản thân dạy thêm, học thêm nếu đúng quy định thì không có khuyết điểm vì nó đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn những hiện tượng dạy thêm, học thêm không đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục, nhiều giáo viên ép buộc học sinh học thêm để có thêm thu nhập. Việc quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho giáo viên cũng là một yếu tố nhưng có lẽ không thể giải quyết căn bản tình trạng dạy thêm- học thêm trái qui định. Có thể nói, trên khắp các vùng miền, nhất là ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, hàng triệu giáo viên vẫn tận tâm, tận lực với nghề mà họ cũng không dạy thêm để tăng thu nhập, thậm chí họ còn dạy, ôn luyện thêm buổi chiều, buổi tối và thời gian rảnh rỗi cho học sinh mà không thu tiền.
*Xin Cục trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học mầm non, phổ thông như hiện nay? Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Nguyên nhân chủ yếu là thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên do việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp; giảm tỉ lệ sinh trong giai đoạn những năm trước và sau năm 2000 dẫn đến số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông suy giảm, việc nới lỏng sinh con thứ 3 giai đoạn sau 2000 và những năm gần đây dẫn đến gia tăng tỉ lệ học sinh tiểu học và trẻ mầm non; một số địa phương thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (sáp nhập các trường, lớp) dẫn đến dôi dư giáo viên, cán bộ quản lí, nhân viên.
Trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT đã chủ động cảnh báo về trình trạng thừa giáo viên và đề nghị hạn chế tuyển sinh vào sư phạm. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn diễn ra. Để từng bước khắc phục triệt để, Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên giảm chỉ tiêu khoảng 10%/năm và tính đến năm học 2016 - 2017, chỉ tiêu tuyển sư phạm giảm khoảng 30% so với năm học 2012 - 2013; yêu cầu các cơ sở đào tạo tạm dừng mở mới các ngành thuộc lĩnh vực đào tạo giáo viên và giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường đào tạo sư phạm để cân đối nhu cầu sử dụng với nhu cầu đào tạo. Đồng thời có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo rà soát việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên của các địa phương.
*Phải chăng, chính tình trạng thiếu giáo viên đã dẫn đến việc nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập tuyển giáo viên một cách tùy tiện, do đó giáo viên có những hành vi ứng xử không đẹp với học sinh gây bức xúc dư luận mà báo chí đã phản ánh trong thời gian vừa qua?
- Theo phân cấp quản lý, việc thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập do UBND huyện/tỉnh quyết định. Vì vậy, ở một số địa phương khi xét hồ sơ xin thành lập cơ sở giáo dục đã cấp phép hoạt động mà chưa khảo sát, kiểm tra kỹ càng, có chuyên môn các điều kiện (trong đó có điều kiện về đội ngũ) để cấp phép nên dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tuyển dụng tùy tiện những người không đúng với quy định của Chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, do đó ở một số cơ sở giáo dục có giáo viên có những hành vi ứng xử không đẹp với học sinh gây bức xúc dư luận mà báo chí đã phản ánh trong thời gian vừa qua chứ không hẳn là vì nguyên nhân thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên.
*Xin cảm ơn Cục trưởng!