Dấu ấn với Thứ trưởng và dòng lưu bút: Chuyện cổ tích!
Sau khi Bộ Giáo dục Thái Lan thông báo tổ chức trao giải thưởng Công chúa Thái Lan (Princess Maha Chakri Award - PMCA) nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Công chúa, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành giới thiệu ứng viên.
Với nhiều dấu ấn đặc biệt, cô Trần Thị Thùy Dung đã được lựa chọn, cùng 10 đại diện tiêu biểu các nước thành viên SEAMEO khác sẽ đến Thái Lan nhận giải thưởng vào đầu tháng 10/2015.
Đây là giải thưởng quốc tế dành cho thầy/cô giáo/lãnh đạo trường có nhiều đóng góp và cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Giải thưởng bao gồm 1 huy chương, 1 bằng chứng nhận và 1 hối phiếu trị giá 10.000 USD. Từ “sợi chỉ đầu mối” về giải thưởng quốc tế này, tìm gặp cô Trần Thị Thùy Dung, chúng tôi lại được biết thêm bao câu chuyện hay về chuyện nghề, về niềm say mê cống hiến cho giáo dục…
Đã kinh qua cương vị quản lý tại 3 trường tiểu học, nhưng kỉ niệm đẹp nhất, khó quên nhất với cô Thùy Dung là khi còn giữ cương vị Hiệu trưởng tại Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát.
Nhớ lại, đó là một ngày thu tháng 10 cách đây 5 năm, để đón đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển về thăm, không khí ngôi trường vùng núi vui như ngày hội.
Khắp sân trường là các hoạt động giáo dục, nào góc cộng đồng, góc khéo tay, nào là góc tiếng Anh với các cô cậu trò nhỏ tự tin rạng rỡ, xúng xính áo quần.
Vui nhất là góc giáo dục kĩ năng sống, dù không bán, cũng chẳng mua nhưng ai cũng vô cùng thích thú được thưởng thức các sản phẩm từ những nghệ nhân nhí.
Cũng chính trong ngày hội đặc biệt này, vị lãnh đạo ngành Giáo dục đã vô cùng ấn tượng với phần trình bày báo cáo “song kiếm hợp bích” của cô hiệu trưởng và một học sinh mà có nhiều nội dung, học sinh nói hay “át” cả cô giáo.
Trong lớp học, học sinh ngồi theo nhóm, thảo luận và phản hồi gay gắt; chủ động đặt ra các câu hỏi với thầy. Ấn tượng nhất là những câu chuyện kể hồn nhiên về việc các em đến tận nhà những bạn học sinh dân tộc, học cấy, học gặt để trải nghiệm...
Còn có học sinh kể chuyện mình viết thư bỏ hòm thư nhà trường... phê bình cô hiệu trưởng vì cô đến trường muộn.
“Tôi còn nhớ, cũng ngày này, mình đã chia sẻ chuyện viết thư ngỏ gửi đi khắp nơi để xin được 10 máy tính, 2.200 cuốn vở và 20 triệu đồng tiền mặt giúp học sinh có thêm điều kiện học tập.
Và, không thể quên, trong cuốn lưu bút của thầy Thứ trưởng sau chuyến thăm trường có dòng chữ: “Chuyện cổ tích”... - Cô Thùy Dung bồi hồi chia sẻ.
Từ cô trò nghèo đến người gieo sức sống VNEN tại Lào Cai
Cô Thùy Dung từng trải lòng với học sinh về tuổi thơ nghèo khó, phải chạy cơm từng bữa nhưng vẫn nuôi giấc mơ cháy bỏng được làm cô giáo.
Chọn thi vào Trường Trung học Sư phạm Yên Bái hệ 12+2 để tiết kiệm thời gian và đỡ tốn kém; nơi nhận công tác đầu tiên của cô Dung là Trường PTDTNT huyện Bát Xát – ngôi trường cách xa trung tâm huyện với 100% học sinh dân tộc.
Chính nơi đây, những gian khổ, nhiều vấp váp và trên hết là tình đồng nghiệp đã cho cô giáo trẻ vô vàn bài học quý giá.
Năm 2001, chuyển sang công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát, chỉ sau 1 năm nỗ lực, cô Dung được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng khi tuổi đời tròn 25; rồi 5 năm sau, chính thức trở thành người đứng đầu nhà trường – cũng là người trẻ nhất trong đội ngũ hiệu trưởng các trường trung tâm trong tỉnh.
Cô Dung tâm sự: Cảm giác lúc đó thật khó tả, giống như mình được làm chủ một gia đình có điều kiện, tôi đã mạnh dạn thực hiện nhiều thay đổi trong công tác quản lý.
Lại thêm may mắn, bởi khi đó, Chỉ thị 40 về Trường học thân thiện – Học sinh tích cực ra đời. Đây là cẩm nang vô cùng quý giá giúp tôi thay đổi nhà trường.
Cũng thời điểm ấy, tỉnh Lào Cai được dự án Oxfam Anh đầu tư các chuyên đề về đổi mới dạy học. Nắm lấy cơ hội vàng này, cô Hiệu trưởng đã cùng nhóm cốt cán của huyện Bát Xát nỗ lực hết mình với phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm và thành công khi áp dụng phương pháp mới này vào quản lý.
Thật bất ngờ, những khái niệm mới mẻ lại được các thầy cô hào hứng đón nhận. Khi đó, ngôi trường tại vùng núi khó khăn đã thực hiện dân chủ tới từng giáo viên, học sinh; học gắn với thực tiễn và trải nghiệm...; giáo viên và học sinh được xây dựng nội quy trường lớp; học sinh được đi học từ thực tế; các thiết kế bài học được yêu cầu phải phù hợp với từng đối tượng học sinh; phụ huynh cùng làm đồ dùng dạy học.
“Trường cũng viết thư ngỏ gửi đi các công ty lớn qua Internet để kết bạn, làm công tác xã hội hóa cho nhà trường... Đó thực sự là những luồng gió vô cùng tươi mới đối với những trường học nơi đây.
Năm 2009, trường tôi đã có một tên lạ: Trường Tiểu học Lào Cai mới. Và chính sức lan tỏa từ mô hình này đã được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển sau lần đến thăm trường, quyết định chọn Lào Cai và cụ thể là Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát là đơn vị thí điểm đầu tiên mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) tại Lào Cai” – Cô Thùy Dung tự hào chia sẻ.
Gần 10 năm gieo sức sống mới tại Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát, năm 2011, cô Dung chuyển công tác về thành phố, làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tuyển 2 và một năm sau là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.
Thời gian này, cô Hiệu trưởng luôn tràn đầy năng lượng đã tiếp tục thành công, xây dựng nên phong trào học tập và các hoạt động giáo dục tại một trường vùng ven thành phố.
Cuối năm 2011, cô Dung trở thành gương mặt đại diện dự giao lưu cán bộ quản lý tiểu học giỏi quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm về Mô hình Trường tiểu học Lào Cai mới.
Và như một mối duyên, thời điểm nhận trọng trách làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, cũng là lúc nhà trường được lựa chọn và tự nguyện tham gia thực hiện Mô hình VNEN.
Như cá gặp nước, với kinh nghiệm sẵn có, cô Dung đã vận dụng một cách linh hoạt, có sáng tạo, chú trọng tính mở của mô hình để góp phần làm nên thương hiệu giáo dục Lào Cai và Tiểu học Lê Ngọc Hân.
“Kết quả đạt được tuy chưa lớn, nhưng tôi thực sự rất tự hào vì đã đưa ra những định hướng mới kịp thời, góp phần thực hiện có chiều sâu và hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” - Cô Thùy Dung bày tỏ.
Những điều đặc biệt tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai):
- Cán bộ quản lý là nòng cốt chuyên môn, trực tiếp tham gia dạy mẫu, là cốt cán Trung ương dạy VNEN. Luôn để ngỏ sự sáng tạo cho từng cá nhân... Dân chủ tới từng phụ huynh học sinh.
- Thành lập được các tổ tư vấn, hội đồng tự quản trường. Hình thành cho học sinh những năng lực cơ bản như biết tôn trọng sự khác biệt, sự tham gia dân chủ, chung sống hòa bình...
- Là trường tiểu học đầu tiên của Lào Cai có bể bơi do học sinh đề xuất. Hiện tại, 70% học sinh trong trường đã biết bơi.
- Tận dụng mọi không gian, xây dựng các góc học tập trên sân trường để học sinh tự học trong các giờ tự học, hoặc ra chơi...
- Mở rộng không gian học tập, liên kết với một số siêu thị, cửa hàng tại trung tâm thành phố Lào Cai, 1 số khu công nghiệp, trang trại của phụ huynh học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục....
Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".
Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục...
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc.
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.