Giáo viên dạy giỏi không chỉ là danh hiệu
Kể lại hành trình đến giải cao nhất của hội thi, cô giáo Thu Trang cho biết, cô đã nghiên cứu tài liệu chuyên môn để tăng cường tính sáng tạo, đưa ra nhiều nội dung hấp dẫn và hình thức mới, tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tăng cường các hoạt động cá nhân. Bên cạnh đó, cô cũng đã đào sâu suy nghĩ để tạo ra nhiều loại đồ dùng, đồ chơi có tính thẩm mĩ và hiệu quả sử dụng cao. Trong kì thi giáo viên giỏi cấp trường chuyên đề “Đổi mới hình thức giáo dục lĩnh vực phát triển nhận thức và ngôn ngữ” năm học 2018-2019, cô đạt loại giỏi và được lựa chọn dự thi cấp Quận. Tại hội thi cấp Quận, cô tham gia hội giảng và đạt tiết xuất sắc, được lựa chọn dự thi cấp Thành phố. Qua các phần thi lý thuyết, thực hành, cô xuất sắc là một trong 26 giáo viên giành giải Nhất của hội thi, cũng là một trong 3 giáo viên đoạt điểm 10 tuyệt đối ở phần thi lý thuyết.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trao Giấy khen cho cô giáo Nguyễn Thu Trang
Trước ý kiến trái chiều của dư luận về việc nên giữ hay bỏ kỳ thi GVDG, là một giáo viên trực tiếp dự thi cô Trang khẳng định: "Đúng là trước mỗi cuộc thi ai cũng gặp áp lực, khó khăn, đôi khi là áp lực tự thân để vượt qua chính mình. Nhưng cú huých đó cũng giúp ta khám phá và phát huy hết được năng lực, năng lượng của bản thân. Tham gia cuộc thi, giáo viên được nhiều lợi ích, đó là cơ hội để trau dồi chuyên môn, phát huy, chia sẻ kinh nghiệm đã đúc kết. Đặc biệt, trong cuộc thi năm nay, Sở GD&ĐT chủ chương giảm tải nhiều, áp lực cho giáo viên cũng giảm. Tôi thấy đây là kỳ thi thực sự thiết thực và cần thiết cho các giáo viên".
Nhà giáo Trần Thị Anh Văn – Phó Hiệu trưởng nhà trường phân tích: "Giáo viên cần kỳ thi để tạo động lực vươn lên, để thi đua dạy tốt. Bản thân tôi cũng đã từng tham gia kỳ thi GVDG và hiểu được những áp lực mà giáo viên phải trải qua. Thế nhưng, hiện nay Sở GD&ĐT Hà Nội đã đổi mới kỳ thi, tổ chức 4 năm/lần giúp nhà trường, giáo viên có thời gian chuẩn bị. Đó là chủ trương rất đúng đắn, vừa giảm áp lực cho giáo viên dự thi. Thêm vào đó, hội thi yêu cầu giáo viên không được dạy trước, không được lựa chọn học sinh, đồng thời khuyến khích tăng cường hoạt động cho học sinh. Vì vậy, hội thi rất thực chất, đánh giá đúng chuyên môn, kỹ năng của giáo viên".
Nhận xét cụ thể về cô giáo Nguyễn Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trần Thị Anh Văn cho biết: "Trường mầm non Họa Mi có 75 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 53 giáo viên phụ trách 19 lớp với hơn 700 học sinh. Trường may mắn có nhiều giáo viên tài năng mà cô giáo Thu Trang chính là một trong những hạt nhân nổi bật. 16 năm giảng dạy tại trường, cô Trang đã cho thấy năng lực và sự đa tài. Không chỉ dạy giỏi, cô còn rất khéo tay, biết thanh nhạc, khiêu vũ... Đặc biệt, cô là giáo viên có ý thức trách nhiệm cao, chịu khó đầu tư chuyên môn, nâng cao trình độ, đồng thời tích cực tìm hiểu CNTT và ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Cô cũng là đảng viên trẻ, năng nổ trong các phong trào của trường, của phường Thành Công".
Lan tỏa những sáng kiến hay
Sau khi hội thi GVDG kết thúc, Trường MN Họa Mi đã tổ chức kiến tập cho giáo viên toàn trường xem tiết dạy của cô giáo Thu Trang. Phòng GD&ĐT Ba Đình cũng cho các giáo viên toàn quận được chia sẻ, học hỏi từ tiết dạy của các giáo viên đoạt giải cao. Cô Trang đã rất háo hức và nhiệt tình chuẩn bị để chia sẻ cho đồng nghiệp những gì mà cô đã thu lượm được trong hội thi cũng như trong 16 năm nuôi dạy trẻ của mình.
Thực tế, sự lan tỏa của cô Trang đối với phong trào đổi mới dạy học không chỉ bắt đầu từ những cuộc thi mà nó được hình thành từ trong những hoạt động hàng ngày và theo suốt chặng đường giảng dạy của cô. Được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, cô Thu Trang từ nhỏ đã luôn tự hào về gia đình và mong muốn được tiếp bước truyền thống ấy. Những "đôi môi nhỏ, đôi mắt tròn" của những bé mầm non đã khiến cô hứng khởi mỗi ngày được đến trường.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, cô giáo Thu Trang đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên nghiên cứu tài liệu tham khảo để tìm ra và áp dụng các hình thức mới tích cực nhằm thu hút trẻ tham gia các hoạt động, phát huy tính độc lập, sáng tạo của trẻ trong học tập để trẻ hứng thú hơn, đem lại hiệu quả hơn. Cô tham gia đầy đủ các buổi họp tổ, sinh hoạt chuyên môn trong tổ, khối để học tập ở bạn bè đồng nghiệp và chia sẻ những kinh nghiệm quí báu giúp việc giảng dạy của mình và khối chuyên môn càng có hiệu quả hơn. Đồng thời, tham gia các buổi bồi dưỡng chuyên môn để rút kinh nghiệm, góp ý và xây dựng tiết dạy nhằm giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp tiến bộ hơn.
Hiện nay, cô là giáo viên nòng cốt của trường với trình độ Cử nhân khoa học- chuyên ngành SP Mầm non, là Khối trưởng khối MG Bé của trường mầm non Họa Mi. Cô đã được quận Ba Đình trao Giấy khen cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học năm 2013, là Bí thư chi đoàn có thành tích xuất sắc, đoạt danh hiệu Lao động tiên tiến cấp quận, đoạt giải Ba thiết kế bài giảng Elearning cấp quận. Trong đợt đánh giá chuẩn giáo viên mầm non năm học 2017-2018, cô đạt loại Xuất sắc...
Là người sẵn sàng chia sẻ để học hỏi lẫn nhau, cô giáo Thu Trang đã không ngại nhận và chỉ đạo giáo sinh về thực tập chuyên môn tại trường mầm non Họa Mi. Các tiết lên mẫu cho giáo sinh kiến- thực tập đều được nhà trường đánh giá cao. Đặc biệt, tiết lên mẫu chuyên đề “Làm quen văn học” của cô cho các trường bạn trong quận kiến tập cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đồng nghiệp.
Hạnh phúc với tình cảm của học trò
16 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ mầm non, cô giáo Nguyễn Thu Trang cho biết, điều khiến cô tự hào nhất không phải là những giải thưởng mà chính là tình yêu học trò. Cô hạnh phúc khi được may mắn là người đồng hành với các em từ những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.
Cô Trang xúc động kể: "Mỗi trẻ đều có vẻ đẹp của những thiên thần cùng với cá tính khác nhau. Tôi cố gắng làm bạn với các con, thấu hiểu và chia sẻ, lớn cùng các con mỗi ngày. Và trong quá trình ấy, tình cảm cô trò gắn bó và trở nên vô cùng thiêng liêng, đặc biệt". Có lẽ chính sự gắn bó đặc biệt ấy đã khiến tình cảm cô trò vượt thời gian. Bằng chứng là có những học trò giờ đã là sinh viên đại học nhưng vẫn nhớ và tâm sự với cô Trang. Các bậc cha mẹ học sinh dù con cái trưởng thành rồi những vẫn thầm cảm ơn cô và luôn đồng hành cùng các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Dạy học trong kỷ nguyên 4.0, khi mạng xã hội nở rộ, có những thông tin không mấy tốt đẹp về những nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cô Trang cảm thầy chạnh lòng. Cô bộc bạch: "Tờ giấy trắng, khi có một chấm đen thì chúng ta chỉ thấy chấm đen mà quên mất rằng cả trang giấy còn trắng. Không phải tất cả những thông tin trên mạng xã hội đã là chính xác. Đôi khi đó là sự hiểu lầm hoặc do một số người nóng vội chưa hiểu bản chất của sự việc mà đã lan truyền những thông tin sai lệch. Nghề giáo bây giờ chính vì vậy cũng là nghề nguy hiểm, người giáo viên cũng gặp nhiều áp lực hơn rất nhiều".
Cô Trang luôn cố gắng, cẩn thận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bằng tình yêu của người mẹ, bằng tấm lòng, đạo đức của một giáo viên. Cô tin rằng, nếu tất cả giáo viên đều làm như vậy, đều nỗ lực trong chuyên môn, mẫu mực trong đạo đức thì học sinh, CMHS sẽ luôn ủng hộ và tin yêu người giáo viên. Đó chính là con đường bền vững nhất để mỗi nhà giáo nuôi dưỡng tình yêu nghề, yêu trẻ.