Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến cho biết, đề án "Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa.
Theo đề án này, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018- 2019 đến hết năm 2020. Với định mức mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml, dự kiến có giá 6.800 đồng. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.
Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến phát biểu tại Hội nghị
Giải đáp câu hỏi của báo chí xoay quanh các vấn đề về mục tiêu của chương trình, chất lượng sữa học đường, tuyên truyền cha mẹ học sinh tham gia chương trình…, Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh: Chương trình sữa học đường hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh đã đăng ký nhưng thấy không hợp lý có thể hủy, chưa đăng ký có thể bổ sung, hoàn toàn không có chuyện ép đăng ký để xét thi đua. Bên cạnh đó, đây là chủ trương đã được HĐND TP thông qua, nếu tỷ lệ phụ huynh đăng ký 50%, đề án vẫn được triển khai. Bộ Y tế đặt hàng riêng sữa học đường với các công ty, chứ không phải sữa chọn ngẫu nhiên. Chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, vì sức khoẻ của học sinh, đảm bảo mọi thứ tốt nhất về chất lượng, giá cả… Sữa học đường có thành phần cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng để phụ huynh kiểm tra.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng và dễ hấp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Theo bà Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng, khiến học sinh bị béo phì. Sữa trong Đề án này ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sữa học đường là sữa chuyên biệt và được tăng cường vi chất so với các loại sữa thông thường bán trên thị trường. Qua đó, nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị, các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông về mục đích và ý nghĩa nhân văn của chương trình sữa học đường. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Hà Nội đã chủ động vào cuộc để triển khai một Đề án nhằm nâng cao tầm vóc, trí tuệ của học sinh mẫu giáo, tiểu học, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt để tham gia các hoạt động học tập, rèn luyện. Chương trình được triển khai hoàn toàn tự nguyện nên cần tuyên truyền để các nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu rõ, từ đó tham gia chương trình theo đúng tinh thần của Đề án.