Diên Hồng là tên cung điện trong Hoàng thành thăng Long thời Trần, nơi thượng hoàng Trần Thánh Tông tổ chức ban yến cho các vị đại diện bô lão từ khắp các làng xã trên cả nước triệu tập về kinh đô để bàn về một quyết sách trước họa xâm lăng của giặc Nguyên Mông đang đe dọa vận mệnh quốc gia. Quyết sách được định đoạt tại hội nghị này chỉ là sự lựa chọn một trong hai giải pháp: “đánh” hay “không đánh” (nói cách khác là để trả lời câu hỏi nên “hòa” hay “chiến”) một khi quân giặc kéo sang xâm lăng bờ cõi nước ta.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi: “(Tháng Chạp năm Giáp Thân 1284) thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh!”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc: Diên Hồng đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa nhà nước với người dân trong mối quan hệ vua - tôi, trên - dưới... Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử và trong chừng mực nào đó cũng biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân như một giá trị truyền thống mang ý niệm “dân chủ” sau này được xác lập trong thời kỳ lịch sử cận và hiện đại.
Hơn 700 năm đã trôi qua, thế nhưng tinh thần của Hội nghị Diên Hồng vẫn còn nguyên giá trị. Trong những ngày của tháng 4/2016, tại phòng họp “Diên Hồng” trong tòa nhà Quốc hội, tinh thần ấy đã được thể hiện qua sự nhất trí cao của 500 đại biểu Quốc hội khi bầu cử Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành.
Tiếp lửa cho tinh thần “Diên Hồng” năm xưa, nhiều nhà giáo Thủ đô, dù tuổi không còn trẻ nhưng vẫn dành nhiều tâm sức cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, họ vẫn đau đáu những nỗi lo của xã hội, luôn dõi theo các hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Họ cũng không ngần ngại đưa ra những đánh giá của riêng mình về hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của nhiệm kỳ trước, đồng thời gửi gắm mong mỏi, ý nguyện của mình vào đợt bầu cử sắp tới.
* Nhà giáo Nguyễn Ngọc Thạch, Thành ủy viên - Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong:
Trong nhiệm kỳ vừa qua, một trong những nét riêng nổi bật của HĐND TP Hà Nội chính là sự bài bản và thể hiện tính nguyên tắc nhưng cũng linh hoạt. Đặc biệt, tính tranh luận đã được thể hiện rất cao. Điều này có được là nhờ sự tham mưu, giúp việc của các ban của HĐND. Chẳng hạn riêng Ban Văn hóa – Xã hội có phạm vi hoạt động rộng lớn, có nhiều vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, các thành viên trong ban đã làm tốt các chức năng giám sát và thẩm tra. Họ kịp thời lắng nghe đầy đủ những ý kiến, bức xúc của người dân, từ đó đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết vấn đề. Những vấn đề “nóng” như thiếu trường mầm non hay khu vui chơi cho trẻ… nhờ sự lên tiếng của Hội đồng nhân dân đã được giải quyết nhanh chóng, đem lại lợi ích cho nhân dân Thủ đô.
* Nhà giáo Lê Đình Lập – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Hà Nội:
Nhìn nhận một cách tổng quát, tôi cho rằng Quốc hội khóa XIII vừa rồi có nhiều nét chuyển biến so với những khóa trước. Đơn cử như việc tổ chức chất vấn rất hiệu quả, đưa ra được những vấn đề nhân dân bức xúc và quan tâm. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã có những bước chuyển theo sự đổi mới của hoạt động Quốc hội, đã tổ chức được những buổi chất vấn mà nội dung sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, giải quyết được những vấn đề mà nhân dân Thủ đô vướng mắc. HĐND thực hiện rất nghiêm và đầy đủ những kỳ tiếp xúc cử tri ở cơ sở. Riêng về lĩnh vực giáo dục, Quốc hội và HĐND của Thành phố đã có định hướng triển khai tốt Nghị quyết của Trung ương về công tác giáo dục, đã tổ chức nhiều cuộc chất vấn, đưa ra định hướng để triển khai công tác đổi mới giáo dục hiệu quả.
Với tư cách cử tri, tôi mong muốn đợt bầu cử sẽ chọn ra được những đại biểu vì dân, có đủ trình độ để giải quyết được những vấn đề về dân sinh, giữ vững ổn định chính trị và nâng cao đời sống của người dân. Nhân dân mong muốn đất nước ổn định và bản thân mình được ăn no, mặc ấm. Vấn đề cần đặt ra với các đại biểu là bên cạnh những cuộc tiếp xúc cử tri thời gian qua đã được tổ chức khá tốt thì từng đại biểu phải có sự gần gũi với nhân dân, nhất là khu vực mà họ được bầu cử. Thông qua những chuyến đi thực tế, trao đổi trực tiếp, đại biểu mới nắm bắt được tình hình, tâm tư, nguyện vọng của những người dân bình thường nhất trong xã hội, từ đó mới đưa ra những chính sách, pháp luật phù hợp, đúng đắn.
* Nhà giáo Hoài Quy – nguyên giáo viên Toán trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) - Chủ tịch Hội cựu giáo chức phường Trung Tự:
Nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội làm việc rất nghiêm túc, đã nói được tiếng nói của nhân dân. Nhiều vấn đề người dân quan tâm đã được đại biểu đề cập thẳng thắn, không e dè. Cá nhân tôi, tuy nay đã 82 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia nhiều tổ chức như hội Chữ thập đỏ, hội Phụ nữ, Khuyến học… Tác phong làm việc của Quốc hội đã khiến bản thân chúng tôi thấy mình cần cải tổ cách làm việc để thực chất và hiệu quả hơn. Hiện nay, công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp đang diễn ra theo tinh thần dân chủ, vì vậy chúng tôi rất tin tưởng những đại biểu được lựa chọn đều là những người xứng đáng.
* Nhà giáo Nguyễn Như Phong – Nguyên Hiệu trưởng trường THCS Yên Sở (huyện Hoài Đức):
Hoạt động của các đại biểu trong HĐND các cấp từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã trong nhiệm kỳ vừa qua nhìn chung có nhiều tiến bộ. Các đại biểu đã thay mặt cho dân, phản ánh được nguyện vọng của nhân dân. Trong quá trình tiếp xúc cử tri đã có sự đối thoại. Chính điểm mới này giúp cho HĐND các cấp thay đổi cách làm, thay đổi suy nghĩ, mang nhiều ý kiến của nhân dân tới Ủy ban và HĐND các cấp.
Hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ vừa rồi dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã hoạt động rất tốt. Quốc hội rất gần dân, có những đoàn đại biểu xuống tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến của dân rồi nhưng phản hồi chưa được kịp thời. Chính vì vậy, tôi rất mong muốn đợt bầu cử lần này sẽ bầu chọn được những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân. Thêm vào đó, vì những đại biểu bán chuyên trách còn dành thời gian cho công việc của họ, do đó tôi cũng mong muốn Quốc hội lần này tăng cường số đại biểu chuyên trách, như vậy họ sẽ dành toàn tâm, toàn sức cho trách nhiệm là đại biểu của nhân dân.
* Nhà giáo Đặng Quang Thệ - Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc – hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lạc Long Quân:
Điểm tôi hài lòng nhất về hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua chính là đã có những tiếng nói cụ thể hơn, dám nói thẳng, nói thật. Các đại biểu đã lo lắng về chất lượng đại biểu, đồng thời đấu tranh chống tham nhũng một cách mạnh mẽ hơn.
Như mọi cử tri khác, tôi mong mỏi đợt bầu cử này sẽ chọn được những người đại biểu đủ tâm huyết, đủ tầm nhìn và trí tuệ. Đặc biệt, tôi rất mong trong số các đại biểu của Hội đồng nhân và Quốc hội sẽ có tiếng nói của ngành giáo dục, cụ thể là có những người thực am hiểu công việc của ngành thì mới có thể đưa giáo dục phát triển.