Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.754 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 4 ca tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn cả nước cũng ghi nhận 6.950 trường hợp mắc tay chân miệng, 135 trường hợp mắc sởi.
Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái), không có tử vong, các ca mắc phân bố rải rác tại 20/30 quận, huyện, thị xã. Sở Y tế Hà Nội cũng ghi nhận 12 trường hợp mắc ho gà, 2 trường hợp mắc liên cầu lợn, 234 trường hợp mắc tay chân miệng, 61 trường hợp mắc sởi...
Chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường học
Theo ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, thời tiết sang mùa hè, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển. Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; thực hiện tiêm chủng mở rộng; Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH như ngủ màn, xoa hương tránh muỗi đốt…
Đối với dịch tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý người dân cần quan tâm nâng cao sức đề kháng cho trẻ và tăng cường vệ sinh môi trường, khử khuẩn, đặc biệt ở các nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn. Ngành Y tế sẽ phối hợp với ngành GD&ĐT tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống tay chân miệng trong trường học và tại cộng đồng…
Đối với dịch bệnh sởi, từ cuối năm 2017, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành rà soát và tiêm vét vắc- xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi. Kết quả tiêm sởi mũi 1 đạt 98,6%; mũi 2 đạt 97,4%, góp phần khống chế bùng phát dịch sởi trong cộng đồng. Thành phố đã tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi đạt trên 95%. Đặc biệt, các đơn vị trong ngành y tế tổ chức tiêm chủng theo tuần tại xã, phường, thị trấn tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.