Gánh nặng từ nhiều phía
Trong một hội thảo về đổi mới dạy học do Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, các giáo viên đã thẳng thắn chia sẻ những áp lực mà họ đang gặp phải. Cô giáo Nguyễn Hiền Lương - trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình chia sẻ: Trước hết, áp lực đến từ nội dung kiến thức, chương trình. Nhìn chung nội dung chương trình giáo dục hiện nay còn nặng về lý thuyết, chưa gắn nhiều với thực tiễn xã hội do đó tính ứng dụng chưa cao. Mặc dù giáo viên trong vài năm gần đây đã rất tích cực đổi mới phương pháp giáo dục để nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh nhưng có lẽ vẫn chưa đáp ứng được sự kì vọng của xã hội. Thứ hai là áp lực từ kết quả thi, thành tích trong giáo dục. Thành tích là một thước đo để đánh giá năng lực. Do đó, thành tích bên cạnh mặt tích cực là tạo ra động lực để con người phấn đấu, khẳng định năng lực của mình thì cũng đã vô tình tạo ra “căn bệnh thành tích”. Tất cả giáo viên hiện nay đều phải dạy học thế nào để đảm bảo kết quả thi của học sinh đạt và vượt chỉ tiêu. Bởi để đánh giá chất lượng của giáo viên, của trường thì phần lớn là căn cứ vào kết quả thi của học sinh.
Cô và trò trường THPT Thanh Oai A
Thêm một trở ngại lớn mà giáo viên hiện đang gặp phải là áp lực đến từ phụ huynh học sinh, tâm lý giao khoán con cho giáo viên. Theo cô giáo Nguyễn Hiền Lương, có những phụ huynh có tâm lý giao khoán việc dạy con cho giáo viên và nhà trường. Họ quá bận rộn nên không có thời gian quan tâm giáo dục con cùng nhà trường, do đó mọi trách nhiệm đổ hết lên đầu giáo viên. Câu nói mà nhiều giáo viên rất quen thuộc là “Trăm sự nhờ cô”… Bên cạnh đó có phụ huynh lại lo lắng thái quá cho con mình. Nên giáo viên chỉ sai sót một chút là có khả năng bị phụ huynh học sinh “thưa kiện” hoặc chia sẻ thông tin chưa chính xác trên các trang mạng xã hội. Người ta nói giáo viên bây giờ là một nghề “nguy hiểm” quả không sai.
Xã hội cũng đang tạo ra những áp lực lên vai giáo viên. Dư luận xã hội luôn đặt kì vọng cao cho giáo viên đứng lớp và Ngành giáo dục. Theo quan niệm từ xưa đến nay, giáo viên phải là những người chuẩn mực nhất, vừa có tài vừa có tâm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, với sự phát triển của báo chí, của truyền thông mạng thì các tồn tại của Ngành giáo dục, của giáo viên dù là nhỏ nhất cũng được đưa lên với những tiêu đề giật gân. Do đó, thời gian qua xã hội đang nhìn vào những tồn tại của ngành giáo dục, làm hình ảnh của giáo viên dần xấu đi trong mắt mọi người….
Cô giáo Nguyễn Hiền Lương bức xúc: "Dẫu biết rằng vẫn còn có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh. Các hành động trên xảy ra đã để lại nhiều tiếng “xấu” cho ngành giáo dục, những giáo viên trên đã bị xử lý thích đáng. Nhưng đó cũng chỉ là một chấm đen trên tờ giấy trắng. Vẫn còn đó rất nhiều giáo viên hết lòng vì nghề, luôn phấn đấu vươn lên, vượt mọi khó khăn để mang lại kiến thức, tri thức cho học sinh và nhân loại. Có rất nhiều nhà giáo tâm huyết đã ngã xuống vì nghề, nhiều giáo viên xứng đáng được tôn trọng và tôn vinh. Những tấm gương ấy cần được lan tỏa để xã hội có cái nhìn đúng hơn về nghề giáo – “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Cô giáo Hiền Lương cũng nhấn mạnh đến áp lực đến từ chính bản thân mỗi giáo viên. Giáo viên luôn muốn làm tròn các vai xã hội của mình. Do đó, chúng ta đã tự đưa chúng ta và học sinh vào những khuôn khổ, những đích do chúng ta tự đặt ra mà đôi khi không phù hợp với trẻ. Giáo viên luôn mong muốn học sinh phải yêu thích bộ môn của mình, phải học đều các môn, phải ngoan ngoãn lễ phép,… Giáo viên luôn mong muốn học sinh phải giống như con rô-bốt hoàn thành tốt mọi điều mà mình lập trình sẵn. Có như vậy mới là con ngoan, trò giỏi. Và thế là, dồn tất cả mọi áp lực lên vai người giáo viên. Khiến cho chúng ta nhiều lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi; đam mê, nhiệt huyết với nghề giảm sút. Thậm chí có giáo viên còn định bỏ nghề. Rồi giáo viên đã dồn tất cả những áp lực ấy lên đôi vai bé nhỏ của học trò lúc nào không hay. Hậu quả là giáo viên sẽ thường xuyên cáu giận, quát nạt thậm chí trừng phạt khi học sinh không làm đúng yêu cầu, quy định của nhà trường. Và thế là….. với học sinh mỗi ngày đến trường không còn là một ngày vui. Lớp học không còn là lớp học hạnh phúc.
Đồng tình với quan điểm trên, cô giáo Trần Thị Minh Ngọc (giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Xuân Đỉnh) chia sẻ: "Một thao tác trên internet với từ khóa "Áp lực giáo viên" cho ra 58 triệu kết quả. Tất cả những kết quả ấy đã chỉ ra vô số các áp lực mà xã hội, học sinh, phụ huynh, hệ thống quản lý, thể chế, kinh tế.... đang tác động lên người giáo viên và mỗi ngày bào mòn đi những đam mê của nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, theo tôi một thứ áp lực vẫn chưa thực sự được nhắc đến - đó là áp lực từ chính bản thân mỗi giáo viên. Áp lực tự thân- thứ áp lực nội tại mà giáo viên cần chiến thắng và từ đó vượt qua được những áp lực từ các nguồn khác bên ngoài đối với nghề giáo".
Bí quyết triệt tiêu áp lực thành tích
Cô giáo Trần Thị Minh Ngọc cho rằng: Nhìn ở một góc độ tích cực, tự đặt áp lực cho bản thân có tác dụng thúc đẩy mỗi cá nhân phát triển theo định hướng mà cá nhân đó mong muốn. Tuy nhiên, nhìn theo góc ngược lại, áp lực tự thân đã phần nào đó, biến giáo viên thành con người khác, thậm chí đôi lúc vượt qua cả ranh giới đạo đức gây ra những vụ việc đau lòng. Thầy giáo, cô giáo trong các vụ việc đưa ra lí do biện minh cho hành vi của mình là do áp lực thành tích của nhà trường. Nhà trường nào cũng có các quy chế thi đua gắn liền với thành tích, tuy nhiên nếu cô giáo không đặt nặng thành tích một cách hình thức mà coi trọng việc giáo dục thì sự việc này có xảy ra không?
Chia sẻ về cách thoát khỏi áp lực, cô giáo Minh Ngọc nhấn mạnh: "Cần nhìn nhận một cách khách quan, áp lực thành tích trong giáo dục từ đâu mà có, phải chăng từ chính mỗi giáo viên. Trường này ganh đua thành tích với trường khác, giáo viên này ganh đua với giáo viên khác. Nếu mỗi giáo viên, đề cao chuyên môn nghiệp vụ, đề cao hoạt động giáo dục, dành tâm huyết và đam mê cho hoạt động giáo dục mà không vì thành tích, chắc chắn mọi áp lực sẽ rời xa và hoa thơm trái ngọt mà chúng ta tạo ra là "những đứa trẻ sẽ thành nhân..." - sản phẩm trung tâm và quan trọng nhất của nghề giáo, cao quý hơn mọi thành tích mà mỗi cá nhân đạt được trên quãng đường nghề".
Theo cô giáo Minh Ngọc, khi chính bản thân giáo viên triệt tiêu được áp lực thành tích thì chất lượng mỗi giờ dạy nâng lên và chất lượng các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cũng sẽ được khẳng định. Cô giáo Minh Ngọc phân tích: "Các giáo viên đi thi GVDG đều rất căng thẳng và áp lực mặc dù Ban Giám hiệu luôn động viên, tạo điều kiện và không hề đặt áp lực về thành tích. Có những giáo viên mất cả tháng trời chuẩn bị giáo án, dạy thử rất nhiều lần và đến những ngày gần thi thì mất ngủ, sụt cân, thậm chí cứ mỗi lần thi là đau dạ dày... và chỉ mong kỳ thi qua mau. Có những giáo viên vì danh hiệu giáo viên giỏi dàn dựng kịch bản, làm sẵn báo cáo và giao cho học sinh đến tiết dạy thì trình bày như một sản phẩm học sinh. Phải chăng vì áp lực mà thầy cô vô tình hay hữu ý dạy các con "diễn trên một sân khấu đời", mà sự hay dở là sự đánh giá tổng thể của kịch bản, khả năng diễn xuất được thể hiện trơn tru, vẹn toàn. Ở đó diễn viên chính là người nhận giải còn các diễn viên phụ... cũng có được một bài học là "nói dối chân thật".
Khi giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc
Cô Ngọc trăn trở: "Câu hỏi đặt ra là tại sao giáo viên căng thẳng và áp lực đến mức tự gây tổn thương thân thể và tổn thương danh dự trong khi không bị áp chỉ tiêu thành tích, không bị ép buộc đi thi mà tự mình quyết định thi hay không thi. Nếu các thầy cô coi trọng mỗi tiết dạy, soạn bài, tìm phương pháp tối ưu cho bài giảng thường xuyên thì đến khi thi chúng ta chỉ cần tập trung hơn một chút, tìm hiểu học sinh kỹ một chút để cải thiện kỹ thuật và phương pháp cho phù hợp với đối tượng học sinh thì giáo viên không bị căng thẳng. Nếu giáo viên hạ cái tôi của mình xuống một chút, đừng lấy thể diện cá nhân, thể diện trường gánh trên đôi vai của mình, mà mang tư tưởng cầu thị: cuộc thi là dịp để học hỏi, trao đổi, thử sức của bản thân mình, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm hay sáng kiến giải pháp - sư phạm của bản thân... vì một mục tiêu đem đến cho con trẻ những "khoảng trống" trong não bộ để kích thích sự ham học, sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Có lẽ như vậy, giáo viên sẽ có tâm thế thanh thản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều"
Xây dựng lớp học hạnh phúc
Phải gánh chịu những áp lực trong nghề, cô giáo Nguyễn Hiền Lương cho biết, cô luôn khao khát được thay đổi, lấy lại niềm đam mê và nhiệt huyết, xây dựng được một lớp học hạnh phúc. Khao khát được trở thành một giáo viên khiến học sinh thích mà học chứ không phải sợ mà học như trước kia. Chính vì vậy, cô đã mạnh dạn đăng kí tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” do VTV7 và Công đoàn Giáo dục Việt Nam thực hiện. Điều cô nhận ra sau chương trình là: "Khi bản thân mỗi giáo viên thay đổi thì học sinh sẽ thay đổi và nền giáo dục mới thay đổi. Bởi khi giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc và trường học trở thành trường học hạnh phúc".
Từ đó, cô giáo Hiền Lương biết giảm bớt áp lực cho mình và cho học sinh, hạ thấp yêu cầu đối với học sinh. Tạo nhiều hoạt động để cô trò gần gũi, dành nhiều thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý tính cách của mỗi học sinh, suy xét mọi việc dưới nhiều góc độ. Cô thấy mình phải cảm ơn học trò, vì chúng đem lại niềm vui cho cô, đã dạy cho cô về lòng vị tha. Học trò luôn yêu cô giáo của chúng dù cô có những lúc chưa tốt và giáo viên cũng nên yêu cả những điểm chưa hoàn thiện ở trò.
Đặc biệt, cô giáo Hiền Lương cho biết: "Tôi biết chấp nhận sự khác biệt của học trò. Tôi không còn bắt con cá phải leo cây và chấp nhận con tôi không giỏi Toán vì cháu ước mơ làm đầu bếp. Tôi động viên cậu học sinh nhỏ nhất lớp tôi không học được môn nào cả nhưng lại thích lắp ghép, sửa chữa đồ đạc… Tôi không bắt chúng phải học giỏi toàn diện vì tôi biết nhân vô thập toàn. Tôi giúp chúng tìm và phát huy thế mạnh của mình".
Cách kiềm chế những cơn cáu giận mà cô Hiền Lương áp dụng là: "Hít thở sâu khoảng 3 đến 5 giây rồi gọi tên cảm xúc của mình và một vài kĩ thuật khác. Tôi đã thử nghiệm và rất thành công. Đó thực sự là 3 giây kì diệu. Nó khiến cho tâm chúng ta lắng lại, cơn cáu giận được dồn xuống. Và khi chúng ta gọi tên được cảm xúc, chỉ ra nguồn cơn của cơn cáu giận thì tâm trạng của ta cũng thoải mái hơn rất nhiều. Từ đó những giây phút cáu giận thưa hơn. Và thế là tiết học của tôi trôi qua rất vui vẻ. Học sinh mạnh dạn trình bày quan điểm của mình mà không sợ sai, nề nếp kỉ luật cứ thế tiến bộ dần lên. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi lan tỏa được niềm hạnh phúc ấy đến nhiều học sinh".