Thực hiện Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 8/3/2019 về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Trong thời gian qua, việc xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến; tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch văn minh là mục tiêu xuyên suốt được Thành phố đặc biệt quan tâm và chỉ đạo triển khai thực hiện.
Các tiêu chí chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp... phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “người tốt, việc tốt”, “Công dân Thủ đô ưu tú”, “Năm trật tự văn minh đô thị” và việc thực hiện qui tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, qui tắc ứng xử nơi công cộng được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị nhất là công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị được thực hiện quyết liệt, việc đầu tư hạ tầng, chiếu sáng đô thị, trồng mới cây xanh đã tạo nên cảnh quan, bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học của Thủ đô tăng nhanh, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng còn nhiều hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự và môi trường đô thị của một bộ phận tổ chức và người dân chưa cao...
Nhằm tạo sự chuyển biến thật sự rõ nét về xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ Thành phố đến cơ sở tập trung tuyên truyền thực hiện:
1. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong các thôn, làng, tổ dân phố, trong mỗi gia đình và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội “nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”. Giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa, nếp sống và bồi dưỡng phẩm chất cho người Hà Nội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
2. Tiếp tục thực hiện tốt 2 quy tắc ứng xử nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa thương mại và ứng xử nơi công cộng; xây dựng các mô hình văn hóa thanh lịch, văn minh đặc biệt là mô hình văn hóa ứng xử tại bộ phận một cửa, văn hóa giao tiếp thân thiện của người dân với khách du lịch và văn hóa trong cộng đồng các khu chung cư... Phấn đấu mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều là những công dân văn minh, thanh lịch; mỗi thôn, làng, tổ dân phố đều đảm bảo vệ sinh môi trường.
3. Mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh, thành phố và các nước nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, vẻ đẹp, di tích, văn hóa, con người Hà Nội để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và phát triển du lịch.
4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa: xây dựng các biện pháp đồng bộ, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa, các hành vi phi văn hóa. Phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương trong công tác tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc hoặc tới Thủ đô công tác, tham quan du lịch chấp hành những quy chế về nếp sống của Thủ đô. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa để người dân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa tham gia tổ chức, thụ hưởng các giá trị văn hóa.
5. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị và 2 quy tắc ứng xử; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị, địa phương đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường... lên án, phê phán các hành vi, trường hợp thiếu văn hóa, không phù hợp với truyền thống thanh lịch của người Hà Nội.
6. Thực hiện tốt 2 quy tắc ứng xử gắn với Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người tốt - Việc tốt” và phong trào của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 25/2/2019, Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/01/2014, Chỉ thị số 04/2003/CT-UB ngày 17/01/2003 của UBND thành phố Hà Nội và các văn bản chỉ đạo khác của Thành phố về công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị để Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Để thực hiện tốt xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố đòi hỏi phải có sự đoàn kết đồng thuận và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, ngành; đề nghị MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội từ Thành phố đến cơ sở nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai ngay nhiệm vụ được giao; đồng thời đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, các tầng lớp nhân dân thủ đô, nhân dân cả nước và người nước ngoài đến với Thủ đô ủng hộ và tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện./.