Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, ngày 15/7/2020, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn số 2582/BGDĐT-GDĐH gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, hiện nay, có nhiều du học sinh đã trở về nước và có nguyện vọng được tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Thực hiện Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành, để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, Bộ GDĐT đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc. Đó là xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường, bảo đảm người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.
Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm
Các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành. Đồng thời rà soát, mở rộng các đối tác để phát triển các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các hình thức hợp tác giáo dục khác.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo của các trường ĐH cho biết, các trường đã sẵn sàng để tiếp nhận du học sinh về nước học tập với nhiều chương trình học phong phú giúp sinh viên có thể lựa chọn các chương trình học tương đồng với chương trình các em học ở nước ngoài. Đây cũng là cơ hội giúp các em nhìn nhận lại giáo dục đại học của Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết cùng với công văn của Bộ GDĐT, trường cũng yêu cầu các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng chương trình học chi tiết hơn, theo đó, công bố từng chương trình, từng loại hình đào tạo, chương trình liên kết nào do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng hay do trường đối tác quốc tế cấp bằng… Như vậy, các em có thể nắm được điều kiện và nộp hồ sơ.
Với tâm thế sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ sinh viên không bị gián đoạn học tập, Đại học Bách khoa Hà Nội có 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh cho các ngành mũi nhọn về khoa học công nghệ và 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngoại ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật. Đối với Đại học Ngoại thương, các lưu học sinh cũng có nhiều chương trình học phù hợp để lựa chọn, trong đó có chương trình liên kết do trường đối tác quốc tế cấp bằng hoặc do trường tại Việt Nam cấp bằng và có cả song bằng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý những sinh viên đã có phần lớn thời gian học tại nước ngoài khi trở về học tập tại Việt Nam mà vẫn muốn cấp bằng của trường nước ngoài đang theo học, trước tiên, các em phải làm thủ tục bảo lưu trong trường hợp 2 trường chưa có thỏa thuận liên kết đào tạo. Và trong quá trình ở Việt Nam, các em tiếp tục tích lũy các tín chỉ để sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát có thể quay trở lại nước sở tại và hoàn thành chương trình học.