Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phát biểu tại Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp – Phó Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam cho biết, sau 10 năm tổ chức triển khai, thực hiện Cuộc vận động và 2 năm triển khai Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) về rèn luyện đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động GD&ĐT...
Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện CVĐ, Phong trào thi đua được phát hiện, biểu dương kịp thời. Đó là những tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, tinh thần say mê, bền bỉ, cần cù và sáng tạo trong lao động sư phạm; yêu nghề, yêu người, tận tâm với sự nghiệp trồng người đã tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ. Toàn ngành GD đang chung sức thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Để góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, CĐGD Việt Nam cần phối hợp với công đoàn các tỉnh, thành, các cơ sở GD tiếp tục đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua và CVĐ, trọng tâm là thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” và CVĐ “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Nhiều nhà giáo phấn đấu vào ĐCSVN, coi đây là cơ hội để rèn luyện, trưởng thành và cũng là nhiệm vụ đối với bản thân là sự tiếp nối truyền thống của nhà trường, đơn vị.
Đặc biệt, hưởng ứng CVĐ, đội ngũ nhà giáo trên toàn quốc đã không ngừng học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học để phục vụ cho công tác giảng dạy, chú trọng nâng cao trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo, đạt theo chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn cán bộ quản lý. Cùng với đó, việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV, giảng viên ở các đơn vị, trường học, các địa phương được quan tâm, triển khai, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ GV, giảng viên được tham gia các khóa đào tạo, bối dưỡng, tập huấn trong nước và nước ngoài...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, thời gian qua hoạt động của một số đơn vị chưa hiệu quả; việc xây dựng kế hoạch thực hiện còn chung chung, chưa đưa ra được chỉ tiêu phấn đấu, biện pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả CVĐ; Công tác phối hợp giữa công đoàn với chính quyền đồng cấp và các tổ chức khác trong nhà trường trong công tác chỉ đạo ở một số đơn vị chưa thực sự rõ nét, chưa được thể hiện bằng văn bản pháp lý; tuyên truyền, GD còn chưa thường xuyên, một bộ phận nhà giáo chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của CVĐ và Phong trào thi đua. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của nhà giáo, cán bộ quản lý GD về CVĐ và phong trào thi đua ở một vài đơn vị chưa được chú trọng. Công tác tuyên dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt để nhân rộng điển hình chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
Phong trào thi đua ở một số địa phương chưa được các tập thể, cá nhân nhận diện đầy đủ nội hàm của phong trào với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, nên khi thành lập các “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” đã đặt ra yêu cầu quá cao hoặc quá đơn giản trong mục tiêu đổi mới trong công việc. Vì vậy, nhiều CBNGNLĐ đã có sự đổi mới trong việc làm hàng ngày, mang lại hiệu quả không nhỏ trong công tác và giảng dạy nhưng đã không đăng ký và không tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc...
Để CVĐ và phong trào thời gian tới đạt được hiệu quả hơn, công đoàn các tỉnh, các trường, các cơ sở GD cần kiện toàn hoặc thành lập BCĐ CVĐ, Phong trào thi đua; phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên trong BCĐ. CBQL và cán bộ CĐGD các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện.Cần lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ, lồng ghép việc tổ chức thực hiện CVĐ, Phong trào thi đua với các phong trào thi đua, các CVĐ khác trong Ngành; Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án văn hóa ứng xử trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, GD; tọa đàm, hội thảo về tấm gương đạo đức HCM, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc và phát huy phẩm chất đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo của các nhà giáo tiêu biểu...
Các đại biểu dự Hội nghị đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao nghiên cứu khoa học, phương pháp giảng dạy… hơn nữa của CVĐ “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong thời gian tới...
Tại Hội nghị 7 tập thể được nhận Cờ thi đua, 91 tập thể và 189 cá nhân được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp trong CVĐ “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Trong đó, ngành GDĐT Hà Nội có 2 tập thể là Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, Trường MG Việt Triều hữu nghị và 04 cá nhân là đ/c Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, đ/c Phạm Gia Hữu – Trưởng Phòng GDĐT quận Thanh Xuân, đ/c Dương Thị Thu Hà – Giáo viên trường THPT Lê Lợi và đ/c Nguyễn Thị Mai – Giáo viên trường THCS Cầu Giấy được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.