*Cấp học mầm non:
Tính đến nay, TP Hà Nội có 581/584 phường xã có trường mầm non công lập. Tổng số trường mầm non trên toàn TP là 1.102 trường, trong đó công lập là 765 trường; dân lập, tư thục 337 trường (tăng 46 trường so với cùng kỳ năm trước). Tổng số nhóm, lớp mầm non là 22.278, tăng 1.987 nhóm, lớp so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Năm học 2017 – 2018, Hà Nội đã huy động được 597.456 trẻ ra lớp, tăng 19.257 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Số trẻ học tại trường mầm non công lập là 429.548 trẻ, chiếm tỷ lệ 72% (tăng 19.257 trẻ). Có 73% trẻ khuyết tật được huy động học hòa nhập, trong đó 81,2% trẻ hòa nhập được can thiệp sớm. 30/30 quận, huyện, thị xã; 583/584 xã, phường đạt và duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Còn xã Đồng Thái, huyện Ba Vì chưa đạt chuẩn phổ cập do đang hoàn thiện cơ sở vật chất.
Năm học vừa qua, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ được thực hiện đạt kết quả tốt. Các trường đã xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập. Trong năm học không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, không xảy ra vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc trẻ.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, nhiều trường đã xây dựng thực đơn, cải tiến kỹ thuật chế biến món ăn cũng như đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn đa dạng, ngoài hình thức tổ chức ăn theo bàn, chia định suất bát, khay còn có ăn buffet, bữa ăn gia đình. Đã có 118.157 trẻ được ăn bán trú, đạt tỷ lệ 98,2%; trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể trẻ thấp còi nhà trẻ 2,8%, mẫu giáo 2,6%.
Năm học 2017 – 2018 toàn cấp học có 57 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu kế hoạch 28 trường – 200%, nâng số trường chuẩn quốc gia lên 408, đạt 37% (tính riêng công lập đạt 51%), trong đó có 27 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2.
Thành phố tiếp tục cấp ngân sách bồi dưỡng đại trà 100% cho CBQL, GV chuyên đề “Điều chỉnh chương trình GDMN và đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục lĩnh vực phát triển nhận thức” với tổng số người được bồi dưỡng là 49.737 người, tăng 9.068 giáo viên so với năm học trước giúp giáo viên có được sự định hướng trong việc lựa chọn các hoạt động, hình thức tổ chức và tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm, tận dụng hiệu quả các phòng chức năng và các khu vực trong trường để tổ chức cho trẻ học thông qua chơi.
Bước vào năm học 2018 – 2019, cấp học mầm non tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng phát triển quy mô mạng lưới cơ sở GDMN, tăng tỷ lệ huy động trẻ. Củng cố nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm... Cùng với đó, các nhà trường quan tâm đổi mới cách đánh giá sự phát triển của trẻ; Đầu tư, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý dạy và học; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bồi dưỡng thường xuyên cho CBQL, GV. Giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức nhà giáo tới 100% CBQL, GV, NV, chú trọng phong cách, đồng phục làm việc, biển tên theo vị trí việc làm; Nghiên cứu áp dụng mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới vào GDMN. Tăng cường các hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm quốc tế…
Ghi nhận những kết quả mà bậc học mầm non đã đạt được trong năm học vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị: Năm học 2018-2019, phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã cùng các trường mầm non tập trung vào thực hiện 6 nội dung cụ thể. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường mầm non, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến lớp; phát triển quy mô đảm bảo nhu cầu đa dạng của trẻ. Cùng với đó là làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi mở rộng hệ thống trường tư thục…
Các địa phương tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia; thực hiện gom điểm lẻ, cải tạo cơ sở vật chất các trường, trong đó chú trọng khai thác, duy tu, bảo quản. Quan tâm đến công tác cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, đặc biệt là huyện Chương Mỹ, Quốc Oai cần tăng cường công tác vệ sinh để đảm bảo an toàn đón học sinh tới trường.
Giám đốc Sở cũng lưu ý các nhà trường phải nâng cao hoạt động chăm sóc trẻ, đảm bảo môi trường sư phạm, môi trường văn hóa học đường; Xây dựng kế hoạch chăm sóc trẻ cụ thể cho cả năm học; Chú trọng bồi dưỡng, năng lực quản lý của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các đơn vị; Các phòng giáo dục, các nhà trường, tập trung triển khai tốt chương trình Sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học. Các cán bộ quản lý, thầy cô giáo cần hiểu rõ ý nghĩa của chương trình và truyền thông vận động một cách tích cực nhất để cha mẹ học sinh hiểu được tính nhân văn của chương trình Sữa học đường cùng tham gia thực hiện; Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin những việc đã làm được cho xã hội, cha mẹ học sinh được biết…
*Cấp tiểu học:
Năm học 2017-2018, tất cả các cơ sở giáo dục và các nhà trường cấp tiểu học đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND TP và của ngành. Nhờ đó, kết quả các hoạt động giáo dục đều đạt và vượt so với các chỉ tiêu đề ra.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu tại hội nghị
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được duy trì giữ vững và nâng cao. Toàn thành phố đã huy động được 100% trẻ 6 tuổi ra lớp. Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 98,9%, số trẻ còn lại đang học các lớp tiểu học. Năm 2017, thành phố Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III.
Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng cao. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các nhà trường thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lồng ghép vào các chủ đề trong chương trình giảng dạy gắn với cuộc vận động xây dựng Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch. 100% các trường dạy đúng, đủ chương trình môn Đạo đức. 100% các trường thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ năm học, đặc biệt là các nội dung đổi mới nâng cao chất lượng dạy học. Sở tiếp tục quan tâm đến chất lượng dạy học giữa các vùng miền trên địa bàn thành phố; chỉ đạo đẩy mạnh nâng cao chất lượng, đổi mới sinh hoạt tổ, khối chuyên môn; tạo điều kiện cho giáo viên chủ động trong việc thực hiện nội dung, chương trình đối với từng bài cụ thể đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương và trình độ học sinh. Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các môn như Tiếng Việt, Đạo đức, Lịch sử và Địa lý… Vì vậy, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập và đạt các tiêu chí về năng lực phẩm chất đều đạt cao.
Năm học vừa qua, số học sinh được học 2 buổi/ ngày tiếp tục tăng (96,3%). Chất lượng dạy và học ngoại ngữ không ngừng được nâng cao. Công tác quản lý chỉ đạo và bồi dưỡng đội ngũ được quan tâm đầu tư. Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên; Đẩy mạnh công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia và trường Chất lượng cao. Trong năm 2017 có thêm 32 trường đạt CQG (vượt chỉ tiêu 9 trường). Tính đến hết tháng 12 năm 2017, toàn thành phố đã có 488 trường tiểu học đạt CQG đạt tỷ lệ 65,4% (trong đó có 19 trường đạt CQG mức độ II).
Năm học 2018-2019, cấp tiểu học sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục; Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phấn đấu 75-80% trường đạt CQG. Đa dạng hóa các loại hình trường học phục vụ đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh; Đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo vươn tới chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đẩy mạnh đào tạo trình độ trên chuẩn…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của cấp tiểu học, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh:
Trước tình trạng sĩ số học sinh ở một số trường trong các khu chung cư mới lên tới 60 học sinh/lớp, các phòng GD&ĐT cần căn cứ vào số lượng để điều chỉnh phân bố chỉ tiêu tránh trường hợp trong cùng khu vực, trường thì có sĩ số học sinh đông quá, trường lại ít quá. Việc phân tuyến khu vực tuyển sinh phải được tuyên truyền tốt để phụ huynh học sinh hiểu. Khi sĩ số học sinh trên lớp tăng cao, các trường cố gắng tận dụng cơ sở vật chất để chia lớp, làm sao giảm sĩ số xuống đến mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, các phòng GD&ĐT tích cực tham mưu với lãnh đạo địa phương để có quỹ đất xây trường.
Liên quan đến cơ sở vật chất, trước khi vào năm học mới, các nhà trường phải rà soát lại mọi chỗ, mọi nơi trong trường đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh. Nhà vệ sinh không chỉ đủ mà phải đảm bảo sạch sẽ. Về công tác tuyển dụng giáo viên, phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và quy định của UBND các quận, huyện, thị xã, có thẩm định, dự giờ, đánh giá chuyên môn chọn ra người xứng đáng nhất để tránh bị khiếu kiện. Từ năm học này, Hà Nội sẽ triển khai chương trình Sữa học đường dành cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, sau khi UBND TP ban hành kế hoạch cụ thể, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn đến các nhà trường để tập huấn, triển khai thực hiện.
* Cấp THCS:
Giáo dục THCS năm học 2017 – 2018 đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Toàn thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, tính đến tháng 5/2018, Hà Nội đã kiểm tra công nhận được 488/615 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 66,34%). Trong đó có một số quận, huyện tỷ lệ cao như Thanh Xuân, Quốc Oai (90,91%), Bắc Từ Liêm (90%)… Quy mô phát triển, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ổn định và phát triển. Học sinh THCS tham gia 4 cuộc thi cấp quốc tế và giành tổng số 38 giải Vàng, 25 giải Bạc, 16 giải Đồng.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội nghị
Giáo dục THCS cũng đã hoàn thành và ban hành chuẩn đầu ra, khung chương trình Việt Nam học áp dụng cho các trường có vốn đầu tư nước ngoài dạy học với chương trình nước ngoài cho học sinh Việt Nam, đồng thời hoàn thành và biên soạn, thẩm định, đưa vào thí điểm tài liệu này ở lớp 6 trong 12 trường THCS trên địa bàn thành phố.
Năm học 2018 – 2019, một trong những điểm mới của cấp THCS là thí điểm chương trình tú tài phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc – chứng chỉ A level của Cambridge tại 7 trường: quận Cầu Giấy (THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân), quận Tây Hồ (THCS Chu Văn An), quận Thanh Xuân (THCS Thanh Xuân), quận Hoàn Kiếm (THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Trưng Vương), THCS chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang biểu dương sự cố gắng của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và sự phấn đấu của học sinh cấp THCS đã góp phần tạo nên thành tích chung của cả ngành. Phó Giám đốc lưu ý các trường về đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 cấp THPT, lớp 6 năm học 2019 – 2020. Đồng thời, xây dựng tốt kế hoạch nhà trường theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thiết bị dạy học hiệu quả.
Năm học 2019 – 2020, Hà Nội dự kiến có sự đổi mới trong cách tuyển sinh vào lớp 10. Hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 có sự tham dự của hiệu trưởng tất cả các trường THCS trên địa bàn Thành phố. Tại hội nghị, lãnh đạo các trường đã nhận được phiếu góp ý, chọn lựa phương án thi vào lớp 10 năm học 2019 – 2020.
PGĐ Lê Ngọc Quang cũng đề nghị các quận, huyện quan tâm công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, lưu ý đến việc công nhận lại; xây dựng nhà vệ sinh trường học để đảm bảo sức khỏe cho các em; nâng cao kỷ cương hiệu quả hành chính; quản trị của nhà trường cần hướng tới sự chuyên nghiệp; các trường cần quan tâm giáo dục kỹ năng sống, nếp sống thanh lịch văn minh, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường cho các em học sinh.
* Cấp THPT:
Năm học 2017 – 2018, toàn thành phố có 212 trường THPT, trong đó có 112 trường công lập, 4 trường hiệp quản, 96 trường dân lập, tư thục đang hoạt động. Trong năm học này, việc dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và chuyên đề được triển khai rộng khắp và bước đầu có hiệu quả. Việc đổi mới trong kiểm tra đánh giá đã được triển khai nghiêm túc ở tất cả bộ môn thông qua các đợt tập huấn, các chuyên đề chuyên sâu cấp Thành phố.
Toàn cảnh hội nghị
Một số trường có điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 không cao nhưng đã cố gắng trong giảng dạy nên đã có học sinh được chọn vào đội tuyển tham dự kỳ thi HSG quốc gia như THPT Đại Mỗ, THPT Trung Văn, THPT Ba Vì, PT Dân tộc Nội trú…
Về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, chỉ tiêu thành phố giao năm 2017 với cấp học THPT là 7 trường, kết quả đã có 8 trường đạt chuẩn (vượt kế hoạch 1 trường).
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỷ lệ học sinh lớp 12 THPT tốt nghiệp là 99,38%. Học sinh Hà Nội giành được nhiều giải cao tại các cuộc thi quốc tế như: Kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn, thi khoa học trẻ quốc tế (IJSO), Thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC)… Kết quả trên cho thấy chất lượng giáo dục Thủ đô vẫn giữ vững ổn định và phát triển.
Năm học 2018 – 2019, cấp THPT sẽ tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên "nghiên cứu khoa học"; nâng cao năng lực của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, hội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh.
Cấp THPT cũng khuyến khích triển khai thí điểm dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (như Toán và các môn khoa học) bằng ngoại ngữ tại các trường THPT chuyên và các trường có đủ điều kiện.
Tham mưu cho chính quyền các cấp ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT vì đây là cấp học có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho 2 huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn là Phú Xuyên và Ba Vì.
PGĐ Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, năm học mới sẽ thay đổi kiểm tra thanh tra, không chỉ thanh tra hành chính, công vụ mà còn đẩy mạnh công tác thanh tra sư phạm. Đồng thời tăng cường tự thanh tra, tự quản trị cơ quan. Về công tác quản lý của các trường THPT công lập, Phó Giám đốc đề nghị các trường cần nghiêm túc chấp hành các nghị định, thông tư quy định về giáo dục.