*Cấp học mầm non:
Sáng 12/8, hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017 cấp học Mầm non đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Hoàng Thanh Hương cho biết, nhận thức của xã hội, của nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của cấp học mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được nâng cao. Sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND các cấp là động lực giúp cho giáo dục MN phát triển ổn định, bền vững. Qua tổng kết Đề án “Nâng cao chất lượng GDMN TP Hà Nội đến năm 2015” với những kết quả đạt được tại 30 quận, huyện, thị xã, đã tạo ra sự chuyển biến toàn diện của cấp học MN. Các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ cơ cấu, chế độ đãi ngộ được quan tâm là điều kiện cơ bản, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng.
Giám đốc Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo hội nghị
Đặc biệt, chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Việc xây dựng được 8 trường MN công lập/6 phường của quận Hai Bà Trưng và Đống Đa đã giải quyết dứt điểm vấn đề xã hội, đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh. Ngoài ra, khoảng cách chất lượng giữa các vùng miền đã được rút ngắn, công tác quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập từng bước ổn định, đảm bảo công bằng trong chăm sóc giáo dục trẻ....
Hà Nội hiện có 1.012 trường mầm non (tăng 45 trường so với cùng kỳ năm trước). Số giáo viên hiện có trên 62.000 người (tăng 4.320 giáo viên so với năm trước). 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn, giáo viên trên chuẩn là 53%.
Năm học 2015-2016, có 37 trường được công nhận đạt Chuẩn quốc gia, đạt 106% kế hoạch năm, nâng tổng số trường chuẩn lên 301 trường, đạt tỷ lệ 29,7% (tính riêng công lập đạt tỷ lệ 38,2%), trong đó có 19 trường đạt chuẩn mức độ 2. Cơ bản các khu công nghiệp lớn trên địa bàn thành phố đã được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non, đáp ứng nhu cầu gửi con của nữ lao động các khu công nghiệp…
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, GDMN vẫn còn những khó khăn, bất cập tồn tại trong năm học 2015 - 2016. Nhiều trường sĩ số trẻ đông, trên 60% trẻ/lớp, ảnh hưởng đến công tác quản lý lớp học và hạn chế trong tổ chức các hoạt động theo chế độ sinh hoạt một ngày. Việc quy hoạch mạng lưới, gom điểm lẻ ở các quận, huyện, thị xã còn khó khăn. Còn nhiều trường có 4 – 6 điểm lẻ, còn phòng học cấp 4, học nhờ, học tạm... Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại trên là do những năm gần đây tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh trong năm học, trẻ MN đến trường tăng hơn 35.000 ngàn trẻ; tiến độ xây dựng trường chậm, quá trình quy hoạch xây dựng mất nhiều thời gian, thiếu quỹ đất ở nội đô, thiếu kinh phí ở ngoại thành...
Trong năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tham mưu, xây dựng và trình Thành phố ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; Tiếp tục tham mưu với UBND TP có cơ chế hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện phổ cập, đảm bảo 100% xã, phường được công nhận đạt chuẩn phổ cập vào năm học 2016-2017, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường công lập tại 3 phường chưa có trường mầm non công lập do tách huyện thành lập quận (Đức Thắng- Bắc Từ Liêm; Mỹ Đình II, Cầu Diễn- Nam Từ Liêm); Tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ…
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận những kết quả đạt được của cấp học GDMN năm học 2015-2016, biểu dương thành tích xuất sắc của các nhà trường trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Giám đốc cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại mà các nhà trường cần tích cực chung tay tháo gỡ trong năm học mới. Giám đốc đề nghị, trong thời gian tới, cấp học mầm non tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Toàn thành phố rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường học, đảm bảo hợp lý số trường học trên địa bàn, sĩ số học sinh trên lớp và số lớp trên trường; Đảm bảo quy chế chuyên môn, an ninh, an toàn trường học; Duy trì phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi theo hướng bền vững và hiệu quả; Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV, xây dựng các chế độ, chính sách hợp lý, thỏa đáng để CBGV mầm non yên tâm làm việc; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh xây dựng trường Chuẩn quốc gia, tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý và chăm sóc nuôi dạy trẻ; Tiếp tục đổi mới công tác quản lý trong nhà trường…
*Cấp Tiểu học
Năm học 2015- 2016, toàn thành phố có 711 trường tiểu học (tăng 1 trường so với năm học trước đó), trong đó số trường đạt Chuẩn quốc gia là 435 trường (tăng 25 trường). Tính đến hết năm 2015, toàn thành phố đã có 5 trường được công nhận trường Chất lượng cao. Các trường tiểu học đã dành sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt trong việc chỉ đạo các các hoạt động dạy – học đối với học sinh lớp 1. Toàn Thành phố đã huy động 100% trẻ 6 tuổi ra lớp 1. Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,24%. Tất cả 30 quận, huyện, thị xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Năm học vừa qua, toàn thành phố cũng có 14.784 học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày (đạt 94,09%, tăng 2,02% so với năm trước). Nhiều trường đã tăng cường dạy môn Tiếng Anh lớp 3,4,5 theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Tất cả các trường tiểu học đã thực hiện tốt đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT.
Năm học 2016 – 2017, cấp tiểu học tiếp tục quan tâm đến việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Cấp tiểu học phấn đấu hết năm 2016 có 452 trường đạt Chuẩn quốc gia (đạt 63,6%). Trong năm học này, các trường tiểu học không được dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào; không tổ chức câu lạc bộ ôn luyện các môn văn hóa như Toán, Tiếng Việt; không giao bài tập về nhà; tuyệt đối không dạy quá tải, giảm việc học thuộc lòng, khuyến khích tối đa sự sáng tạo của học sinh. Tiếp tục thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh. Ngoài ra, Sở GD&ĐT khuyến khích các trường tổ chức bán trú cho học sinh một cách linh hoạt và phải đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu tuyển đối tác cung cấp thực phẩm, đến khâu giao nhận, chế biến…
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã đề nghị các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Để nâng cao chất lượng đội ngũ, các trường cần quan tâm đến tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, thực hiện các phong trào của ngành, cụ thể như “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực - Nhà giáo mẫu mực”. Các trường cũng cần tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, đánh giá học sinh. Các trường cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhưng phải làm đúng quy trình, tạo được sự đồng thuận của CMHS, đảm bảo thiết thực phục vụ học sinh trong công tác dạy và học.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Các địa phương, các trường học cần quan tâm đến quy mô phát triển giáo dục tiểu học. Cần lưu ý tới tốc độ và quy mô tăng dân số để có lộ trình phát triển phù hợp, phân bố hợp lý học sinh giữa các trường, các địa phương, giảm tình trạng quá tải học sinh. Bên cạnh đó, các trường phải nâng cao giáo dục một cách thực chất, đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, quan tâm đến từng cá nhân học sinh, không để học sinh nào bị lãng quên; đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển đội ngũ, từ khâu tuyển chọn, bồi dưỡng; phấn đấu xây dựng trường học “dạy tốt – học tốt – quản lý tốt”.
*Cấp THCS
Năm học 2015 – 2016, cấp THCS đã đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong các môn học; đảm bảo cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học. Nhiều cuộc thi thiết thực được tổ chức cho học sinh như: viết về nếp sống thanh lịch văn minh; thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật; vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn… Các em đã đạt 7 HCV, 36 HCB, 32 HCĐ và 10 giải khuyến khích trong các cuộc thi cấp quốc tế như: Toán học trẻ quốc tế (IMC), Vô địch Toán quốc tế (WMTC), Olympiad Toán và khoa học quốc tế (IMSO)… Đặc biệt, năm học qua, lần đầu tiên Hà Nội tiến hành khảo sát học sinh toàn thành phố với hai môn Ngữ văn và Toán. Cấp THSC cũng đã bước đầu tiến hành phân luồng học sinh. Các trường THPT đã áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến, phương pháp giáo dục hiện đại như mô hình trường học mới VNEN, trường học kết nối…
PGĐ Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội nghị
Năm học 2016 – 2017, cấp THCS tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; đồng thời tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục kết hợp với đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, tăng cường quản lý công tác đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, trong đó, đổi mới việc thi HSG lớp 9 với các môn văn hóa, thi nghiên cứu khoa học IJSO và thi HSG các môn kỹ thuật, thi GVDG chuyên đề và các môn văn hóa.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang khẳng định: Năm học 2016 – 2017 là năm học có nhiều điểm mới chính vì vậy các đơn vị cần nắm rõ chủ trương, kế hoạch giáo dục, tinh thần đổi mới của ngành. PGĐ Sở đề nghị, các phòng GD&ĐT cũng như các trường THCS trên toàn thành phố phải quan tâm hơn nữa đến xây dựng trường chuẩn quốc gia, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó chú ý đến việc giáo dục kỹ năng sống, Luật an toàn giao thông. Đặc biệt, các trường THCS phải tuyệt đổi chấp hành các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi tài chính.
*Ngành học Giáo dục thường xuyên:
Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành học GDTX diễn ra chiều 11/8 có sự tham dự của TS.Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT); NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà.
Năm học 2015-2016, cùng với sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành, ngành học GDTX Hà Nội đã triển khai và thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học đề ra. Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục ổn định và phát triển với 31 TTGDTX, 584 trung tâm HTCĐ, 120 trung tâm ngoại ngữ tin học, 87 trung tâm bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng. Tổng số học viên theo học các chương trình GDTX là hơn 1,3 triệu học viên.
100% TTGDTX tiếp tục xây dựng và triển khai nhiệm vụ năm học theo mô hình TTGDTX thực hiện đồng thời các nhiệm vụ GDTX – hướng nghiệp – dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân. Công tác xóa mù chữ được đẩy mạnh nhờ đó, năm 2016 số người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ đạt tỷ lệ 99,92%. Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2 đạt tỷ lệ 100%. Số quận, huyện, thị xã đạt chuẩn XMC mức độ 2 cũng đạt tỷ lệ 100%.
Năm học vừa qua, ngành học GDTX cũng đã không ngừng đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực của người học. Kết quả học tập của học viên nhờ đó cũng có những chuyển biến tích cực. Năm học 2015-2016, trong kỳ thi giải toán trên MTCT cấp Thành phố có 155 học viên dự thi. Kết quả có 4 giải Nhất, 19 giải Nhì, 24 giải Ba và 34 giải Khuyến khích. Cuộc thi Olympic tiếng Anh có 146 học viên tham dự, kết quả đạt 2 giải Nhất, 19 giải Nhì, 24 giải Ba và 29 giải Khuyến khích; 261 em đạt giải trong kỳ thi học viên giỏi các môn văn hóa cấp Thành phố. Tại kỳ thi giải toán trên MTCT cấp Quốc gia có 5 học viên dự thi, kết quả có 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích).
Toàn cảnh hội nghị
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học, các TTGDTX đã tích cực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng và lựa chọn các chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp với đối tượng và điều kiện cụ thể của đơn vị, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học nhằm thu hút nhiều người học, góp phần hình thành, phát triển những kỹ năng sống, giá trị sống cơ bản cần thiết cho học sinh trong trung tâm và học sinh, sinh viên, người dân trong cộng đồng.
Phát huy những thành tích đã đạt được, năm học 2016-2017, ngành học GDTX tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động các TTGDTX; Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học phục vụ hoạt động tại các cơ sở GDTX; Chỉ đạo tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho học viên…
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã biểu dương ghi nhận những thành tích mà ngành GDTX đạt được trong năm học 2015-2016 và đề nghị năm học 2016-2017, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh quy mô giáo dục thường xuyên, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, xây dựng, phát triển chương trình, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học theo Nghị quyết số 29/NQ- TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo…