* Cấp học Mầm non:
Hội nghị sơ kết HKI và triển khai nhiệm vụ HKII năm học 2015 – 2016 được tổ chức trực tuyến với điểm cầu của 30 quận, huyện. Báo cáo cho thấy, quy mô giáo dục mầm non Thủ đô tiếp tục phát triển với tổng số 1.003 trường mầm non, tăng thêm 36 trường, thêm 22 nghìn trẻ so với năm học trước. Thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, Hà Nội đã xây dựng thêm 1 trường mầm non với diện tích 5 nghìn mét vuông đất, kinh phí 20 tỷ đồng tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long phục vụ cho con công nhân, đây cũng là công trình chào mừng thành công đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được quan tâm. Tổng số trẻ dưới 3 tuổi ra lớp đạt 35,3% (vượt chỉ tiêu đầu năm 0,3%), trẻ khuyết tật được hòa nhập đạt 78,7% (vượt chỉ tiêu đầu năm 3,7%).
PGĐ Phạm Thị Hồng Nga phát biểu tại hội nghị trực tuyến
Cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường, công tác xây dựng, cải tạo, sửa chữa, gom điểm lẻ, tách trường, mua sắm trang thiết bị được đầu tư lớn nhất từ trước đến nay đã tạo ra điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng. Liên tục trong 3 năm, cấp học mầm non Hà Nội vượt chỉ tiêu xây dựng trường Chuẩn quốc gia. Năm 2015 có thêm 41 trường đạt chuẩn (vượt chỉ tiêu 1 trường)
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non phát triển mạnh nhất từ trước tới nay. So với năm học trước, cán bộ quản lý cấp học mầm non tăng 183 người, giáo viên tăng hơn 3 nghìn người và nhân viên tăng hơn 2 nghìn người, tất cả đều đạt chuẩn đào tạo. Trong đó, 96,7% cán bộ quản lý, 52,8% giáo viên, 55,9% nhân viên có trình độ trên chuẩn. Trong HKI vừa qua, ngành GD&ĐT Hà Nội có nhiều đổi mới trong hình thức, nội dung bồi dưỡng cho đội ngũ cán, bộ, giáo viên, nhân viên mầm non. Các lớp bồi dưỡng có sự phối hợp, tham gia của cả chuyên gia của Việt Nam và nước ngoài. Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng đã tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục mầm non. Trong HKI đã có 106 trường được đánh giá (đạt 26%), cao hơn so với tỷ lệ của toàn quốc (18,3%).
Trong HKII, cấp mầm non có 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020” trình UBND thành phố; triển khai hiệu quả việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ, chuyên đề phát triển vận động và Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Chú trọng rèn luyện kỹ năng, tâm thế cho trẻ vào lớp 1 nhưng không được dạy trước chương trình lớp 1…
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga nhận định: Trong học kỳ vừa qua, tuy quy mô giáo dục mầm non phát triển nhưng công tác tuyển sinh thực hiện tốt, bài bản, công khai, minh bạch. Tới đây công tác tuyển sinh sẽ làm theo phương pháp trực tuyến, vì vậy các trường, các phòng cần theo dõi để thực hiện công tác này tốt hơn. PGĐ Sở cũng đề nghị cấp học mầm non quan tâm quản lý, kiểm tra chặt chẽ các nhóm trẻ, các trường ngoài công lập; tiếp tục gom điểm lẻ, tách trường, xây dựng trường Chuẩn quốc gia, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố; bồi dưỡng giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng chuẩn nghề nghiệp, đặc biệt là bồi dưỡng trình độ tiếng Anh và tin học.
*Cấp học Tiểu học:
HKI năm học 2015-2016, tất cả các cơ sở giáo dục và các nhà trường đã tổ chức triển khai và thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ và phong trào theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố và của ngành. Kết quả các hoạt động giáo dục đều đạt và vượt so với chỉ tiêu được giao.
Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua diễn đàn thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy lồng ghép vào các chủ đề trong chương trình giảng dạy gắn với cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”. Thực hiện nghiêm túc nền nếp chào cờ thứ 2 hàng tuần. 100% các trường dạy đúng, đủ chương trình môn Đạo đức, duy trì tốt kỷ cương trường lớp, ý thức đạo đức và phẩm chất của HS ngày càng được nâng cao.
Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm đến chất lượng dạy học giữa các vùng miền trên địa bàn Thành phố. 100% các phòng GD, các trường đã quan tâm đặc biệt trong việc chỉ đạo dạy, học và tổ chức các hoạt động đối với học sinh lớp 1 như: ưu tiên về cơ sở vật chất; phân công giáo viên có trình độ, kinh nghiệm, nhiệt tình dạy lớp 1; tăng cường dự giờ đối với giáo viên lớp 1. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thí điểm có hiệu quả mô hình trường học mới VNEN, HKI vừa qua đã có thêm 56 trường áp dụng nhân rộng mô hình này. Tính đến nay đã có 114 trường ở 30 quận, huyện, thị xã áp dụng thí điểm mô hình VNEN.
HKI năm học 2015 – 2016, các trường TH trên địa bàn Thành phố đã luôn quan tâm và có nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nâng cao năng lực và phẩm chất HS từ đó kết quả giáo dục toàn diện HS đã được nâng cao rõ rệt. Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình học tập và đạt các tiêu chí về năng lực, phẩm chất đạt trên 99,5%. Các hội thi và các cuộc giao lưu HSG đạt nhiều thành tích tốt.
Quy mô trường lớp, HS và chất lượng học 2 buổi/ngày được tăng lên. Toàn Thành phố có 14.784 lớp với 586.200 HS được học 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ 94,09% tổng số HS, tăng 2,02% so với năm học trước. Các quận, huyện và nhiều nhà trường đã xây dựng các biện pháp tích cực để duy trì sĩ số, quan tâm HS yếu, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho HS khuyết tật và HS có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập.
Sở tiếp tục chỉ đạo 100% các trường thực hiện nghiên túc có hiệu quả Thông tư số 30/TT – BGDĐT về đánh giá xếp loại học sinh tiểu học. Quan tâm chỉ đạo việc tinh giảm việc ghi chép vào hồ sơ sổ sách để tránh gây áp lực cho giáo viên theo nội dung công văn số 6169 của Bộ GD&ĐT.
HKI vừa qua, 100% các phòng GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về nội dung quan điểm đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo cấp học CB, GV theo Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên TH; công tác chỉ đạo và quản lý việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; bồi dưỡng ứng dụng CNTT…
Các hoạt động và các phong trào VHVN – TDTT diễn ra sôi nổi đạt chất lượng và hiệu quả cao. 100% các nhà trường tổ chức tốt Hội khỏe Phù Đổng, Sở đã tiếp tục phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào hát và sáng tác các bài hát về thiếu nhi ở cấp TH.
Năm 2015 đã có thêm 25 trường đạt CQG (vượt chỉ tiêu 4 trường, trong đó HKI vừa qua công nhận 20 trường). Tính đến hết tháng 12/2015, toàn Thành phố đã có 435 trường TH đạt CQG, đạt tỷ lệ 61,3% (trong đó có 7 trường đạt CQG mức độ II). Thực hiện Luật Thủ đô, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT xây dựng đề án, chương trình bổ sung nâng cao trường CLC ở những nơi có đủ điều kiện và trên tinh thần tự nguyện. Tính đến nay, toàn Thành phố đã có 5 trường được công nhận trường CLC.
Học kỳ II năm học 2015 – 2016, ngành sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường các giải pháp cải tiến đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng dạy và học, đặc biệt là các biện pháp đổi mới dạy học theo hướng nâng cao năng lực và phẩm chất HS gắn với việc nâng cao công tác đánh giá xếp loại HS theo thông tư 30; Đổi mới nâng cao công tác quản lý, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên, chủ động tích cực tham mưu trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; Phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước gắn với các đợt thi đua cụ thể trong HKII…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến đánh giá: HKI vừa qua, cấp Tiểu học đã đạt được nhiều thành tích tốt, trong thời gian tới, các nhà trường cần tăng cường kiểm tra dự giờ để giáo viên dạy đủ, dạy đúng chương trình; triển khai thực hiện tốt việc sinh hoạt tổ chuyên môn có sự tham gia của BGH; thực hiện tốt quy chế dân chủ… phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ chỉ tiêu được giao trong năm học 2015 – 2016.
* Cấp học THPT:
Quy mô giáo dục THPT giữ ổn định với 207 trường, gần 184 nghìn học sinh. Năm 2015, số trường chuẩn cấp THPT vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, chỉ tiêu được giao là 8 trường nhưng toàn ngành đã có thêm 11 trường THPT đạt chuẩn.
Toàn cảnh hội nghị
Học kỳ 1 vừa qua, cấp THPT đã đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Các trường tự chủ xây dựng kế hoạch chuyên môn, chú trọng việc dạy học theo chuyên đề và tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu, phòng thực hành, thí nghiệm… Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng đã tổ chức 15 chuyên đề sâu về dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh ở tất cả các môn học của cấp học với hơn 3 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT tham gia.
Công tác quản lý dạy thêm, học thêm được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tính đến hết HK1, ngành GD&ĐT Hà Nội đã cấp mới, gia hạn giấy phép dạy thêm, học thêm cho 35 trường THPT với số giáo viên tham gia giảng dạy được cấp phép là 1.494 thầy cô. Việc cấp phép được làm đúng quy trình, chặt chẽ làm cho hoạt động dạy thêm, học thêm đúng mục đích, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội và CMHS.
PGĐ Chử Xuân Dũng trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 5 trường THPT
Học sinh các trường THPT của Hà Nội tiếp tục đoạt giải cao tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Tháng 11/2015, đại diện cho HS Việt Nam tham gia cuộc thi khoa học trẻ quốc tế (IJSO) tại Hàn Quốc, cả 6 em đều đạt giải với 2HCB, 4HCĐ. Các em cũng tích cực tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật Hasef, Em yêu lịch sử Việt Nam…
Trong HK2, cấp học THPT cũng sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt quan tâm: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia; thực hiện xã hội hóa giáo dục, xây dựng mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao ở một số trường có điều kiện; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Phát biểu tại hội nghị, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã biểu dương sự cố gắng của các trường THPT trong HK1, đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát các kế hoạch năm học, thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm của HK2 với các giải pháp cụ thể. PGĐ nhấn mạnh: Các cơ sở giáo dục cần đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể, phải xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp và tuyệt đối không cắt xén chương trình; Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Xây dựng văn hóa nhà trường, tạo dựng môi trường giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Tại hội nghị, 5 trường THPT đã được Sở GD&ĐT Hà Nội trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có 2 trường đạt cấp độ 3 là THPT Minh Khai, THPT Nguyễn Gia Thiều và 3 trường đạt cấp độ 1 là THPT Yên Viên, THPT Kim Liên, THPT Ngọc Tảo.
*Ngành học GDTX:
HKI năm học 2015-2016 với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, với sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành, GDTX Hà Nội đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Năm học này, GDTX Hà Nội có 31 TTGDTX (trong đó có 2 TTGDTX cấp TP), 584 trung tâm HTCĐ, 90 trung tâm ngoại ngữ, tin học, 73 trung tâm bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng. Tổng số học viên theo học các chương trình GDTX là 105.541 học viên. Các trung tâm tiếp tục xây dựng và triển khai nhiệm vụ năm học theo mô hình TTDGTX thực hiện đồng thời các nhiệm vụ GDTX – hướng nghiệp – dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nền nếp, kỷ cương trong quản lý, tổ chức dạy và học tại các trung tâm được tăng cường. Các quận, huyện, thị xã đã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”. Trong tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, toàn Thành phố đã tổ chức được hàng nghìn chuyên đề các loại, thu hút được hơn 1,3 triệu lượt người tham gia.
Toàn cảnh hội nghị
HKI năm học 2015 – 2016, Sở GD&ĐT đã tổ chức thi chọn HVG giải toán trên MTCT và thi Olympic tiếng Anh cấp Thành phố. Kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay với 155 học viên dự thi. Kết quả có 4 giải Nhất, 19 giải Nhì, 24 giải Ba và 34 giải Khuyến khích. Từ kết quả của cuộc thi Thành phố, Sở tiếp tục tổ chức thi chọn đội tuyển quốc gia, đã chọn được 5 học viên có thành tích cao vào đội tuyển để tiếp tục bồi dưỡng đi dự thi học viên giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay toàn quốc. Kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp Thành phố có 146 học viên tham dự. Kết quả có 2 giải Nhất, 19 giải Nhì, 24 giải Ba và 29 giải Khuyến khích.
Kết quả công tác chống mù chữ năm 2015, số người trong độ tuổi 15 – 35 biết chữ đạt tỷ lệ 99,85%; Số người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 là 99,52%. Số xã phường thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 là 584/584 đạt tỷ lệ 100%. Số quận, huyện, thị xã đạt chuẩn XMC mức độ 2 là 30/30 đạt tỷ lệ 100%.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga đánh giá cao sự nỗ lực của ngành học GDTX trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ của HKI và đề nghị toàn ngành tập trung để triển khai thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm của HKII năm học 2015 – 2016, trong đó tập trung: Tận dụng tối đa các cơ sở vật chất sẵn có để nâng cao chất lượng dạy và học; Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; Tăng cường chỉ tiêu tuyển sinh GDTX cấp THPT; Ôn tập và định hướng môn thi tốt hơn cho HV để đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT….
Tại Hội nghị, có 2 trung tâm GDTX được nhận Giấy chứng nhận Cấp độ 2 của Sở GD&ĐT là TTGDTX Chương Mỹ và TTGDTX Đông Anh