Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, Quốc Hội ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Chương trình GDMN do Vụ GDMN xây dựng cũng thay đổi, bổ sung một số phần để phù hợp với mục tiêu đổi mới. Đặc biệt phần cốt lõi cần thay đổi là người giáo viên cần chuyển từ dạy học cung cấp kiến thức (có tính hàn lâm, nặng về lý thuyết) sang dạy học coi trọng trải nghiệm, thực hành ứng dụng vào cuộc sống, trên cơ sở đó nhằm phát triển năng lực học sinh.
Hiện nay, trình độ đào tạo của GVMN có sự chênh lệch rất lớn về bằng cấp và chất lượng đào tạo. Về mặt bằng cấp, có trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ; về mặt chất lượng đào tạo, có đào tạo Tập trung, đào tạo Tại chức, đào tạo Từ xa, Vừa học vừa làm… Thực trạng này làm cho chất lượng chuyên môn, tay nghề của giáo viên trong các trường mầm non có sự phân hóa “cao - thấp” rõ rệt. Mặt khác, cấp học MN đang nở rộ nhiều loại hình GD. Bên cạnh loại hình công lập, còn có GD ngoài công lập, mô hình trường MN Quốc tế, trường MN chất lượng cao…, làm cho diện mạo của cấp học MN có nhiều thay đổi: phong phú về loại hình, đông đảo về số lượng, dồi dào về chất lượng, mang đến nhiều sự đổi mới về phương pháp GD trẻ MN. Việc bồi dưỡng giúp GV có khả năng tiếp cận, chọn lọc và ứng dụng một số phương pháp GD tiên tiến như Montessori, Steiner, Reggio Emilia,… góp phần không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cấp học MN Quận Hà Đông hiện có 70 trường (44 trường công lập,26 trường ngoài công lập) và 279 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Tổng số trẻ đi học là 37.649 trẻ. Tổng số CBQL, GV, nhân viên là 5.277người. Cấp học MN Quận có những thuận lợi và khó khăn sau:
Thuận lợi:
100% GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó GVMN các trường công lập có trình độ trên chuẩn đạt 81,8 %;
Nhiều CBQL cấp MN tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, là những hạt giống tốt để lan tỏa tình yêu nghề và tinh thần đổi mới mạnh mẽ cho GV.
Đội ngũ CBQL, GVMN Quận có truyền thống đoàn kết, sẻ chia, ham học hỏi để giúp nhau cùng tiến bộ.
Khó khăn:
GVMN làm việc tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập chủ yếu được đào tạo theo hình thức Liên kết, Vừa học vừa làm, Tại chức…nên chất lượng còn nhiều hạn chế.
Số lượng GV làm việc tại các cơ sở GDMN ngoài công lập chiếm tỷ lệ nhiều hơn các trường công lập, họ thường xuyên thay đổi địa bàn làm việc, “nay đây, mai đó”, có khi vừa bồi dưỡng xong lại xin thôi việc, gây nên sự mất ổn định rất lớn cho các cơ sở GDMN.
Phần lớn đội ngũ GVMN chú trọng nhiều về dạy kiến thức, còn xem nhẹ việc tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, trau dồi đạo đức nhà giáo, tiềm ẩn nguy cơ bạo hành trẻ, nhất là trong các nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập.
Xuất phát từ yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam và nhu cầu thực tiễn, hiểu rõ thực trạng cấp học mầm non trên địa bàn Quận, xác định việc bồi dưỡng CBQL, GV, nhân viên cấp học MN là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đội ngũ, phòng GDĐT quận Hà Đông đã đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1. Chỉ đạo các cơ sở GDMN quản lý hiệu quả quá trình tự bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên
Căn cứ thực hiện: Thông tư số 36/2011/TT-BGDĐT ngày 17/8/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT banh hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên GVMN; Thông tư số 12/2019/TT-BGDĐT ngày 26/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT banh hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên GVMN. Phòng GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở GDMN thực hiện tốt việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm đối với GV với nhưng nội dung cụ thể như: Cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ năm học trên phạm vi toàn quốc; Cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ phát triển GDMN theo từng thời kỳ của địa phương; Phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho GV.
Phòng GDĐT triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên trong từng năm học, yêu cầu các cơ sở GDMN triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên tại đơn vị. Trên cơ sở đó, GV lựa chọn các mô đun theo số lượng quy định để tìm hiểu, nghiên cứu và viết bài thu hoạch, báo cáo kết quả tự bồi dưỡng hàng năm để nhà trường và các cấp quản lý theo dõi, đánh giá, cấp chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên cho GV.
2. Chỉ đạo các cơ sở GDMN tổ chức hiệu quả việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên tại đơn vị
Nhằm tạo cơ hội cho GV học hỏi, chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ, lan tỏa những cách làm hay, những kinh nghiệm quý, những đổi mới, sáng tạo tại cơ sở trong quá trình chăm sóc, GD trẻ. Phòng GDĐT yêu cầu mỗi cơ sở GDMN phải xác định mục tiêu phát triển nhà trường trong từng năm học và từng giai đoạn, phát triển năng lực chuyên môn của GV trong từng cơ sở GD. Nội dung bồi dưỡng cụ thể do các đơn vị chủ động xây dựng và thực hiện theo từng năm học trên cơ sở phát triển nhà trường trong từng giai đoạn gắn với nhiệm vụ trọng tâm của cấp học MN trên địa bàn Quận và Thành phố.
Để các cơ sở GDMN thực hiện hiệu quả, phòng GDĐT đã tham mưu UBND quận xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển GDMN toàn quận giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở triển khai thực hiện các Đề án, Kế hoạch, Chương trình phát triển GDMN của Bộ GDĐT và UBND thành phố Hà Nội; Xây dựng hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ từng năm học, chú trọng định hướng và giao nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV, NV tại các cơ sở GDMN. Các cơ sở GDMN căn cứ vào Đề án, Kế hoạch của cấp trên và điều kiện cụ thể của đơn vị để xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cho phù hợp, hiệu quả.
3. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho CBQL, GV, NV
Xác định rõ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp gắn bó với nhau như hai mặt của một tờ giấy. Người CBQL tốt, người GV, nhân viên tốt phải hội tụ đầy đủ cả hai điều trên. Phòng GDĐT đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho từng đối tượng với các nội dung phù hợp:
Bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ:
Đối với CBQL: bồi dưỡng đổi mới tư duy nâng cao vị thế và năng lực quản lý thông qua một số nội dung tiêu biểu như: Vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; Thực hiện Quy chế dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị; Quản lý tài sản, tài chính an toàn, hiệu quả; Đổi mới quản lý nhân sự, quản lý chuyên môn nâng cao chất lượng đội ngũ; Tiếp cận, tìm hiểu, lựa chọn và vận dụng hiệu quả một số phương pháp tiên tiến trong GDMN như: Montessori, Steiner, Reggio Emilia, giáo dục Stem, xây dựng trường mầm non hạnh phúc; Bồi dưỡng các nội dung theo kế hoạch bồi dưỡng hằng năm của Sở GDĐT Hà Nội dành cho CBQL cấp học MN.
Đối với GV: Bồi dưỡng đổi mới tư duy, phát huy năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người GV thông qua một số nội dung tiêu biểu như: Xây dựng Kế hoạch GD phù hợp, hiệu quả; Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm: Thiết kế và tổ chức các hoạt động GD kỹ năng tự phục vụ, GD lòng yêu thương cho trẻ MN; Tiếp cận, tìm hiểu, lựa chọn và vận dụng hiệu quả một số phương pháp tiên tiến trong GDMN như: Montessori, Steiner, Reggio Emilia, GD STEAM, xây dựng trường MN hạnh phúc; Bồi dưỡng các nội dung theo kế hoạch bồi dưỡng hằng năm của Sở GDĐT Hà Nội dành cho GVMN.
Với những nội dung trên phòng GDĐT đã tổ chức với các hình thức phong phú như: Tổ chức Hội nghị bồi dưỡng tập huấn để triển khai nội dung liên quan; Tổ chức tham quan trường điểm dự giờ kiến tập thực hành; Tổ chức giao lưu, tọa đàm chia sẻ những cách làm sáng tạo, thiết thực hiệu quả; Tổ chức chuyên đề, Hội thi, sơ kết, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng để đánh giá và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện.
Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp:
Nội dung bồi dưỡng được xây dựng đối với 100% CBQL, GV, NV các trường MN, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn Quận như: Lòng yêu thương chân thật; Sức hút từ lòng yêu thương; Thầy cô giáo hạnh phúc làm thay đổi cả thế giới; Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quyền trẻ em trong Pháp luật Việt Nam hiện nay ( Luật Trẻ em 2016); Nhiệm vụ của GVMN: Nhiệm vụ của nhân viên MN; Những điều GV không được làm; Những điều nhân viên không được làm.
Thời gian bồi dưỡng được thực hiện từ tháng 3/2017 đến nay, vào các ngày chủ nhật theo lịch bồi dưỡng từng năm trong Kế hoạch dưới hình thức tập trung, trực tiếp với địa điểm thuận tiện tại Hội trường UBND Quận Hà Đông để CBQL, GV, NV cấp học MN được tham gia.
Hình thức bồi dưỡng được tổ chức theo hướng phát huy tính tự chủ trong lĩnh hội kiến thức vì vậy mỗi học viên sẽ tiếp cận vấn đề, nghiên cứu tài liệu, tư liệu, trao đổi, tọa đàm, chia sẻ suy nghĩ và cách giải quyết các vấn đề liên quan đến các nội dung học tập. Giảng viên đề ra mục tiêu, thống nhất nội quy, nêu vấn đề, cung cấp tài liệu, tư liệu, giao nhiệm vụ và tổ chức cho các học viên suy nghĩ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ để chốt các nội dung quan trọng về đạo đức nhà giáo nhằm thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo an toàn cho trẻ MN, xây dựng môi trường GD tích cực, hạnh phúc.
Kết quả đạt được:
Sau nhiều năm liên tục bồi dưỡng, các CBQL, GV, NV trong các cơ cở GDMN đã vượt lên bao khó khăn vất vả, từng ngày, từng ngày gieo hạt giống hiểu biết, yêu thương, trách nhiệm để cô trò được hạnh phúc, bình an. Cấp học MN Quận Hà Đông đạt được một số kết quả như:
Các cơ sở GDMN đều đảm bảo an toàn về thân thể và tinh thần cho trẻ; Toàn cấp học không có GV bạo hành trẻ, không có GV vi phạm đạo đức nhà giáo; Đội ngũ CBQL, GV, NV có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc, xuất hiện nhiều tấm gương tận tụy, tâm huyết, đổi mới và sáng tạo, yêu nghề, yêu trẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cấp học MN Quận Hà Đông là đơn vị đạt nhiều giải cao trong Hội thi GV dạy giỏi cấp Thành phố, có GV đạt danh hiệu GV giỏi cấp Quốc gia; đồng thời đạt giải cao trong Hội thi “Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm” cấp Thành phố, Trường MN Thần Đồng, Quận Hà Đông được Bộ GDĐT ghi nhận đạt thành tích tốt trong công tác “Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm”. Đây là nguồn động viên to lớn để cấp học MN Hà Đông tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Một số hình ảnh minh họa
Lớp bồi dưỡng đạo đức nhà giáo vào ngày chủ nhật tại hội trường UBND quận Hà Đông
Trẻ em được vui chơi, học tập trong môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, tích cực