Nhìn thẳng vào những hạn chế
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Hội nghị cần tập trung thảo luận làm rõ những kết quả, hạn chế chủ yếu của công tác quản lý giáo dục các cấp; làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng vấn đề cụ thể; dành thời gian bàn về phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học mới…
Theo Bộ trưởng, năm học 2015 – 2016 ngành GD&ĐT đứng trước thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành trung ương, sự chia sẻ của nhân dân, sự quyết tâm của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục… ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đề ra.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ một số kết quả nổi bật của ngành trong năm học 2015 – 2016. Thứ nhất, việc đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục có chuyển biến tích cực, tập trung đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời làm tiền đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Triển khai đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học bước đầu có kết quả tốt, đã tác động tích cực đến quá trình dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Thứ hai, các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường. Ngành tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục; Chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đầu tư. Tài chính cho giáo dục tiếp tục được ưu tiên.
Thứ ba, chất lượng GD&ĐT từng bước được nâng lên. Theo đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non có bước chuyển biến rõ rệt; Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì; chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên, đào tạo học sinh giỏi tiếp tục đạt kết quả cao; Chất lượng giáo dục đại học có bước chuyển biến tích cực. Giáo dục vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục hòa nhập được quan tâm, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục; Công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được củng cố, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cơ bản còn tồn tại. Đó là, công tác xây dựng và thực hiện chính sách còn nhiều bất cập; công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh, dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tự chủ, hội nhập quốc tế, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức, công tác truyền thông giáo dục chưa tốt…
Trình độ đào tạo hướng tới công dân toàn cầu
Năm học 2016 – 2017, phương hướng chung được Bộ GD&ĐT đưa ra là: Đối với giáo dục phổ thông, tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Đối với giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản cần phải thực hiện trong năm học mới. Trong 9 nhiệm vụ cơ bản, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là nâng cao chất lượng nhà giáo và quản lý giáo dục.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những thành tựu của ngành giáo dục trong quá trình đổi mới 30 năm. Thủ tướng cũng ghi nhận ngành giáo dục đã bước đầu triển khai toàn diện đổi mới giáo dục, dạy học theo hướng mở, khơi gợi tư duy, sáng tạo. Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã khắc phục những bất cập của năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình. Sức nóng, sức ép giảm so với nhiều năm trước.
Thủ tướng cũng hoan nghênh đổi mới của Bộ GD&ĐT trong việc tổ chức hội nghị trực tuyến với thành phần tham dự đông nhưng lại tiết kiệm chi phí. Báo cáo trong hội nghị ngắn gọn, nhấn mạnh đến tồn tại, bất cập để sửa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý ngành GD&ĐT trong năm học 2016 – 2017 cần đổi mới chương trình, giáo dục học sinh vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân, vừa đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà phải toàn diện cả văn, thể, mỹ…; Dạy học sinh biết “Tiên học lễ, hậu học văn”, biết yêu lịch sử, truyền thống dân tộc, yêu đồng bào, đồng thời giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong đào tạo lớp trẻ; Chú ý giáo dục thể chất để tạo ra thế hệ thanh niên khỏe mạnh toàn diện; chú ý việc dạy học Tiếng Anh từ phổ thông; Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là với trẻ nghèo vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người…. Phải tạo mọi điều kiện để mọi người được học tập.
Với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng lưu ý: Phải đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động; Trình độ đào tạo phải hướng tới công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia cộng đồng Asean; Gắn kết đào tạo ĐH, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội…; Đẩy mạnh tự chủ ĐH một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với xác định trách nhiệm người đứng đầu…
Hà Nội tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao
Điểm cầu của TP. Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cùng BGĐ Sở và đại diện lãnh đạo các quận, huyện của thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhìn thẳng vào thực tế: Hà Nội có 2.622 trường học với trên 9 nghìn phòng học, tổng số hơn 1,7 triệu học sinh. Tuy nhiên, sự phân bố các trường xây dựng trong những năm qua chưa ổn định. Vì vậy, trong nội thành, nhiều trường còn tình trạng quá tải, trong khi ở ngoại thành trung bình mỗi phòng học chưa đến 20 cháu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu UBND TP
Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, những năm qua, Hà Nội đã đầu tư nâng cao trình độ cho giáo viên, đẩy mạnh quan tâm đến việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục. Chuẩn bị cho năm học 2016 - 2017, Hà Nội đã tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) qua mạng internet. Hơn 600.000 cháu được tuyển sinh qua mạng, tạo thuận lợi cho phụ huynh. Hà Nội cũng phấn đấu đến ngày 1/9 quản lý hơn 1,7 triệu học sinh của Thủ đô qua mạng điện tử.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề xuất 9 nội dung liên quan đến các vấn đề: Quy hoạch lại toàn bộ hệ thống giáo dục của Thành phố; có chương trình chuẩn, hàng năm đào tạo cho giáo viên để nâng cao trình độ, đồng thời tiêu chuẩn hóa trình độ giáo viên các cấp; đưa chương trình CNTT từ cấp tiểu học; đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Anh; đề xuất Bộ GD&ĐT có chương trình định hướng nghề nghiệp và tâm lý cho học sinh lớp 9; cơ chế tự chủ tài chính cho các trường đại học, cao đẳng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục; tiếp tục đào tạo các nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư phát triển giáo dục các ngành mũi nhọn trên cơ sở nhu cầu của thị trường; tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết trong thời gian qua, Hà Nội đã rà soát, đầu tư và đảm bảo đủ số vốn để xây dựng 26 trường cho 13 huyện nghèo với tổng kinh phí 597 tỷ đồng. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh, Hà Nội sẽ cũng kết hợp cùng các doanh nghiệp, đóng góp của CMHS và kinh phí của Thành phố để đầu tư nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh trong các trường học.